Liên quan đến chủ trương tinh giản biên chế đối với 100.000 công chức vừa được Bộ Nội vụ đưa ra, PV đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng - một trong những địa phương có những bước đột phá trong công tác cải cách hành chính và đi đầu trong chính sách đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả nước.
- Ông có nhận định gì về chủ trương tinh giản 100.000 công chức của Bộ Nội vụ?
Theo tôi, việc tinh giản bộ máy cũng là việc bình thường và thường xuyên vì khi xã hội phát triển thì cơ chế quản lý hay bộ máy quản lý cũng thay đổi cho phù hợp. Sự thay đổi của xã hội cũng sẽ dẫn đến bộ máy có người phù hợp, người không còn phù hợp và từ đó hình thành bộ máy mới. Bộ máy mới phát triển phải năng động nên kéo theo việc tinh giản nhân sự cũng là bình thường.
Thật sự, nếu chưa có chủ trương của Trung ương thì các địa phương cũng đã làm. Như Đà Nẵng, trong thời gian qua cũng đã có những chủ trương, đề xuất, xin được thực hiện việc tinh giản này.
Việc Bộ Nội vụ đưa ra chủ trương ấy cũng như đặt ra mục tiêu là để tính toán lộ trình cân đối về ngân sách, nhân sự,…
- Theo ông, chủ trương này sẽ gặp những khó khăn gì?
Khó khăn lớn nhất là phải xác định được đúng đối tượng tinh giản. Việc tinh giản phải thông qua công tác đánh giá cán bộ công chức. Nhưng việc đánh giá công chức hiện nay gặp phải nhiều vấn đề như vị nể, bình quân chủ nghĩa. Và chưa đưa ra được kết quả đầu ra của công chức.
Riêng Đà Nẵng, những năm vừa qua đã áp dụng nhiều biện pháp đánh giá kết quả đầu ra của công chức. Nhưng vẫn không tránh khỏi chủ nghĩa thành tích, đánh giá còn chung chung,… và nhất là chưa lượng hóa được kết quả đánh giá công chức.
- Nếu chủ trương này được áp dụng với Đà Nẵng, Đà Nẵng sẽ xử lý như thế nào?
Việc Trung ương đưa ra chủ trương là chủ trương chung. Còn việc giảm thế nào thì tùy ở các địa phương, các ngành và công việc cụ thể. Nên nếu địa phương nào, ngành nào bố trí con người trên công việc thì có muốn giảm cũng khó.
Tôi nói qua một chút về khái niệm công chức “sáng cắp ô đi - tối cắp ô về” có hàm ý chỉ đến công chức có cũng được mà không có cũng được, làm không được việc. Nhưng đây là vấn đề không hề đơn giản, vì hiểu rằng có những người có năng lực, nhưng đơn vị bố trí không phù hợp với công việc nên họ chưa làm hết được khả năng của mình đẫn đến "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về". Hay trong khái niệm ấy nói đến công chức không có năng lực cũng "sáng cắp ô, chiều cắp ô"
Nên muốn tinh giản và hỏi Đà Nẵng giảm bao nhiêu thì tôi không thể trả lời được cho đến khi xác định được nhu cầu nhân sự của Đà Nẵng là bao nhiêu để đáp ứng yêu cầu công việc của địa phương. Phải xác định được vấn đề này thì từ đó mới xác định được đơn vị dôi dư bao nhiêu nhân sự, khi đó mới có cơ sở để xem xét cắt giảm.
Nhiều năm nay, Đà Nẵng đã hướng đến “người vì việc” chứ không phải “việc vì người”, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và chất lượng cao, nâng cao chất lượng công chức nên rất khó có thể nói giảm thì sẽ giảm bao nhiêu người.
Theo ông Đặng Công Ngữ, muốn cắt giảm biên chế cần phải xây dựng cho được định mức và tiêu chuẩn công việc của công chức
- Vậy nếu muốn cắt giảm chúng ta phải làm gì?
Như tôi đã nói, muốn cắt giảm không phải chuyện dễ, vì nó liên quan đến rất nhiều vấn đề từ thể chế bộ máy, đến các chính sách xã hội… Muốn cắt giảm, thứ nhất chúng ta phải xác định rõ ràng và hoàn thiện bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị. Bộ máy có chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cần bao nhiêu người đảm nhiệm… Bài học ở Đà Nẵng trong thời gian qua là dù đã nỗ lực cải cách hành chính, sử dụng công chức hiệu quả nhưng vẫn không tránh được chồng chéo, nhiều đầu mối, nhiều cơ quan, chức năng, nhiệm vụ dẫm chân lên nhau.
Thứ hai là phải xây dựng được định mức, tiêu chuẩn cho từng vị trí, nhân sự ở vị trí nào thì định mức, tiêu chuẩn công việc ở mức ấy. Để lấy tiêu chuẩn ấy để so sánh, tham chiếu, từ đó mới xác định đúng được công chức nào không đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong khi đó, cái này ta còn thiếu.
Thứ ba là năng lực cán bộ để thực hiện công việc được giao, kết quả đầu ra phải như thế nào, so sánh vị trí công việc để bố trí công chức, vị trí công việc phải cụ thể với năng lực công chức,… chứ không được cào bằng.
Thứ tư là phải hiểu rõ được bản chất xã hội, xã hội hiện nay là xã hội dân sự với nhiều mối quan hệ cần xử lý mềm dẻo, uyển chuyển, phù hợp và theo kịp sự phát triển của nhu cầu xã hội. Trong khi đó, bộ máy nhà nước hiện nay còn xơ cứng, già nua, chưa thích ứng kịp với sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của xã hội.
Thứ năm là phải xây dựng kỷ cương, kỷ luật, đánh giá công tâm, công khai tiêu chí, đối tượng thì mới có thể thực hiện được việc tinh giản.
Điều cuối cùng là phải thực hiện hiện đại hóa chính quyền đô thị, tích hợp các cơ quan chức năng, áp dụng chính phủ điện tử,… Có như vậy thì việc tinh giản mới đúng bản chất của nó.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công chức, nhưng Đà Nẵng vẫn tồn tại công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về"
- Thời gian qua, Đà Nẵng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng cán bộ công chức cũng như đạt kết quả đáng ghi nhận trong cải cách hành chính, vậy Đà Nẵng có nhiều công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” hay không?
Chúng ta phải nói thật là có và đương nhiên là có. Nhưng ít hay nhiều thì phải xác định rõ vấn đề như tôi đã nói ở trên. Họ là đối tượng có năng lực nhưng không được bố trí công việc dẫn đến “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, hay là đối tượng không có năng lực cũng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.
Ở Đà Nẵng vẫn có những đơn vị công việc mang tính thời vụ, giao thời… Khi xảy ra vẫn không xử lý được do nhiều lý do như nể nang, du di và thậm chí là vướng do không có chính sách để tinh giản cho nghỉ.
- Nếu bị tinh giản, phải giải quyết như thế nào đối với đối tượng này?
Việc cho một người nghỉ việc nó không chỉ ảnh hưởng đến người ấy mà ảnh hưởng đến cả một gia đình với nhiều nhân khẩu. Nếu không có chính sách khuyến khích để họ rời cơ quan nhà nước ra ngoài cũng rất khó. Đó là chưa nói đến việc chúng ta phải có thể chế, tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng.
Việc tinh giản biên chế phải được thực hiện thường xuyên, đi vào thực chất chứ không phải thực hiện gián đoạn, dồn ứ,… mang tính hình thức. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không tinh giản. Việc tinh giản là cần phải làm, người không đáp ứng được công việc phải bị loại thải nhưng phải thực hiện đồng bộ và chủ trương thực hiện phải ổn định, không được gây xáo trộn trong xã hội. Nhất là chính sách xã hội sao cho họ có thể kiếm sống được để đảm bảo cuộc sống sau khi rời cơ quan công quyền.
- Xin cảm ơn ông!