Sự cố đứt cáp quang biển AAG tối 15/7 cách bờ biển Vũng Tàu 18 km lại gây gián đoạn việc cung cấp dịch vụ của các nhà khai thác viễn thông trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Sự cố không mong muốn này gây ảnh hưởng tới việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của người dùng Internet Việt Nam do lưu lượng dồn qua các hướng dự phòng gây nghẽn. Việc truy cập Internet hướng quốc tế có thể bị chậm hơn so với bình thường, đặc biệt là hướng quốc tế như Mỹ, Nhật, Hong Kong, Hàn Quốc, Châu Âu. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.
Cũng theo ông Vũ Thế Bình, hiện tại, AAG là tuyến cáp quang biển thu hút rất nhiều người dùng, một trong những lý do quan trọng là giá rẻ hơn các tuyến cáp quang biển quốc tế khác. Khi có lượng lớn người dùng đổ vào thì đây cũng có thể là nguyên nhân khiến AAG hay bị đứt. Về vấn đề thời gian xử lý, khắc phục sự cố của AAG không được nhanh như kỳ vọng, có thể do khi cung cấp dịch vụ giá rẻ, để tối ưu hóa kinh doanh, nhà cung cấp đã tiết giảm hoạt động dự phòng, nên khi bị đứt cáp phải mất thời gian khởi động hệ thống dự phòng.
Đứt cáp quang biển quốc tế: Cách khắc phục hiệu quả nhất
Đến nay, nguồn tin từ các hãng viễn thông cho biết chưa xác định thời gian khôi phục sự cố bởi còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết đang diễn biến phức tạp trên biển. Còn theo đại diện của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), sự cố này gây sụt giảm khoảng 40% dung lượng băng thông internet quốc tế từ Việt Nam đi Hong Kong, Mỹ của tất cả các nhà mạng đang khai thác.
Đây không phải là lần đầu tiên AAG bị đứt. Mới đây, vào lúc 18h01 ngày 20/12/2013, tuyến cáp AAG phân đoạn Vũng Tàu - Hong Kong bị đứt. Vị trí gián đoạn cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 278 km. Đến ngày 5/1, các nhà khai thác viễn thông Việt Nam mới khôi phục đầy đủ dung lượng bị thiếu do sự cố tuyến cáp AAG.
Trước đó, ngày 8/3/2011, tuyến cáp quang AAG cũng bị đứt và phải 20 ngày sau thì tuyến cáp này mới được khôi phục thành công.
Các nhà cung cấp cũng khuyến cáo khách hàng chỉ nên sử dụng Internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng, còn lại nên chuyển sang các hướng trong nước để tối ưu hóa dung lượng truyền tải.