Từ tin nhắn rác
Trước đây, các chiêu "moi" tiền từ thuê bao di động chủ yếu là thông qua các tin nhắn rác. Các tin nhắn lừa đảo thường xuất hiện với nhiều nội dung khác nhau, chủ yếu đưa ra lời mời chào từ các chương trình khuyến mại, trúng thưởng các sản phẩm có giá trị, quà tặng âm nhạc, ủng hộ quỹ từ thiện...
Tin nhắn được gửi đi từ số điện thoại lạ, mạo danh là người quen, hoặc có thể mạo danh nhân viên của mạng di động để câu kéo khách hàng nhắn tin trả lời gửi tới đầu số của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung (8xxx,7xxx, 6xxx,...). Khi trả lời tin nhắn tới đầu số này, khách hàng sẽ bị mất 15.000 đồng trong tài khoản chính.
Tin nhắn giả mạo rộ lên gần đây nhất, có nội dung rất dễ khiến khách hàng ngộ nhận và làm theo hướng dẫn là: "Chúc mừng TB 090xxxxxxx, bạn nhận được quà tặng âm nhạc và lời nhắn được ghi âm từ người có tên LINH qua tổng đài. Để nghe quà tặng và lời nhắn, soạn YES gửi đến 77xx." Nội dung này khiến cho thuê bao ngộ nhận, bởi cách lừa gạt tinh vi của đối tượng lừa đảo là gắn số thuê bao của chính khách hàng vào nội dung và dùng một tên riêng của người gửi để khách dễ nhầm lẫn là bạn bè mình thật. Hơn nữa nội dung tin nhắn lại kích thích sự tò mò của người dùng điện thoại di động và dễ làm theo hướng dẫn ngay khi nhận.
Anh Quang Huân (Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, điện thoại của anh rất hay nhận được những tin nhắn theo kiểu "Chúc mừng bạn đã nhận được 1 chiếc điện thoại E770i từ chương trình quay số ngẫu nhiên của Mobifone. Soạn tin: XU E770i31 và gửi 4 lần đến 6769 để xem chi tiết...". Nhưng sau khi thực hiện xong cú pháp, quà tặng đâu không thấy, kiểm tra lại tài khoản thì đã bị trừ đến 60.000 đồng cho 4 tin nhắn.
Theo nhận định của các chuyên gia, những tin nhắn lừa đảo hoành hành thời gian gần đây chủ yếu lợi dụng tính năng nạp tiền vào tài khoản game bằng tin nhắn của một công ty games trực tuyến. Những đầu số có dạng 8xxx, 7xxx, 6xxx được công ty này dùng làm cổng giao tiếp để các game thủ nạp tiền vào tài khoản game của mình bằng tin nhắn SMS. Tính năng này đã bị một số kẻ xấu lợi dụng để lừa người dùng điện thoại di động tự nguyện nạp tiền hộ vào tài khoản.
Do đó, để đề phòng, người sử dụng điện thoại cần nắm rõ số tổng đài tin nhắn của mình. Ngay khi nhận được những tin nhắn dạng khuyến mãi, để chắc ăn nên gọi về tổng đài dịch vụ mạng mình đang dùng để kiểm tra. Về phía các nhà cung cấp dịch vụ cũng nên thường xuyên gửi tin nhắn cảnh báo lừa đảo để khách hàng tránh mắc bẫy.
Một kiểu moi tiền mới nhái lại dịch vụ chuyển tiền của mạng Viettel
Đến thủ thuật "moi" tiền kiểu... "anh ơi"
Tinh vi hơn, thủ thuật tạo tin nhắn lừa đảo, một số diễn đàn trên mạng còn xuất hiện những chủ đề hot hướng dẫn các thủ thuật "moi" tiền miễn phí từ 2 mạng di động hàng đầu Việt Nam. Thời gian gần đây, nhiều thành viên tự tin tuyên bố trên các diễn đàn mạng là đã tìm ra thủ thuật "ăn cắp" tiền từ các nhà mạng di động của Việt Nam. Thậm chí các thành viên này còn sẵn sàng công bố tên tuổi và hướng dẫn cụ thể thủ thuật này kèm theo lời cảm ơn của hệ thống "chân gỗ" đã nhận được tiền sau khi thực hiện đúng chỉ dẫn.
Theo lời hướng dẫn này, để moi được tiền của nhà mạng Viettel, các bạn chỉ cần thao tác ngay trên điện thoại di động theo cú pháp như sau: *136* mật khẩu máy chủ *mã PIN *mã PUK# (tương tự cấu trúc của cú pháp chuyển tiền). Để khỏi mất thời gian của các bạn tìm lại 2 mã trên nên tôi đã tạo ra một máy chủ trung gian (viết tắt là TIS-Telephone of Intermediacy Server) với mã PIN và mã PUK mặc định (dùng đăng nhập số điện thoại của bạn trên hệ thống máy chủ). Cú pháp hoàn chỉnh sẽ là: *136*10010010*0084167280*30000#.
Nếu người dùng vì ham món tiền từ trên trời rơi xuống của các nhà mạng thì ngay lập tức sẽ nhận được quả đắng. Vì sau mỗi cú pháp trên, tài khoản của người dùng sẽ bị trừ đi khoảng 30.000 đồng. Theo giải thích của nhân viên Tổng đài Viettel, số tiền trong tài khoản bị thâm hụt là do cú pháp "moi" tiền của nhà mạng thực chất là lệnh chuyển tiền qua số máy của kẻ lừa đảo: 0084167280.
Kí hiệu 0084167280 đã đánh lừa những người dùng di động kém hiểu biết, cho rằng đó là kí hiệu từ một máy chủ để chuyển tiền. Thực tế, 0084167280 sẽ được nhận dạng thành số thuê bao di động 0167280. Cú pháp này không có tác dụng "moi" tiền từ nhà mạng mà chỉ là kẽ hở mà kẻ lửa đảo lợi dụng thông qua dịch vụ chuyển tiền qua tài khoản của một số mạng di động. Tuy nhiên, thủ thuật móc túi kiểu này đã đánh vào tâm lí tham của nhiều người sử dụng di động khiến không ít người mất tiền oan.
Thời gian gần đây, một số trang web với các giao diện nhái logo, biểu tượng của các nhà mạng lớn như Viettel, Vinaphone, MobiFone đã đưa ra thông tin về các chương trình khuyến mãi nạp điện thoại di động rất lớn, nạp 200.000 đồng để nhận 900.000 đồng trong tài khoản, nạp 300.000 đồng có được 1,6 triệu đồng, nạp 500.000 đồng được 2,4 triệu đồng. Để thuyết phục người dùng, trang web còn ghi được xây dựng bởi tập đoàn viễn thông Viettel và MobiFone.
Muốn tham gia chương trình, người sử dụng phải đăng nhập và phải cung cấp số điện thoại di động, mạng di động, giá trị thẻ nạp, mã số thẻ nạp và cả số xê-ri thẻ cho trang web. Tuy nhiên, website trên thực chất đây chỉ là trò lừa đảo kiểu mới. Theo đó, nếu người dùng cả tin làm theo hướng dẫn của trang web thì sẽ vô tình biếu không cho kẻ lừa đảo số tiền mua thẻ cào mà không nhận lại được xu nào trong tài khoản. Do đó, người dùng khi được giới thiệu về các trang web nạp tiền khuyến mãi "khủng" dạng như trên nên gọi kiểm tra ngay với tổng đài các nhà mạng để xác nhận thông tin là có thật hay lừa đảo.
Không ít kẻ lừa đảo còn dùng chiêu dụ ngọt, giả danh làm gái teen, sinh viên nghèo để "moi" tiền từ các chủ thuê bao. Anh Nhật Minh, nhân viên văn phòng (ở Hà Nội) kể lại, cách đây mấy ngày, anh nhận được một tin nhắn từ 6h sáng như sau + 195 Quí khách đã nhận được 100.000 đồng do thuê bao 0164852215 gửi tặng. Cảm ơn quí khách đã sử dụng dịch vụ I -Share của Viettel Telecom.
Chưa kịp mừng thầm vì số tiền lạc, máy anh lại nhận được cuộc gọi từ số điện thoại bắn nhầm tiền, chủ thuê bao là một cô gái có chất giọng khá trẻ trung lại ngọt ngào thỏ thẻ: "Anh ơi, em mới bắn nhầm tiền qua máy anh, anh gửi lại giúp em được không ạ!å Em sinh viên chẳng có nhiều tiền, anh giúp em thì tốt quá". Nghĩ bụng, số tiền cũng không nhỏ lại nghe giọng gái teen nhờ vả, anh Minh nhanh chóng bắn lại cho số thuê bao này 100.000 đồng từ tài khoản của mình rồi yên tâm ngủ tiếp.
Đến một tiếng đồng hồ sau, chuẩn bị đi làm, anh xem lại điện thoại mới phát hiện tin nhắn báo chuyển tiền không phải là tin nhắn từ tổng đài của Viettel mà lại được gửi từ chính thuê bao bắn nhầm. Kiểm tra lại tài khoản, anh mới biết chẳng có số tiền 100.000 đồng lạc nào cả, mà chỉ có bốc hơi 100.000 đồng từ tiền của anh.
Anh Hoàng Long, một lái xe bus, cho biết, anh chưa bao giờ sử dụng dịch vụ chuyển tiền của mạng Viettel nhưng cũng có nghe nói đến dịch vụ này. Một buổi sáng, anh cũng nhận được một tin nhắn chuyển tiền + 195 tương tự như trên. Chưa kịp hiểu nội dung thì anh lại nhận được tin nhắn: "Anh ơi, em vừa chuyển 30.000 đồng vào số máy của anh. Làm ơn gửi lại giúp em nhé!" Thấy vậy, anh cũng nhắn tin lại, tỏ ý không biết cách chuyển lại tiền thế nào vì chưa sử dụng dịch vụ này bao giờ.
Ngay lập tức, số điện thoại vừa nhắn tin đã gọi lại cho anh, nói giọng con gái khá dễ thương và nhờ anh mua hộ thẻ nạp để chuyển giúp số tiền bắn nhầm. Hí hửng giúp đỡ người đẹp vô danh, anh Long còn nhận được lời cảm ơn may mà gặp được anh tốt bụng, nhiệt tình quá. Tình cờ quen biết thế này có khi lại có duyên.
Độc chiêu này thường lợi dụng thời điểm sáng sớm khi nhiều chủ thuê bao di động còn đang say giấc hoặc chưa hoàn toàn tỉnh táo. Đối tượng lừa đảo nhái lại tin nhắn chuyển tiền của Viettel rồi giả vờ gọi điện lại kêu ca là mình bắn nhầm tiền để không ít người ga lăng như anh Minh, anh Long bị quả lừa.