Gặp lại đứa trẻ 6 tuổi bị cha nửa đêm mang lên núi bỏ rơi

Sau những ngày sống với bố và dì ghẻ, chịu vô vàn đòn roi, cậu bé Nguyễn Kiệt Đông (SN 2004) một đêm đầu năm 2010, trong đêm tối, bị cha dẫn lên núi bỏ lại.

“Một lần cháu đói quá nên liều ăn trộm của cô bán trái cây mấy trái ổi, liền bị cô tát cho mấy tát, cháu xỉu luôn. Khi tỉnh dậy thì cháu thấy mình nằm ở nhà bác sĩ, sau đó cô bán trái cây xin lỗi rồi cho cháu tiền. Cô bảo với cháu, nếu đói thì xin cô cho chứ đừng ăn trộm không tốt. Từ lần đó, có đói cháu cũng không dám lấy của ai nữa”.

Tuổi thơ khốn khổ

Trong căn nhà bà Đặng Thị Đào (53 tuổi, ngụ thôn Trà Thung, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), trời vừa chập choạng tối, một cậu bé chừng 10 tuổi đang vo gạo nấu cơm. Vẻ mặt khôi ngô, gặp khách lạ, cậu bé lễ phép: “Cháu chào chú! Bố mẹ cháu đi làm chưa về chú ạ. Cháu mời chú ngồi chơi. Cháu đang vo dở gạo nấu cơm, chú chờ chút xíu bố mẹ cháu về liền”.

Hỏi ra mới biết, đây chính là bé Đông bị bố ruột bỏ rơi trên núi vào năm 2010.

Trong ký ức của bé Đông, em sinh ra ở thôn An Giang, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ. Khi mẹ sinh Đông được 3 tháng thì bố mẹ ly dị, chị gái sống với mẹ, còn Đông sống với bố. Mấy tháng sau ngày ly dị vợ, cha lấy vợ khác, từ đó Đông sống chung với dì ghẻ. Trong những năm tháng sống chung, người dì ghẻ chưa một lần đánh đập Đông, nhưng trái lại chính người cha lại ra tay một cách tàn nhẫn với người con của mình.

Theo lời kể của Đông thì từ ngày ở với vợ hai, cha mình không lo làm ăn nuôi con mà chỉ biết đến rượi chè, cờ bạc. Mỗi lần như thế là Đông phải gánh chịu đòn roi. Đông kể: “Ngày nào con cũng bị bố đánh. Cứ chiều đến là bố về nhà, mày mặt đỏ lên, mùi rượu nồng nặc, rồi gọi con lại mà đấm đá. Có lần bố đánh con gãy răng, mày mặt sưng lên, dì ghẻ phải chở đến bác sĩ. Mỗi lần đánh con, bố đều bảo là do con làm biếng, không làm ra tiền nên phải chịu đòn”.

Một tuần 7 ngày thì cậu bé này phải chịu ít nhất 7 trận đòn roi từ người cha. Mỗi lần đánh con, người cha đều tìm cách che mắt hàng xóm bằng cách lấy dây thừng trói tay và nhốt Đông trong nhà, hễ Đông khóc lên thì bị dọa sẽ bị đốt. Hàng xóm sống xung quanh, dù xót thương cho cậu bé hàng ngày bị cha hành hạ nhưng cũng không dám can ngăn vì sợ “vạ lây”.

Đỉnh điểm của sự hành hạ, chối bỏ, là đem con bỏ trên núi. Khoảng 19h một ngày cuối tháng 3/2010, Đông bị cha chở bỏ lên núi Mỹ Trinh (cách nhà khoảng 15km) và nói: “Mày ở đó, tí nữa có người tới chở mày về. Mày sống chết ra sao kệ mày, thân mày mày tự lo đi”. Nói xong, người cha quay xe đi, bỏ lại đứa con sáu tuổi lạnh lẽo trong đêm tối. Thời gian trôi đi nhưng không thấy có người lên chở mình, giữa tiếng giun dế rả rích, đứa trẻ thấy sợ vô cùng. Đánh liều, Đông theo đường mòn xuống núi. Cố nén cơn sợ và cơn đói, đứa trẻ ngủ ngoài thềm của nhà một người dân cho đến sáng.

Ám ảnh tháng ngày sống bờ ngủ bụi

Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy đứa trẻ được chủ nhà cho ăn no nê. Sau đó, Đông kể lại câu chuyện và được chủ nhà cho 50 ngàn đồng, rồi chở về chợ An Giang. Tại đây, nhiều người dân biết cha của Đông là ai, nhưng người này không nhìn mặt con. Một nhân chứng thuật lại, mỗi lần thấy con, người cha còn đay nghiến: “Mày ăn gì mà sống dai dữ. Mày sống ngày nào là tao khổ ngày đó”.

Ở chợ An Giang, hàng ngày Đông xin ăn cho đỡ đói, rồi đêm về ngủ trong căn chòi ở chợ vừa lạnh lẽo vừa run sợ. Được khoảng một tháng thì Đông gặp một người phụ nữ, theo lời kể của đứa bé thì đây là chị gái của dì ghẻ, đang đi chợ. Khi người này đi về thì Đông theo về nhà, cố nài nỉ thì được cho ở một đêm, rồi sáng hôm sau chở Đông ra thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, cách An Giang khoảng 40km) bỏ lại.

Đứa bé hơn 6 tuổi không xác định nổi mình đang ở đâu. Lần theo quốc lộ 1A, Đông cứ đi, đến khi đói thì xin người này người nọ miếng gì ăn được thì ăn. Đông kể: “Lúc đó, ban ngày thì cháu đi, khi mệt thì dừng nghỉ, ban đêm cháu đào một cái hố rồi nằm xuống đó lấp lại chỉ chừa cái đầu, sau đó tìm bịch ni lông trùm đầu lại rồi ngủ. Đi được hai ngày thì cháu thấy chợ quen quen (chợ Bình Dương, cách An Giang khoảng 3km) nên ghé vào”.

Tại chợ Bình Dương, Đông cũng sống những ngày tháng bờ bụi, không manh chiếu, xin ăn cho đỡ đói. Cậu bé hứng chịu từ những cơn sốt, ghẻ lở đến những đêm buốt lạnh, những tiếng chửi mắng của những người chủ quán khi lỡ tay lấy trộm miếng bánh, trái ổi. Đông kể: “Một lần cháu đói quá nên liều ăn trộm của cô bán trái cây mấy trái ổi, liền bị cô tát cho mấy tát, cháu xỉu luôn. Khi tỉnh dậy thì cháu thấy mình nằm ở nhà bác sĩ, sau đó cô bán trái cây xin lỗi rồi cho cháu tiền. Cô bảo với cháu, nếu đói thì xin cô cho chứ đừng ăn trộm không tốt. Từ lần đó, có đói cháu cũng không dám lấy của ai nữa”.

Tìm được tình thương

Sau hơn 5 tháng sống kiếp lang thang xin ăn không nơi nương tựa, cậu bé gặp được bà Đặng Thị Đào, được nhận làm con nuôi. Bà Đào kể lại: “Tôi không nhớ ngày nào chính xác, chỉ nhớ khoảng đầu tháng 9/2010, vào khoảng 21h, trời mưa tầm tã, tôi đi xe đạp ngang qua ngã tư Bình Dương thì thấy thằng bé ngồi co ro, tay chân lạnh cóng, run cầm cập. Tôi hỏi thì cháu bảo cháu không có nhà, ban ngày thì sống lang thang, ban đêm thì tìm chỗ nào đó ngủ, thấy vậy nên tôi chở cháu về nhà tắm rửa, cho ăn uống rồi lên giường ngủ”.

Bà Đào ôm đứa con nuôi vào lòng, kể tiếp: “Hôm sau, tôi hỏi ra cặn kẽ rồi bàn với chồng nhận cháu làm con nuôi, chứ bỏ thì tội lắm. Nuôi cháu, mình ăn gì thì cháu ăn đó, nghèo thì cũng nghèo rồi”. Từ đó, Đông tìm được tình thương từ cha mẹ nuôi và những người anh trong gia đình nghèo này. Một tuần sau khi có được mái ấm thật sự, Đông được cắp sách đến trường với bạn bè cùng trang lứa.

Nói về những ngày đầu nhận bé Đông về làm con nuôi, chồng bà Đào cho biết: “Khi mới về, khắp cả người cháu ghẻ lở. Tôi đụng vào người cháu là cháu bảo đau. Hai tuần đầu nhận nuôi cháu, hai vợ chồng tôi lo nơm nớp, lo thuốc men trị ghẻ lở cho cháu. Vì lúc đó cháu đang sốt nên sợ lắm, sợ xảy ra chuyện gì thì người ta lại đồn ra đồn vào là mình bỏ cháu đến chết”.

Vợ chồng bà Đào có 3 người con trai đang tuổi ăn học. Gia tài chỉ có 3 sào ruộng và nuôi được 5 con bò, hàng ngày vợ chồng ông phải đi làm thuê làm mướn để trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học. Dù nghèo và đông con nhưng gặp hoàn cảnh của bé Đông, vợ chồng ông vẫn không đành lòng.

Cậu bé Đông bị cha mẹ bỏ rơi ngày nào giờ đã học lớp 4. Không những thế, Đông còn là học sinh giỏi của trường, được thầy yêu bạn mến, bà con hàng xóm ai cũng quý mến. Cậu bé tâm sự: “Cháu sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng bố mẹ nuôi. Nếu bố mẹ cháu có tiền cho cháu học thì cháu ước mơ được làm bác sĩ để cứu người. Nếu cháu có nhiều tiền cháu sẽ cưu mang những em bé lang thang để không còn những mảnh đời bất hạnh như cháu ngày xưa".

Cha bỏ rơi, mẹ cũng hắt hủi

Theo lời của nhiều tiểu thương ở chợ Bình Dương, không chỉ người cha bỏ rơi con, mà ngay cả người mẹ ruột cũng hắt hủi cậu bé. “Nhiều lần mẹ nuôi dẫn bé Đông đi chợ Bình Dương thì vô tình gặp mẹ ruột đứa bé. Khi gặp con, mẹ ruột đã không mừng vui mà còn không thèm đếm xỉa. Người mẹ ruột còn nói với mọi người: “Chị Đào ăn không ngồi rồi không có chuyện gì làm nên đi nuôi thằng bé mất dạy. Nó chết đâu thì để nó chết chứ việc gì phải cưu mang chi cho tốn cơm tốn gạo””, một tiểu thương cho biết.