Tất cả hệ thống cơ quan trong cơ thể đều lệ thuộc vào nước, đồng thời nước còn giúp cơ thể thực hiện các phản ứng sinh học. Sự có mặt của nước giúp cuốn trôi những độc tố (hình thành sau quá trình chuyển hóa) ra khỏi các bộ phận của cơ thể, đồng thời làm nhiệm vụ tải chất dinh dưỡng tới tế bào và tạo môi trường ẩm ướt cho tai, mũi và các mô trong cuống họng.
Thiếu nước nặng đe dọa tính mạng
Thực tế cho thấy lượng nước bị đào thải khỏi cơ thể qua đường tiểu trung bình của 1 người trưởng thành là khoảng 1,5 lít/ngày. Mặt khác, ta còn bị mất gần 1 lít nước mỗi ngày qua đường thở, mồ hôi và cử động của ruột. Lượng nước mất cũng được bù lại thông qua thực phẩm nhưng chỉ khoảng 20% nhu cầu chất lỏng của cơ thể, như vậy hằng ngày nếu ta uống 2 lít nước là sẽ bù lại được lượng nước đã mất.
Tuy nhiên, theo khuyến nghị thì nam giới nên uống 3 lít nước và nữ giới uống 2,2 lít nước mỗi ngày. Theo cách này, người uống đủ nước sẽ không thấy khát và màu sắc nước tiểu cũng sẽ nhạt hơn.
Mặc dù ta vẫn biết nước được bổ sung cân đối qua các đồ uống, thực phẩm chứa nước nhưng việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là cần thiết, đừng để tình trạng mỗi khi thiếu nước có thể dẫn tới hiện tượng khử nước, một hiện tượng diễn ra khi cơ thể không đủ nước khiến mọi chức năng sinh học không thể hoạt động bình thường, điều này rất nguy hiểm cho sức khỏe. Ngay cả khi bị thiếu nước nhẹ cũng làm giảm sút thể trọng, khí lực suy giảm làm cho cơ thể cảm thấy mệt mỏi.
Thông thường các nguyên nhân gây nên tình trạng cơ thể thiếu nước là làm việc quá sức, đổ mồ hôi quá nhiều, ói mửa và tiêu chảy. Trong trường hợp này chúng ta thường thấy phát sinh các dấu hiệu của tình trạng cơ thể thiếu nước như khát nước nhiều và mệt mỏi, nhức đầu, miệng khô, thiểu niệu (tiểu ít) hay vô niệu, các cơ bắp rã rời và chóng mặt…
Nếu cơ thể bị thiếu nước nhẹ thì ít khi có biến chứng miễn sao cơ thể phải kịp thời nhận được các chất lỏng thay thế. Song những trường hợp nặng hơn có thể nguy hại tới tính mạng, đặc biệt là trẻ em và người già, nhất là trong những ngày hè nóng nực. Gặp những tình huống cực kỳ nguy hiểm này cần phải truyền dịch huyết thanh hay dung dịch điện phân vào mạch máu.
Đừng để khát mới uống
Phải luôn tránh tình trạng cơ thể bị thiếu nước, cụ thể đừng chờ tới khi khát mới uống bởi vì khi chúng ta bắt đầu xuất hiện cảm giác khát nghĩa là cơ thể đã bắt đầu hơi bị thiếu nước. Ngoài ra cũng nên nhớ rằng càng lớn tuổi thì cơ thể càng ít có khả năng tự điều tiết, kể cả việc cảm nhận tình trạng cơ thể bị thiếu nước. Nếu thấy quá khát nước và đi tiểu nhiều thì cần gặp bác sĩ tức thời vì có thể đó là dấu hiệu cảnh báo căn bệnh sẽ nặng hơn.
Để chủ động phòng ngừa tình trạng cơ thể bị thiếu nước và bảo đảm có đủ chất lỏng cần thiết thì uống nước là biện pháp lựa chọn tốt nhất. Hầu hết những người lớn, khỏe mạnh có thể làm theo các chỉ dẫn sau:
Uống một ly nước lã sôi để nguội vào mỗi bữa ăn và giữa các bữa ăn. Giữ cho cơ thể đủ nước trước, trong và sau khi tập thể dục. Uống nước sủi bọt thay vì đồ uống có rượu trong các buổi tiếp tân.
Không để cơ thể thiếu nước nhưng cũng không nên uống quá nhiều nước một lúc, vì mỗi khi lượng nước vào cơ thể nhiều và dồn dập sẽ làm tăng gánh nặng cho tim khiến tim phải co bóp nhiều và mạnh để đẩy lưu lượng nước mới nhập vào cơ thể.
Và nếu như thận không kịp bài tiết được số nước dư thừa thì lượng điện phân trong máu sẽ bị loãng, gây ra tình trạng giảm natrium huyết có thể nguy hiểm cho sức khỏe.