Giảm tải bệnh viện: Vẫn loay hoay tìm giải pháp

Nếu như ở Hà Nội, quá tải bệnh viện (BV) chỉ tập trung chủ yếu ở các BV tuyến trung ương, thì ở TPHCM, việc quá tải diễn ra ở các BV chuyên khoa, đa khoa từ tuyến TP trở lên.

Vậy giải pháp riêng nào để các BV tại TPHCM thoát cảnh 2-3 bệnh nhân nằm chung giường? Đây là vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại cuộc họp bàn với lãnh đạo cao nhất của UBND TPHCM và các BV trên địa bàn từ tuyến quận, huyện trở lên diễn ra vào chiều 14.2.

Bệnh viện chuyên khoa: 3 bệnh nhân/giường

Theo Sở Y tế TPHCM, quá tải BV ở TP đang trở thành căn bệnh mạn tính chưa tìm được thuốc chữa. TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, toàn TP hiện có 13 BV thuộc bộ ngành, 31 BV đa khoa và chuyên khoa thuộc sở, 23 BV quận, huyện, 322 trạm y tế xã phường. Ngoài ra, số BV ngoài công lập đã lên đến 34 và 13.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà hộ sinh, y học cổ truyền.

Tổng số giường bệnh của toàn TP hiện nay là 31.088. Tính bình quân trên 10.000 dân đối với số giường bệnh là 42 giường và số BS là 12,2.  Chỉ tính riêng trong năm 2011, số lượt bệnh nhân đến khám lên đến 30 triệu, trong đó số lượng nội trú gần 1,3 triệu và điều trị ngoại trú gần 5,2 triệu (152% so với kế hoạch đề ra). Không chỉ một số BV chuyên khoa quá tải mà các BV đa khoa cũng rơi vào tình trạng vượt công suất rất lớn như: BV 115 (114%), BV Nguyễn Trãi (100%), Nguyễn Tri Phương (101%), Cấp cứu Trưng Vương (104%), Nhân dân Gia Định (106,5%).


Quá tải tại BV chuyên khoa nhi ở TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: V.T

Theo đánh giá của ngành y tế, việc quá tải nặng nề nhất là ở các BV cấp tỉnh nhưng được xem là tuyến cuối như: BV Nhi Đồng 1: Công suất 123% (số bệnh nhân nằm ghép đôi hoặc ghế bố là 322); Từ Dũ: 126,3%  (số bệnh nhân nằm ghép đôi hoặc ghế bố 316); Hùng Vương: 111,4% (số bệnh nhân nằm ghép đôi hoặc ghế bố là 103); Chấn thương - Chỉnh hình: 129,1% (146 bệnh nhân nằm đôi hoặc ghế bố). Trong số đó, BV Ung bướu với công suất ở mức 120% và mỗi giường bệnh phải kê cho 3 bệnh nhân nằm.

Trong khi đó, tại các BV tuyến quận, huyện, chỉ có một số BV trung tâm TP có công suất ở mức 70-72%, còn lại là từ 60%. Mặc dù Đề án 1816 của Bộ Y tế triển khai kỹ thuật của BV tuyến trên về cho các BV quận, huyện tuyến dưới, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn ào ào tự ý chuyển viện.

TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng, quá tải của các BV tại TPHCM chủ yếu tập trung ở các BV chuyên khoa đầu ngành như ung bướu, nhi, chấn thương chỉnh hình, phụ sản; BV đa khoa loại 1. Điều đáng nói, “góp phần” trong việc quá tải hiện nay tại TPHCM  đó là các BV từ các tỉnh khác chuyển đến chiếm số lượng rất lớn, trên 50%. Trong đó, số bệnh nhân tự đến nhiều hơn số chuyển viện và kể cả bệnh nhẹ cũng vào tuyến trên khám, cấp cứu...

Giải pháp đột phá: Phát triển BV vệ tinh

Quá tải BV tại TPHCM lâu nay đã bàn quá nhiều. Chính vì điều này, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thì cuộc họp lần này không nói tới thực trạng mà TPHCM phải đưa ra được giải pháp mới, đột phá và xoáy vào trọng tâm giảm tải. Bà Tiến cho rằng: “Tôi luôn suy nghĩ và trăn trở khi nhìn thấy cảnh ở BV Ung bướu TPHCM, vì thế bên cạnh giải pháp lâu dài là xây BV Ung bướu cơ sở 2..., thì trước mắt BV phải tìm được giải pháp giảm tải”.

Theo BS Lê Hoàng Minh - Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, trước mắt, BV Ung bướu tự mình vận động bằng cách chuyển bệnh nhân nội trú sang ngoại trú có kiểm soát. Sở Y tế giao chỉ tiêu 5% nhưng BV xé rào tăng 10-15%. Giải pháp đột phá hiện nay mà BV đang nhắm đến đó là một số BV quận, huyện không sử dụng hết công suất thì BV Ung bướu sẽ liên kết làm cơ sở 2 và đào tạo tại chỗ nhân lực, từ từ tiến đến việc chuyển giao kỹ thuật, thương hiệu khi được bệnh nhân tin tưởng...


BV Ung bướu TPHCM được xem là điểm nóng quá tải BV ở TPHCM. Ảnh: V.T

Đồng tình với quan điểm trên, BS Trần Thanh Mỹ - Giám đốc BV Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM - cũng đưa ra giải pháp đột phát là chọn từ 1-2 BV quận/huyện làm cơ sở 2 và 3 của BV. Trong đó, giám đốc BV quận, huyện cũng là giám đốc của cơ sở 2 và 3. Chức năng của các cơ sở này sẽ thực hiện việc điều trị với chất lượng ngang bằng với BV chuyên khoa.

Đây là hai giải pháp được bộ trưởng tán thành, tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là liệu các BS có “dám” triển khai cơ sở 2, 3 tại các BV tuyến quận, huyện khác để thực hiện chia sẻ bệnh nhân để giảm tải. Nếu muốn thì cần nêu đích danh BV nào sẽ được liên kết. Bà Tiến cho biết, lâu nay, với khung giá dịch vụ y tế quá thấp thì việc quá tải cũng là tạo thêm thu nhập cho các BV trong việc khám ngoài giờ, phòng dịch vụ, điều trị dịch vụ...

Điều này được PGS-TS Nguyễn Đức Công - Giám đốc BV Thống Nhất, là BV hiện đại tuyến trung ương lâu nay điều trị cho cán bộ cấp cao - cho biết: “BV chúng tôi thừa rất nhiều giường có khoa ung bướu, tim mạch chuyên khoa sâu và sẵn sàng nhận thêm bệnh nhân dịch vụ. Nếu các BV khác quá tải thì giới thiệu chuyển sang cho BV, chúng tôi sẽ đảm nhận tốt...”.

Được biết, để giảm tải lâu dài, theo đề án với 5 BV cửa ngõ, TPHCM sẽ có thêm gần 5.000 giường bệnh. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp lâu dài. Trước mắt, muốn giảm tải BV thì ngay bây giờ, Bộ Y tế cần phải xem lại: Liệu các BV có muốn giảm tải hay không, hay chỉ đưa ra giải pháp đột phá để đối phó...