Lúc 9h30 sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) báo giá vàng SJC cho thị trường Tp.HCM ở mức 42,48 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,53 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý tại Hà Nội cùng thời điểm giao dịch vàng SJC ở các mức giá tương ứng lần lượt là 42,48 triệu đồng/lượng và 42,54 triệu đồng/lượng.
So với sáng thứ Bảy tuần trước, giá vàng SJC hiện không có thay đổi. Từ khi thị trường mở cửa, giá vàng đã đứng im ở mức này. Trong 4 ngày trở lại đây, giá vàng miếng thương hiệu này đi ngang trên ngưỡng 42,5 triệu đồng/lượng, chờ những thay đổi tiếp theo từ giá vàng thế giới.
Trong 2 tuần trở lại đây, giá vàng trong nước đã tăng được gần 500.000 đồng/lượng. Theo biểu đồ giá vàng của SJC, giá vàng đang ở mức cao nhất trong khoảng 2 tháng rưỡi.
Vàng Rồng Thăng Long của Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu lúc 9h30 sáng nay có giá 40,95 triệu đồng/lượng và 41,25 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán. Vàng AAA của Công ty Vàng bạc đá quý Agribank có giá mua vào ở mức 40,8 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 41,1 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, mức chênh giá mua-bán vàng Phượng Hoàng PNJ-DongA Bank sáng nay đã được Công ty Vang bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) thu hẹp còn 30.000 đồng/lượng. Lúc 9h30, vàng miếng thương hiệu này có giá là 42,48 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,51 triệu đồng/lượng (bán ra).
Vàng SBJ của Sacombank-SBJ cùng thời điểm có giá tương ứng là 42,47 triệu đồng/lượng và 42,55 triệu đồng/lượng.
Liên quan tới vàng miếng “phi SJC” và vàng SJC móp méo đang bị Công ty SJC từ chối mua, Ngân hàng Nhà nước cho biết sắp ban hành các quy định có liên quan đến hoạt động sản xuất vàng miếng SJC trong đó bao gồm cả các quy định về chuyển đổi vàng miếng SJC cong, vênh, móp méo, cũng như chuyển đổi các loại vàng miếng nhãn hiệu khác thành vàng miếng SJC, làm cơ sở cho việc thống nhất thực hiện trong toàn quốc đối với mọi đối tượng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vàng miếng.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên tắc chung của các quy định nói trên là tất cả các loại vàng miếng SJC cong, vênh, móp méo, cũng như các loại vàng miếng nhãn hiệu khác đúng tiêu chuẩn, nếu có nhu cầu, đều được chuyển đổi thành vàng SJC.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 20.840 đồng (mua vào) và 20.860 đồng (bán ra), không thay đổi so với cuối tuần trước. Từ tuần trước tới nay, giá USD tự do gần như “bất động” ở các mức này.
Bảng báo giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng ít biến động. Ngân hàng Vietcombank sáng nay niêm yết giá USD ở mức 20.830 đồng (mua vào) và 20.860 đồng (bán ra). Ngân hàng Eximbank công bố giá giao dịch ngoại tệ này ở mức 20.810 đồng và 20.870 đồng, tương ứng giá mua và bán.
Tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức 20.828 đồng.
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong sáng nay, duy trì đà tăng yếu trong 3 phiên cuối tuần trước. Lúc 9h25 giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại châu Á đứng ở mức 1.617,7 USD/oz, cao hơn 0,9 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước.
Lấy giá USD tự do để quy đổi và chưa tính chi phí, giá vàng thế giới hiện tương đương 40,65 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ trong nước gần 1,9 triệu đồng/lượng.
Tuần trước, giá vàng giao ngay giảm 0,3%. Hiện thị trường vàng vẫn đang chờ xem quan điểm của các ngân hàng trung ương lớn về chính sách hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian tới để xác định hướng đi cho giá vàng.
Nhiều nhà phân tích dự báo, vàng sẽ tăng giá trong tuần này, nhưng khó có khả năng vượt xa khỏi cận trên của biên độ dao động trong thời gian gần đây là mức 1.640 USD/oz. Theo quy luật háng năm, tháng 8 là thời gian ít biến động của giá vàng do các nhà đầu tư dành thời gian cho nghỉ hè.
Tỷ giá Euro/USD tại Tokyo sáng nay phổ biến ở mức trên 1,23 USD/Euro, chưa có thay đổi đáng kể so với cuối tuần.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9 tại New York lúc 9h30 giờ Việt Nam tăng 0,41 USD/thùng so với đóng cửa phiên trước, giao dịch ở mức 96,01 USD/thùng.