Vợ ôm con về nhà ngoại
Được biết, trước khi xảy ra vụ việc Nguyễn Văn Hoà cũng có một gia đình hạnh phúc với 2 người con đủ cả “nếp lẫn tẻ”. Bản thân Hoà tuy bỏ học từ năm lớp 3 nhưng lại được cái tính chăm chỉ, chịu khó nên cuộc sống gia đình cũng no đủ. Đặc biệt, theo những người trong gia đình thì Hoà rất thương yêu vợ con nên chẳng quản bất cứ việc gì miễn là có tiền nuôi vợ, nuôi con. Ngày vợ anh sinh cô con gái thứ 2. Cả nhà rất hạnh phúc, tưởng chừng cuộc sống vợ chồng Hoà từ nay sẽ chỉ có những ngày vui. Ngờ đâu, tai hoạ ập đến quá đột ngột khiến cho mọi người đều ngỡ ngàng đau đớn. Ngày Hoà bị bắt giam, cô con gái bé bỏng của anh mới được hơn 1 tháng tuổi đã sớm phải thiếu hơi ấm của cha. Cũng chính từ ngày đó, hạnh phúc của một gia đình đã đứng trước bờ vực của sự tan vỡ.
Nhớ về những ngày đầu con trai bị bắt, bà Vũ Thị Miến (70 tuổi, mẹ của Hoà) vẫn không khỏi xót xa: “Vợ chồng tôi có 5 người con thì có mình nó (tức Hoà) là con trai, còn 4 đứa con gái đã đi lấy chồng hết cả. Nay nó bị khép tội giết người, phải đi tù khiến gia đình lâm vào cảnh vô cùng khó khăn. Nhà chỉ còn toàn người già, phụ nữ với trẻ con, chồng tôi thì là thương binh nên cũng chẳng thể làm những việc nặng nhọc. Vợ nó khi đó mới sinh được hơn 1 tháng có làm ăn được gì đâu. Mọi gánh nặng đổ hết lên vai tôi, ban ngày tôi thì làm đồng kiếm miếng ăn tối về lại loay hoay tìm cách minh oan cho con”.
Nỗi đau với gia đình bà Miến chưa dừng lại ở đó khi người con dâu vì không chịu nổi những lời đàm tiếu của thiên hạ khi có một người chồng là kẻ sát nhân nên đã ôm con về nhà ngoại. Niềm an ủi lớn nhất của gia đình bà Miến là 2 người cháu nay cũng không còn. Trong ngôi nhà nhỏ lạnh lẽo người ta chỉ còn thấy 2 ông bà già đi ra đi vào trong im lặng, buồn tủi. Nhưng ông bà cũng chưa từng trách con dâu một tiếng vì họ hiểu rằng có mấy người phụ nữ ở đang ở cái tuổi xuân sắc lại bị mang tiếng là vợ kẻ giết người. Rồi còn chuyện 2 đứa con, chúng còn quá nhỏ, không thể để chúng lớn lên trong sự ghẻ lạnh của hàng xóm, láng giềng. Chúng cũng cần có một cuộc sống được ăn no, mặc ấm, học hành như những đứa trẻ khác. Mà người cha thì lại ra đi chẳng hẹn ngày về, vì cũng là một người phụ nữ nên bà Miến phần nào cũng hiểu cho quyết định của con dâu.
Ở trong trại giam khi biết tin vợ ôm con bỏ về nhà ngoại, Hoà đã rất buồn, nhưng cũng như cha mẹ anh ta hiểu rằng điều đó sẽ tốt cho vợ mình nên cũng chẳng oán trách gì. Trái lại, sau khi suy nghĩ thấu đáo Hoà còn dặn mẹ về nói với vợ là hãy đi tìm cho mình một hạnh phúc mới để nuôi dạy các con cho tốt.
Cha mẹ phải đi tha hương
Theo bà Miến cho biết, mặc dù Hoà đã phải chịu hình phạt từ chung thân và gia đình bà đã nhiều lần xuống tận nhà Chiến cầu xin họ tha thứ nhưng đều bị họ gạt đi không chấp nhận. Bà Miến kể lại: “Có hôm buổi chiều tối, vợ chồng tôi vừa đi làm về đến cổng thì bị người nhà bà Huấn (mẹ nạn nhân Chiến) xông vào đánh đập. Họ chẳng từ chuyện chúng tôi đã già cả, ốm yếu mà thẳng tay đấm đá, rồi còn vùi mặt ông nhà tôi xuống nền bê tông khiến mặt mũi xước xát, biến dạng. Nhưng vì chuyện con mình có tội, nhà lại chẳng có tiền để đi kiện nên vợ chồng tôi đành nhẫn nhịn chịu nhục”.
Kháng nghị của VKSND Tối cao
Có lẽ đó là những tháng ngày tủi hổ, sống không bằng chết của vợ chồng bà Miến. Phần thì hàng xóm dị nghị, phần bị người nhà nạn nhân lúc nào cũng rình trả thù nên buổi sáng ông bà phải khoá trái cổng không dám ra khỏi nhà. Mọi công việc đồng áng đều phải đợi lúc đêm xuống, bà Miến mới lén đi làm. Có hôm nhớ con gái mướn lên thăm, ông bà cũng chờ cả đêm, khi thấy mọi nhà trong làng đã tắt đèn mới dám ra khỏi nhà. Khi về cũng vậy, phải đi đường khác để tránh gặp mặt người quen.
Dù có cố gắng nhẫn nhịn, trốn tránh bao nhiêu vợ chồng bà Miến cũng chẳng được một phút bình yên. Theo bà, đã có lần có kẻ xấu cố tình thả thuốc độc vào bể nước nhà mình để hãm hại nhưng may mắn lần đó chồng bà phát hiện nên còn giữ được mạng sống. Cũng sau chuyện đó, ông bà nhận ra một điều rằng nếu còn tiếp tục ở lại ngôi nhà thì sẽ có ngày bỏ mạng mà chẳng kịp đi kêu oan cho con trai. Chính vì thế, ông bà quyết định khăn gói tha phương cầu thực khắp nơi không dám quay về chính ngôi nhà mình đã gắn bó bao năm qua.
Không một đồng bạc trên người, cũng chẳng có nơi nương thân, hai ông bà già dắt nhau lang thanh khắp nơi. Ban đầu ông bà cũng định đến ở nhờ nhà một người con gái nhưng nghĩ lại sợ phiền hà đến gia đình nhà chồng, con gái lại khó ăn khó nói nên lại thôi. Sau đó bà Miến xin đi làm giúp việc cho người ta, còn ông Lãm thì sống bằng nghề nhặt rác trên sông. Chiếc thuyền nan cũ nát của ông Lãm cũng chính là nơi che mưa, che nắng cho vợ chồng ông. Trong suốt quãng thời gian gần 10 năm con trai đi tù, với vợ chồng ông Lãm thì đó là 10 năm sống trong oan ức, tủi hờn, cúi mặt mà đi.
Mong ngày đoàn tụ
Gần 10 năm lấy thuyền làm nhà sống trôi nổi theo dòng nước, ban ngày mưu sinh, tối đến vợ chồng ông Lãm, bà Miến lại thắp đèn viết đơn kêu oan cho con trai. Bao năm vất vả, dành dụm được đồng nào vợ chồng ông bà cũng chẳng dám mua cho mình một bộ quần áo mới để mặc mà dồn hết vào lộ phí đi kêu oan cho con. Mới đây, sau 10 năm kiên trì ông bà cũng đã nhận được những thông tin khả quan về vụ việc con mình khi Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã chấp nhận đơn kêu cứu của gia đình để điều tra lại từ đầu.
Khi tia hy vọng được thắp lên cũng là lúc ông bà mới dám ngẩng đầu về với ngôi nhà thân yêu bao năm xa cách. Bà Miến còn nhớ như in cái ngày hai vợ chồng bước chân vào ngôi nhà của mình, một cảm giác vừa thân quen, vừa lạ lẫm: “Cuối năm 2013, được sự động viên của các con vợ chồng tôi quyết định sẽ về lại ngôi nhà ở quê để sinh sống chứ già rồi mà suốt ngày lênh đênh ngoài sông con cái không an tâm. Sau gần 10 năm có nhà mà không dám về, cuối cùng cũng có ngày vợ chồng tôi được đón một cái tết bên con cháu trong chính ngôi nhà của mình. Ngày đầu mới về, nhìn sân vườn cỏ mọc um tùm bằng đầu người mà thấy tủi thân quá, hai vợ chồng lại bắt tay vào thu dọn, trồng cây tuy có vất vả nhưng vui lắm”.
Niềm vui của ông bà còn được nhân lên gấp đôi khi nhận quyết định của chính quyền địa phương sẽ ủng hộ giúp đỡ gia đình xây một ngôi nhà mới vì trước đây ông Lãm là thương binh, người có công với cách mạng. Vừa trở về, lại có nhà mới khang trang ông bà hạnh phúc lắm nhưng điều 2 vợ chồng già cảm thấy an ủi hơn cả chính là việc từ khi biết ông bà nội trở về, cứ cuối tuần 2 người cháu nội (con Hoà) lại tự đạp xe về chơi với ông bà. Sau 10 năm sống chui lủi, nay người ta đã bắt đầu nghe thấy những tiếng cười trong căn nhà nhỏ. Nhìn đứa cháu khi rời xa mình còn chưa đầy 1 tuổi nay đã ra dáng một thiếu nữ mà ông bà cảm thấy cuộc sống này thật là ý nghĩa.
Với vợ chồng ông Lãm, bà Miến thì mong ước cuối cùng trong cuộc đời họ không phải sự giàu sang, phú quí mà đơn thuần chỉ là gia đình được sum họp. Người con trai duy nhất của ông bà là Nguyễn Văn Hoà sẽ sớm được trở về làm lại cuộc đời, rồi các con các cháu lại vui vẻ quây quần như thế là đủ lắm rồi.