Bỏ việc theo lễ hội
Như mọi năm, cứ tết ra, gia đình anh Lê Văn Lịch (Trực Ninh, Nam Định) lại nháo nhào. Anh Lịch lo lắng về việc hơn mẫu ruộng mới cấy, lúa chết quá nửa vì rét hại, còn chị Nhung – vợ anh lại “tớn tở” lo đi lễ đình chùa, đi trẩy hội. Hai đứa con nhỏ chị gửi phắt sang bên ngoại để rảnh rang đi chơi.
Từ lúc chưa lấy nhau, anh Lịch đã biết vợ thích tham dự hội hè, thích vui vẻ nhưng không thể ngờ được vợ lại bị “bệnh nặng” đến vậy. Chị nắm rõ lịch của gần 200 lễ hội ở Nam Định. Từ mùng 3 Tết, chị đi lễ hội Phủ Giày ở huyện Vụ Bản, tiện thể tạt qua lễ hội thờ Trưng Vương tại huyện Mỹ Lộc, mùng 7 không thể không đi chợ Viềng để bán rủi, cầu may. Đến 15 lại chen chúc, chầu chực mấy ngày để xin cho được vuông ấn trong Lễ hội đền Trần.
Chị lên kế hoạch nhất định đi cả Hội Hoa Vị Khê và hội đền Dim ở Trực Ninh cuối tháng này. Còn hội ngoài tỉnh thì đi chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Hương (Hà Nội) và chùa Keo (Thái Bình).
“Vợ tôi và nhiều chị em khác tiêu rất nhiều tiền đi lễ. Ngoài ra còn tiền ăn, tiền chơi, tiền công đức, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Lúa chết, gà qué, lợn gà ỏm tỏi, con thì nheo nhóc không ai trông nom” – anh Lịch thở dài.
Còn chị Nguyễn Thị Bích (Tiên Du, Bắc Ninh) khốn khổ vì mẹ chồng thích cúng bái. Từ mùng 10 tháng Chạp, bà đã làm danh sách dài dằng dặc, yêu cầu con dâu mua cho đủ tiền vàng, đồ hàng mã, hương vòng, hương que, nến, hoa quả, bánh kẹo, rượu để cúng từ Tết Ông Công, Ông Táo. Tối 23, tối 30, chị Bích thường ngồi cả giờ mới đốt hết đống tiền vàng, đồ mã.
Mẹ chồng chị Bích đi lễ từ đình làng đến chùa phố, từ miếu thổ địa đến đền Thánh Mẫu. Trước tết giải hạn, sau tết cầu tài, cầu lộc, bà lấy lý do cầu tài, cầu lộc cho các con nên mỗi lần chị Bích đều phải chi tiền. Sau tết, mẹ chồng chị đi chùa Trần, chợ Viềng, Bà Chúa Kho, chùa Hương, chùa Bái Đính… cho hết cả tháng Giêng. Tiền xe cộ, tiền lễ lạt, tiền công đức cho độ mươi - mười lăm chùa, tính sơ sơ cũng tốn hàng chục triệu đồng. Mà lộc lá đâu chẳng thấy, tiền chị thắt lưng buộc bụng cứ bay vèo vèo…
Rượu, cờ bạc và bạo lực
Sa đà từ hội làng này đến chùa kia, chỗ nào anh Nguyễn Văn Uy (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng sà vào các đám chơi bạc. Từ xóc đĩa, tổ tôm, ba cây đến ăn thua trong trò “tôm cua cá”… trò nào anh cũng sành, nhưng trò nào cũng thua. Số tiền bán đàn lợn trong tết vợ đưa để đi gửi tiết kiệm và mua lại lợn giống đã đội nón ra đi. Khi vợ xót của chì chiết, sẵn cơn cay cú, anh tát vợ liền mấy cái nên chị bỏ đi, mặc anh đón tết một mình.
Năm nay, anh Lê Văn H (Cửa Lò, Nghệ An) cũng đón tết một mình. Tết năm ngoái, sau khi đánh bạc thua, về nhà đòi tiền vợ nhưng chị không đưa, sẵn hơi men, anh hất đổ mâm cơm cúng chiều 30, đánh chị bị thương phải nhập viện.
Công an phường đã bắt tạm giam anh H vì hành vi bạo lực gia đình. Bố bị bắt giam, mẹ nằm bệnh viện, tết của gia đình anh H diễn ra trong nước mắt và chia ly. 3 tháng sau, vợ chồng anh ly hôn. Năm nào, vào dịp tết, thị xã Cửa Lò cũng có trên dưới 10 vụ bạo lực gia đình mà nguyên nhân trực tiếp do cờ bạc và say rượu.
Ông Hoàng Nguyên (Trung tâm Phòng chống bạo hành giới thị xã Cửa Lò) cho biết: “Tết nhất, lễ hội là dịp mà nhiều đàn ông cho phép mình thả cửa uống rượu đến mức say xỉn, không kiểm soát được hành vi, về nhà gây hấn, mắng chửi, đánh đập vợ con. Nhiều cặp vợ chồng cá cược quá đà dẫn đến xung đột trong gia đình”.