Niki Pilic, người đã nhào nặn Djokovic từ tấm bé, đã chứng kiến những phẩm chất của một tài năng hiếm thấy phát lộ ngay khi cậu bé mảnh mai ấy bắt đầu cầm cây vợt bước vào sân, cũng không thể tin được rằng Djokovic ngày nay lại có thể chơi thứ tennis phi thường đến thế. Pilic từng thốt lên: “Cậu ta chơi tennis như thể có cánh”.
Cũng phải. Tennis của thời Pilic, hay những huyền thoại lừng danh mà chưa xa như Agassi, Sampras nếu chơi trên sân cứng mà xoạc cứ như đang chơi trên sân đất nện là chuyện không thể. Dĩ nhiên Djokovic không phải là người đầu tiên, mà tay vợt người Pháp Gael Monfils cũng được biết tới như một “slider man” (chuyên gia xoạc) trên bất kể mặt sân nào. Nhưng Djokovic xoạc hiệu quả hơn, bởi trong tennis, điều quan trọng nhất là giữ thăng bằng và trở lại tư thế sẵn sàng cho cú đánh tiếp theo, thì anh giờ đây là số một khi ở Federer đang xuất hiện ngày một nhiều những nếp nhăn tuổi tác.
Djokovic là số 1 - Ảnh Getty
Người ta thường nói: Đằng sau mỗi thành công thường tìm thấy bộ não của người Do Thái. Với Djokovic, câu nói ấy đúng nhưng chưa đủ.
Đúng là bởi đôi giày hãng Adidas mà Djokovic sử dụng có đôi lót đế sáng chế bởi một người Israel, sử dụng công nghệ Dynamic Motion Control, có khả năng kiểm soát khi di chuyển. Trên mỗi mặt sân, chuyên gia Tamir Kfir lại thiết kế cho Djokovic một loại đế giày riêng.
Kết quả, ở ngay đầu trận đấu, Djokovic mặc dù bị vặn sườn và trượt chân, anh đã tránh được một chấn thương có thể đe dọa khả năng thi đấu tiếp trận chung kết. Và khi Djokovic xoài người hết cỡ, anh xoạc rộng chân ra phía trước, xoay ngang bàn chân khi tiếp xúc với mặt sân và trượt dài đi chừng hơn 1m để tiếp bóng trước khi “phanh” khựng lại.
Còn chưa đủ là bởi bí quyết thành công của Djokovic còn có dấu ấn của y học phương Đông kết hợp với nghiên cứu y học dinh dưỡng của phương Tây để biến một tay vợt dễ bị dị ứng nắng, khó thở thành một người “không phổi”.
Djokovic gọi bác sĩ của anh, ông Igor Catejovic, là một trong những người vĩ đại nhất. Ông là người Serbia, nhưng lại lĩnh hội được nhiều tinh hoa của y học Trung Hoa, trở thành một chuyên gia châm cứu.
Ông là người đã ra một kết luận mang tính quyết định, để rồi Djokovic tìm tới các chuyên gia dinh dưỡng của Mỹ nhằm có một thực đơn không có chất gluten (nhiều trong tinh bột). Có thể ai đó cả nghĩ liên tưởng tới những “vụ án doping máu rùa” đáng xấu hổ của thể thao Trung Quốc truớc kia, nhưng kết cục là Djokovic giảm cân, nhưng mạnh mẽ hơn, và nhanh hơn trước gần như một bước chân mà chưa khi nào anh phải từ chối cho nước tiểu để thử chất kích thích.
Vẫn chưa hết, Djokovic cầm trên tay cây vợt Head Youtek IG Speed. Solgan trong đoạn quảng cáo của Djokovic với cây vợt này quả là không nói khoác: “My game is speed” - Lối đánh của tôi là tốc độ. Djokovic mở vợt nhanh hơn trước, tốc độ swing (xoay) và tăng tốc đầu vợt cũng nhanh hơn, nên bóng của anh nặng dù cho anh đánh bóng rất xoáy để hạn chế tối thiểu độ sai sót.
Sau trận chung kết kéo dài 5 tiếng 53 phút, điều đọng lại là Djokovic có thể chưa chắc đã có nền tảng thể lực bền bỉ như Nadal, nhưng chắc chắn rằng nếu trận đấu kéo dài hơn nữa thì Djokovic cũng sẽ là người chiến thắng, bởi lối đánh của Djokovic vẫn tốn ít sức hơn.
Nếu như Nadal phải đứng lùi sâu cả khi trả giao bóng lẫn khi đôi công thì Djokovic lại luôn áp sát vào sân để đánh bóng nhú (ngay khi nó nảy cao, và không chờ cho tới khi nó hạ xuống). Chính bởi thế Nadal luôn phải di chuyển nhiều hơn, tốn nhiều lực hơn mới đưa được bóng đi sâu, và khó đánh ra mang (chéo sân) trong khi Djokovic có thể thoải mái kiểm soát cuộc chơi.
Hẳn là cú đánh trái tay dọc dây đi ra ngoài của Nadal ở game thứ 7 trong set 5 đã làm tan vỡ bao trái tim người hâm mộ tay vợt Tây Ban Nha, và có thể là cả chính anh nữa, bởi anh bỏ lỡ cơ hội giành 2 game point khi tỷ số lúc ấy đã là 4-2. Nếu là 5-2 thì coi như “đóng đinh lên cỗ quan tài” như người ta thường nói.
Nhưng, lỗi đánh hỏng ấy của Nadal lại xuất phát từ một thực tế khó chối bỏ: Anh luôn phải đánh cực khó, phải đẩy cuộc chơi của mình tới ranh giới mong manh giữa bóng tốt và bóng ngoài trong suốt cả trận đấu mới giành điểm trực tiếp.
Cũng chưa chắc rằng Nadal dẫn 5-2 ở set 5 thì trận đấu sẽ ngã ngũ. Bởi khả năng trả giao bóng kỳ tài của Djokovic càng vào lúc ngặt nghèo nhất càng trở nên nguy hiểm nhất, như đã thấy ở trận bán kết US Open 2011 với Federer và cả trong trận đấu với Nadal.
Và lần đầu tiên sau 7 trận thua liên tiếp trong các trận chung kết với Djokovic, Nadal nói rằng anh vẫn lạc quan khi trận đấu kết thúc, bởi anh đã chơi tốt, không chấn thương dù là trận đấu kéo dài gần 6 tiếng. Một huyền thoại như Nadal trong một ngày chơi với toàn bộ khả năng và nỗ lực phi thường vẫn phải lấy việc chơi tốt làm niềm vui khi thua trận đã nói lên tất cả: Djokovic giờ thực sự là tay vợt hay nhất thế giới.
5 Grand Slam của Djokovic Với việc đánh bại Rafael Nadal, Novak Djokovic đã hoàn tất cú hat-trick vô địch ở Australian Open, đăng quang vào các năm 2008, 2011 và 2012. Trong năm 2011, anh cũng từng lên ngôi ở Wimbledon và US Open. Grand Slam duy nhất mà Djokovic còn thiếu là French Open, nơi anh chỉ mới lọt đến bán kết vào các năm 2007, 2008 và 2011. Tổng kết Australian Open 2012 Đơn nam: Vô địch Djokovic, á quân Nadal Đơn nữ: Vô địch Azarenka, á quân Sharapova 5 giờ 53 phút Trận chung kết Australian Open 2012 giữa Novak Djokovic và Rafael Nadal kéo dài tới 5 giờ 53 phút. Đó không chỉ là trận đấu dài hơi nhất trong lịch sử Australian Open mà còn là trận chung kết dài nhất trong lịch sử các giải Grand Slam, vượt xa kỷ lục 4 giờ 54 phút mà Mats Wilander và Ivan Lendl lập nên ở US Open 1988. Khắc tinh của Nadal Không phải Roger Federer mà Novak Djokovic mới thực sự là khắc tinh của Rafael Nadal. Thất bại ở Australian Open 2012 đã là trận thua thứ bảy liên tiếp của tay vợt người Tây Ban Nha trước đối thủ Serbia trong các trận chung kết ATP, kể từ Indian Well Masters 2011. |