Giá tăng ào ào
Dược sĩ Nguyễn Huy Am – chủ cửa hàng thuốc tại Long Biên (Hà Nội) cho biết, trong tháng 7, nhiều mặt hàng thuốc đã tăng giá từ 7-10%. Riêng Công ty Zuellig Pharma (ZPV) thông báo điều chỉnh giá từ ngày 1.7 với 16 mặt hàng thuốc kháng sinh, kháng viêm, điều trị tim mạch, huyết áp, chữa bệnh trĩ như Dalacin C 300mg, Medrol 4g, Amlor 5mg, Zithromax ,Praxilene 200mg … tăng từ 7- 10%. Ngoài ra, một số thuốc nhỏ mắt như Tobrex, Tobradex cũng tăng giá.
Một số thực phẩm chức năng còn tăng giá “khủng” hơn. Sản phẩm Nga Phụ Khang được bán với giá 240.000 đồng, trong khi vài tháng trước mới chỉ có giá 150.000 đồng/hộp. Các thực phẩm khác như Hoàng Thống Phong, trà Giảo cổ lam Tuệ Linh đều “tát nước theo mưa”.
Ông Trần Đức Chính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết, trong tháng 6, giá các mặt hàng dược phẩm tăng nhẹ. Qua khảo sát 4.664 mặt hàng, thuốc nội có 28 mặt hàng tăng giá hơn 9%, 6 mặt hàng giảm giá. Thuốc ngoại có 32 mặt hàng tăng giá hơn 6%, 15 mặt hàng giảm giá hơn 7% giá thành.
Ông Chính cũng dự báo thời gian tới, giá các mặt hàng nguyên liệu có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm nhẹ phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài và tỷ giá đồng đôla Mỹ/euro với đồng Việt Nam. Một số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước có thể tăng giá do các yếu tố đầu vào cho sản xuất như điện, nguyên phụ liệu... tăng giá.
Tuy chưa có biến động “nhảy vọt”, nhưng một số báo cáo theo quý của Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, giá thuốc tăng ào ào, xuống nhỏ giọt. Như vậy, một năm, giá thuốc có thể tăng từ 30-40% là chuyện thường. Và lý do hoặc dự báo giá thuốc tăng lần nào cũng giống nhau: “Do giá nguyên liệu, điện, xăng, chi phí vận tải tăng nên giá thuốc tăng”.
Giá thuốc tăng cao khiến chi phí đè nặng lên vai người bệnh.
Khó xây dựng giá tối đa
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Thành Lâm - Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế: “Nhiều loại thuốc đặc trị ở Việt Nam có giá thấp hơn Thái Lan và Trung Quốc”. Minh chứng cho nhận định này, ông Lâm cho biết, trong tháng 5 và 6, Bộ Y tế đã tổ chức đoàn công tác liên ngành sang Thái Lan và Trung Quốc để khảo giá.
Kết quả, Trung Quốc có 23/36 mặt hàng khảo sát cùng tên thương mại, cùng hoạt chất, cùng nồng độ và hàm lượng có giá trúng thầu cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 2,25 lần. Mặt hàng có giá chênh lệch thấp nhất là 1,03 lần và cao nhất là 4,64 lần. Tại Thái Lan, 25/36 mặt hàng khảo sát có giá cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 3,17 lần. Mặt hàng có giá chênh lệch thấp nhất là 1,64 lần và cao nhất là 6,64 lần.
Thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan đến chuyện sống chết của nhiều người, không thể để nó tự lên, tự xuống như mớ rau ngoài chợ được. Hơn nữa, chẳng người dân nào dám mặc cả với mạng sống của chính mình.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dược nhận định, thị trường có hàng chục nghìn mặt hàng dược mà chỉ khảo sát có 36 mặt hàng thì sẽ chỉ được một so sánh khập khiễng, không sát thực. Bộ Y tế đã có nhiều thông tư, quy định về việc đấu thầu thuốc, hướng dẫn quản lý giá thuốc đầu năm 2012, nhưng việc quản lý thuốc ngay cả trong các bệnh viện cũng mỗi nơi một giá. Câu chuyện “lót tay”, “chia hoa hồng” cho các bác sĩ kê đơn thuốc vẫn diễn ra hàng ngày. Và để bù đắp vào các chi phí “không thể tính trên giấy trắng mực đen”, các hãng dược vẫn phải có nhiều chiêu thức để “thổi giá” thuốc.
Thông tư 50 liên tịch giữa 3 Bộ Y tế - Công Thương- Tài chính hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc (thay thế Thông tư 11) đã có hiệu lực hơn 1 tháng. Văn bản này được kỳ vọng là "thượng phương bảo kiếm" để quản lý giá thuốc, nhưng theo nhiều chuyên gia nhận định vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”.