Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC (áp dụng cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh) lúc 11h09 mua vào 44,1 triệu đồng/lượng, bán ra 44,6 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, tập đoàn vàng bạc đá quý Doji (Hà Nội) công bố giá vàng SJC là 44,05 – 44,35 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Hệ thống Sacombank niêm yết giá vàng SBJ trong bảng tin cập nhật lần thứ 6 lúc 11 giờ 25 mua – bán tương ứng là 44,1 – 44,5 triệu đồng/lượng. Vàng miếng hiệu Phượng Hoàng PNJ-DAB của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cuối buổi sáng mua vào 43,95 triệu đồng/lượng, bán ra 44,5 triệu đồng/lượng. So với cuối tuần trước, vàng hiện thấp hơn từ 700.000 đến 1 triệu đồng/lượng.
Phiên giao dịch đầu tuần tại thị trường châu Á, vàng quốc tế có xu hướng phục hồi nhẹ. Vàng tương lai giao dịch tại Mỹ tăng 0,2% lên 1.664,2 USD/Oz, còn vàng giao ngay cũng tăng 0,3% lên 1.667,93 USD/Oz
Các nhà chuyên môn nhận định vàng sẽ dao động trong biên độ từ 1.660 USD đến 1.680 USD/Oz cho đến khi xuất hiện các thông tin có tính ảnh hưởng mạnh, hoặc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có chính sách kinh tế mới.
Còn chuyên gia phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters (Canada) nhận định giá vàng sẽ chưa có biến động đáng kể nếu không thể bứt phá khỏi ngưỡng 1.653 USDOz đến 1.678 USD/Oz.
Mặt trận tiền tệ chứng kiến sự tăng giá mạnh mẽ của đồng euro, khi tỷ giá EUR/USD sáng nay leo thang lên 1,3404 – mức cao nhất trong 10 tháng qua. Dầu thô tiếp tục tăng, với các hợp đồng dầu ngọt, nhẹ giao tháng 2 tăng 70 cent lên 94,26 USD/thùng.
Trong nước, tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay là 20.828. Tỷ giá giao dịch của ngân hàng thương mại là 20.820 – 20.860 (mua vào – bán ra).