Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới hiện tương đương 33,38 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Giá đóng cửa hôm qua tại thị trường trong nước xoay quanh 35,7-35,76 triệu đồng.
Đầu phiên, có lúc giá vàng rơi xuống đáy 5 tuần sau số liệu niềm tin tiêu dùng Mỹ lên cao nhất 6 năm trong tháng 3. Giá nhà cũng tăng mạnh trong tháng 1, cho thấy dấu hiệu nền kinh tế mạnh lên.
Giới phân tích cho rằng lực mua kỹ thuật sau sự xuất hiện của điểm cắt vàng (golden cross) trên biểu đồ cũng hỗ trợ giá kim loại quý. "Xu hướng của vàng trong dài hạn vẫn là đi lên", Bill Wosnack – nhân viên giao dịch tại Atlantic Floor nhận xét.
Giá các hợp đồng vàng giao tháng 4 gần như không tăng tại 1.311,4 USD một ounce. Khối lượng giao dịch cao hơn 10% trung bình 30 ngày.
Đà tăng của kim loại quý bị hạn chế sau khi Chủ tịch FED Philadelphia - Charles Plosser cho rằng FED nên tăng lãi suất ngắn hạn lên 3% vào cuối năm sau và 4% cuối năm 2016. "Bình luận của Plosser đã gây ra làn sóng bán tháo trên thị trường, đẩy giá vàng xuống 1.306 USD. Sau đó, kim loại quý mới phục hồi phần nào nhờ thông tin của ECB”, Ole Hansen – giám đốc cấp cao tại Saxo Bank cho biết.
Ngân hàng trung ương Đức hôm qua cho biết Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể mua lại các khoản vay và tài sản khác từ các nhà băng để hỗ trợ kinh tế eurozone.
Nhà đầu tư cũng đang theo dõi diễn biến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Hôm qua, Tổng thống Mỹ - Barrack Obama và các đồng minh đã chấp thuận ngừng áp thêm các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga, trừ phi nước này lấn chiếm các vùng khác ngòai Crimea.
Trong khi đó, dự trữ tại SPDR Gold Trust – quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới đã tăng lên 821,5 tấn hôm đầu tuần, cao nhất kể từ cuối năm ngoái.