Báo động gà thải Trung Quốc ngập thị trường
Với người nông dân chăn nuôi gà, thời điểm giáp Tết Nguyên Đán là vụ chính, khi giá gà thường tăng cao. Tuy nhiên, trước dịp Tết Giáp Ngọ 2014 năm nay, giá gà xuống thê thảm, nhiều hộ nuôi gà đứng trước nguy cơ mất Tết.
Tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, nổi tiếng với thương hiệu gà đồi Yên Thế, đã cận Tết nhưng giá gà bán ra nếu đủ tháng (4 tháng/lứa) và mẫu mã đẹp chỉ được 47-48 nghìn/kg. Gà bán non (dưới 4 tháng) chỉ được khoảng 35 đến 40 nghìn/kg.
Trong khi đó, trung bình để có một kg gà, người nông dân mất khoảng 50 nghìn đồng, như vậy, dù nuôi kiểu gì thì bán vẫn bị lỗ, chỉ có điều lỗ ít hay lỗ nhiều.
Sở dĩ có hiện tượng giá gà trong nước xuống thấp một cách trầm trọng như vậy, theo phân tích của chị Trần Thị Dung (xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế), là chủ của một đại lý cung cấp thức ăn gia cầm: “Năm nay gà tàu vào rất nhiều, đặc biệt là loại gà thải, có thể nói là ngập tràn thị trường, khiến cho loại gà thương phẩm rất khó cạnh tranh. Ngoài ra, riêng năm nay, gà Trung Quốc đổ bộ vào từ con giống cho nên bản thân người nuôi trong nước vì lợi nhuận mà đổi sang nuôi giống gà Trung Quốc cũng không ít”.
Chị Phan Thị Hạnh (thôn Rừng Dài, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế), là một trong những người nuôi gà đồi có tiếng trong vùng, cũng là bí thư chi bộ tại địa phương chia sẻ: “So với cùng kỳ năm trước,lãnh đạo đã chỉ đạo gắt gao, ngay lập tức lượng gà Trung Quốc đổ vào thị trường bị kiểm soát, khiến giá gà trong nước tăng cao đột biến.
Cứ nghĩ rằng nhà nước sẽ siết chặt quản lý như vậy, nhiều bà con mang sổ đỏ đi vay ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất, ai ngờ chỉ được năm đó, năm nay gà Trung Quốc vào còn nhiều hơn năm trước, khiến cho bà con càng mở rộng quy mô càng thua lỗ”.
Đàn gà của gia đình chị Hạnh. Tỉnh Bắc Giang đang có chính sách đóng dấu, gắn mác lên gà thành phẩm của Yên Thế, tuy nhiên, đó là kế hoạch sau Tết Nguyên Đán
Có thương hiệu nhưng không giữ nổi thương hiệu
Chị Phan Thị Hạnh chia sẻ: “Đàn gia cầm là nguồn thu nhập chính của gia đình chúng tôi, sống chết với đàn gà cả chục năm nay nên tôi biết khi nào nên mở rộng, thu hẹp, dùng loại thức ăn gì sẽ có lãi. Nhưng có nhiều hộ gia đình mới chăn nuôi, đang tự tay làm mất đi thương hiệu gà ta.
Ví dụ như một con gà giống chúng tôi mua giống mía lai, ri lai trong nước là 11 nghìn/con, nhưng giống gà của Trung Quốc chỉ có 4, 5 nghìn/con. Do đó, không ít nhà năm trước nuôi 1000, 2000 gà ta, nhưng năm nay nuôi đến 3000 gà Trung Quốc.”
Khi được hỏi liệu giống gà Trung Quốc có ảnh hưởng gì đến sức khỏe người tiêu dùng, chị Hạnh cho rằng gà giống của Trung Quốc ảnh hưởng đến người chăn nuôi nhiều hơn. Bởi lẽ sức chịu đựng của giống kém, dễ bị bệnh, đồng thời khi lớn cho sản lượng thịt ít hơn gà ta từ 2 – 3 kg. Ngoài ra, nuôi gà tàu không khác gì giết chết thương hiệu của gà Việt.
“Còn với người tiêu dùng, gà Trung Quốc được nuôi tại Việt Nam từ nhỏ, chắc không đáng sợ bằng loại gà thải được nhập thẳng từ Trung Quốc về. Ngoài ra, giống gà này chủ yếu được nuôi vào dịp Tết Nguyên Đán vì gà có bộ mã rất đẹp như mào đẹp, chân nhỏ, mình thon, hầu hết là gà trống” – chị Hạnh chia sẻ.
Giống gà Trung Quốc được nuôi ở Việt Nam nhỏ, có bộ mã đẹp, mào to, chân nhỏ, mình thon, đuôi dài và cong
Trong khi đó, thức ăn cho gà cũng dần dần bị những loại thức ăn của Trung Quốc chi phối.
“Chưa kể đến việc cám cho gà, nếu như những người nuôi lâu năm, có kinh nghiệm sẽ biết các loại cám của Mỹ, Thái Lan, thậm chí là Việt Nam liên doanh có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn, còn cám Trung Quốc có hàm lượng dinh dưỡng rất thấp, nhưng giá thành rẻ. Tuy nhiên, một phép tính đơn giản là ví dụ một đàn gà dùng hết 100 bao cám ngoại, thì sẽ dùng hết 130 – 150 bao cám Trung Quốc, tuy nhiên nhiều bà con ham rẻ vẫn không nghe theo kinh nghiệm này” – chị Hạnh bày tỏ.
Trong khi đó, chị Trần Thị Dung, đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi cho biết: “Cám gà của Trung Quốc có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhưng cũng chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra cụ thể.
Ví dụ như viên cám của Trung Quốc thường có màu vàng, và nếu sử dụng cám Trung Quốc, con gà có da màu vàng bóng, nhìn rất đẹp mắt, nhưng lại không có nhiều thịt và thịt bở, trong khi tất cả các loại cám khác không có hiện tượng này”.
Treo gà Yên Thế bán gà Trung Quốc?
Theo chia sẻ của chị Hạnh, riêng năm nay, đàn gà của địa phương giảm mạnh, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán này vì giá thành quá thấp. Đại đa số tại bản Rừng Dài nhà chị, các hộ nuôi gà đều giảm đi một nửa số lượng, có hộ gia đình còn bỏ hẳn không nuôi.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Chung (xã Tam Tiến, huyện Yên Thế), bản thân gia đình ông năm trước nuôi 1000 con gà Yên Thế, nhưng năm nay chỉ nuôi 500 con nhưng là giống gà của Trung Quốc.
Gà thải của Trung Quốc (gà đầu trọc) được bán tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội). Ảnh chụp tháng 6/2013
Chị Nguyễn Thị Lành, chuyên thu mua gà đồi Yên Thế cho biết: “Gà đồi Yên Thế được những thương lái như tôi thu mua thường có hai hướng xuất, một là vào các siêu thị và hai là xuất cho các chợ đầu mối để từ đó ra các tiểu thương đi tiêu thụ tại các chợ. Năm nay gà Yên Thế khá ít và khan hàng, nhưng giá thành cũng vẫn không đội lên được vì thị trường có quá nhiều gà, và hầu hết là gà tàu”.
Trong khi đó, khảo sát thị trường, hầu hết các siêu thị đều có bán mặt hàng gà đồi Yên Thế đã chế biến, các chợ dân cư đều xuất hiện thương hiệu gà này, và đặc biệt các nhà hàng đặc sản, chuyên quảng cáo gà đồi, gà bản, gà chạy bộ…
Theo như nhận định của chị Phan Thị Hạnh: “Chắc những nhà hàng này giỏi lắm chỉ có một hai con gà để trong bu, lồng ngoài cửa quán lòe người ăn, chứ vào trong thì chỉ có gà Trung Quốc thôi”.