Mở cửa sáng nay, Tập đoàn DOJI báo giá vàng miếng SJC ở 47,80- 47,95 triệu đồng mỗi lượng, tăng 70.000 chiều mua vào và 100.000 đồng chiều bán ra so với hôm qua.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá bán tăng 100.000 đồng lên 47,95 triệu đồng mỗi lượng. Riêng chiều thu mua tăng mạnh tới 250.000 đồng, do doanh nghiệp điều chỉnh giảm sâu xuống 47,55 triệu đồng vào hôm qua.
Trong sáng đầu tuần có lúc niêm yết bán chỉ còn 47,74 triệu đồng, thấp nhất trong vòng một tuần trước đó. Vàng trong nước hiện vẫn "vênh" so với thế giới một khoảng 3,1 triệu đồng.
Trong khi giá vàng hồi phục, các ngân hàng đồng loạt hạ niêm yết mua bán USD. Tại Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam, giá bán USD sau khi lên 20.960 đồng vào sáng qua, đã hạ nhiệt còn 20.910 đồng vào buổi chiều và tiếp tục xuống còn 20.900 đồng sáng nay. Giá thu mua cũng mất 10 đồng, hiện ở 20.860 đồng ăn một đôla Mỹ.
Tại ACB, Eximbank và Vietinbank, chiều bán USD cũng mất 10 đồng, đồng loạt xuống 20.900 đồng. Giá thu mua giảm từ 5 đến 10 đồng, dao động từ 20.860 đến 20.865 đồng đổi một USD.
Giá vàng quốc tế đi lên nhẹ trong sáng thứ ba sau hai ngày giảm liên tiếp.
Tính đến 8h46 theo giờ Hà Nội, mỗi ounce tương đương 1,777,7 USD, tăng 2,20 USD so với mở cửa. Trước đó, thị trường đi xuống khá mạnh, có lúc chạm đáy của một tuần ở 1.766 USD trong phiên hôm qua. Sáng nay, đồng đôla Mỹ đang ở mức cao so với euro sẽ tiếp tục là áp lực đối với giá vàng.
Các bộ trưởng tài chính châu Âu và IMF vừa có cuộc thảo luận khá gay gắt ở Hy Lạp, tuy nhiên không đi đến kết quả cụ thể nào. Cùng lúc đó Tây Ban Nha tuyên bố chưa cần cứu trợ tài chính. Những sự kiện trên khiến đồng euro hiện ở mức giá thấp so với đôla Mỹ.
Mặc dù vây, nhà đầu tư vẫn tăng cường sự quan tâm đối với thị trường kim loại quý, bằng chứng là lượng vàng dự trữ tại quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR lại lập kỷ lục mới vào hôm qua.