Giới khoa học luôn hy vọng rằng họ có thể thấy bằng chứng về sự sống trên sao Hỏa, hành tinh láng giềng của trái đất. Curiosity, một robot tự hành của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), đang thực hiện nhiệm vụ tìm dấu vết của sự sống trên hành tinh đỏ.
Bóng râm giống bóng người đang sửa chữa thiết bị thăm dò Curisosity trên sao Hỏa do NASA công bố. Ảnh: NASA
Mới đây NASA công bố loạt ảnh về hoạt động của Curiosity. Trong một ảnh, người ta thấy một khoảng đen có hình dạng giống một người đang sửa chữa robot trên bề mặt sao Hỏa. Nó giống bóng của một nam giới với mái tóc ngắn, mặc trang phục bảo hộ và đeo bình dưỡng khí ở lưng. Ngay lập tức bức ảnh trở thành chủ đề nóng hổi của dư luận Mỹ, Daily Mail đưa tin.
Bức ảnh về "bóng người" xuất hiện trên hàng loạt diễn đàn về vật thể bay không xác định hay sự sống ngoài trái đất. Mức độ "nóng" của nó càng tăng sau khi Gary McKinnon - một tin tặc lừng danh - tuyên bố anh đã xâm nhập vào dữ liệu bí mật của chính phủ Mỹ và thấy nhiều tài liệu về hoạt động của sinh vật ngoài địa cầu.
Tuy nhiên, một số người lại lập luận rằng rất có thể Curiosity đã trở về trái đất để các kỹ sư sửa chữa nó. Họ nghĩ cảnh tượng trong ảnh không diễn ra trên sao Hỏa.
Một số người khác lại nghĩ bóng người trên mặt đất chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Theo họ, những người tin rằng chính phủ Mỹ đưa người lên sao Hỏa cố tình tưởng tượng bóng đen theo kỳ vọng của họ, vì bóng người là thứ mà họ muốn thấy.
Nhiệm vụ chính của Curiosity là khám phá sao Hỏa trong thời gian dài để xác định môi trường trên đó có khả năng hỗ trợ sự sống hay không. Hồi tháng 12, siêu robot phát hiện những luồng khí metan trên hành tinh đỏ. Các nhà khoa học nghi rằng vi khuẩn - một dạng sinh vật sống - đã tạo ra khí metan. Nếu giả thuyết của họ đúng thì môi trường trên sao Hỏa thực sự có khả năng nuôi dưỡng sự sống.