Về cơ bản, những chiếc F1 năm nay nhìn khác xa so với năm ngoái, với phần mũi “giật cấp” tương đối xấu xí (trừ chiếc MP4-27 của McLaren) và thiết kế hông xe thô kệch chứ không còn mượt mà như cũ. Nguyên nhân nằm ở các điều lệ kỹ thuật mới, nhằm hạn chế các đội đua “lách luật”. Điều thú vị là người ta đang được chứng kiến nhiều triết lý thiết kế đa dạng trên các mẫu xe mới này.
Đa số các đội đều từng thừa nhận rằng chiếc xe trong đợt thử nghiệm ở Jerez mới chỉ là bản nháp đầu tiên và họ sẽ còn phải trau chuốt nhiều trước khi tới Melbourne.
Việc FIA siết chặt điều lệ kỹ thuật khiến các đội đua gặp nhiều khó khăn trong chuyện khai thác lỗ hổng
Mũi xe
Trong vài năm qua, giới F1 có 2 hướng tiếp cận cơ bản về thiết kế của bộ phận này. Giải pháp phổ biến nhất là nâng phần mũi cao lên tối đa nhằm tạo điều kiện cho dòng khí chảy xuống gầm xe càng thoáng càng tốt. Đa số các đội đều chọn giải pháp này, nhưng riêng McLaren theo đuổi một phương pháp khác.
Đội đua nước Anh hạ thấp phần mũi, nhưng xẻ rãnh dưới bụng nó theo chiều dọc để tăng tốc dòng khí chảy dưới thân xe. Cách tiếp cận này hơi kém hiệu quả so với phương pháp kia, nhưng lại giúp hạ thấp trọng tâm xe, đồng thời giúp McLaren thiết kế được hệ thống treo trước gọn gàng hơn.
Khi chiếc xe đầu tiên được giới thiệu - chiếc xe của Caterham, người ta nhận thấy rằng triết lý nâng cao mũi xe đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi điều luật mới của FIA. Theo đó, phần đầu mũi xe tính từ trục trước chỉ được cao tối đa 55cm, trong khi phần sau của trục trước được cao tối đa 62,5cm.
Điều đó buộc các đội đua này phải tìm ra một giải pháp hóa giải và cho ra đời mũi xe “giật cấp”. Trong khi đó, McLaren dễ thở hơn nhiều với triết lý của họ nên đây là đội đua duy nhất có chiếc xe mới với mũi xe mượt mà như các năm trước.
Có thể trong thời gian tới, các đội đua đi theo triết lý nâng phần mũi sẽ phải tìm kiếm thêm các giải pháp khác (trên thực tế, các dấu hiệu đó đã phần nào được thể hiện ngay từ những chiếc xe “bản nháp” hiện nay).
Cách thứ nhất là tạo một đường dốc thẳng hoặc uốn đơn giản, nối cả 2 phần trước và sau của mũi xe lại với nhau. Cách này hợp lý về mặt khí động học, nhưng có thể có khó khăn về mặt kỹ thuật, bởi bên trong mũi xe chứa hàng loạt các bộ phận điện tử, cần phải được sắp xếp lại. Force India và Toro Rosso đã phần nào thể hiện cách tiếp cận này.
Cách thứ hai là thiết kế lại bề mặt mũi xe, sao cho nó giúp hướng dòng khí chảy qua nóc xe êm mượt hơn. Ngoài ra, cách này còn giúp tạo ra một luồng khí nhỏ đủ để làm mát cho khoang lái của tay đua. Đây là cách mà Red Bull và cả Sauber đang khám phá.
Cũng có thể sẽ có một cách tiếp cận hoàn toàn mới mà cho tới lúc này vẫn chưa lộ diện.
Hông xe và hệ thống xả
Một trong những xu hướng rõ nét về thiết kế của mùa này là hông xe được tích hợp chặt chẽ hơn với đuôi xe, nhằm tạo ra dòng khí tối ưu chảy qua thân xe. Điều này càng trở nên quan trọng, bởi hệ thống xả khuếch tán đã bị cấm nên mọi chi tiết khí động học ở phía đuôi đều đóng vai trò lớn hơn nhiều so với trước đây.
Hiện nay, Red Bull là đội đua bám sát triết lý này rõ nét nhất, với một phần đuôi cực kỳ gọn gàng và nhỏ nhắn. Thế nhưng, ông Adrian Newey tuyên bố ông vẫn chưa hài lòng và đang thúc đẩy đội ngũ thiết kế phải “gói gọn” phần đuôi chiếc RB8 nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, có thể các đội đua khác sẽ không theo đuổi triết lý này, bởi việc “đóng gói” phần đuôi cũng đồng nghĩa với việc phải giải những bài toán cực khó về nhiệt. Đây là khu vực tỏa nhiệt nhiều nhất trên chiếc xe, nên nếu không được giải quyết ổn thỏa, nó sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về kỹ thuật, thậm chí có thể trở nên nguy hiểm.
Ferrari có cách tiếp cận hơi khác. Nhờ vào nền tảng công nghệ rất mạnh, đội đua này đã tìm được cách thu gọn và hạ thấp hệ thống treo sau, qua đó giúp phần đuôi trở nên nhỏ gọn mà vẫn có nhiều không gian để sắp xếp các bộ phận khác. Toro Rosso và Sauber cũng có dấu hiệu theo đuổi phương pháp này.
Về hệ thống xả, FIA đã quy định rất rõ về vị trí đặt ống xả. Tuy nhiên, không vì thế mà các đội không cố gắng tìm giải pháp. Do vị trí ống xả không được thay đổi, nên các đội đua tìm cách đi đường vòng: bố trí lại các bộ phận khác sao cho chúng được hưởng lợi nhiều nhất từ cách bố trí ống xả đó.
Cho tới lúc này, đa số các đội chọn giải pháp an toàn: theo đúng chỉ dẫn của FIA. Thế nhưng, McLaren và Ferrari đang tìm cách khai thác hệ thống này, bằng cách tạo ra một thiết kế dạng phễu được tạo bởi các bộ phận xung quanh ống xả, nhằm tận dụng luồng khí thải. Ngoài ra, ống xả của Ferrari có miệng chúi xuống, trong khi ống xả của McLaren có miệng hướng lên trên. Tuy nhiên, hiệu quả của các cách tiếp cận này ra sao thì chưa ai biết rõ.
Chỉ có một điều chắc chắn: từ nay tới khi mùa giải chính thức khai màn tại Melbourne, những chiếc xe sẽ còn có nhiều thay đổi.