Chiến dịch đột kích của đặc nhiệm Delta là một thành công về chiến thuật . Ảnh: National Interest
Washington Post đưa tin, ngày 16/5, lực lượng đặc nhiệm Delta của Mỹ tiến hành chiến dịch đột kích táo bạo vào khu vực al-Amr, gần các mỏ dầu của Syria mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang chiếm giữ.
Các đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt Abu Sayyaf, giám đốc tài chính của IS, người phụ trách việc bán dầu mỏ ra thị trường chợ đen. Sau khi nhóm đột kích hoành thành sứ mệnh, Lầu Năm Góc ca ngợi chiến dịch là một thành công rực rỡ. Họ tin rằng, cỗ máy hái ra tiền của IS sẽ gián đoạn trong một thời gian nhất định và đó là cơ hội để làm suy yếu tổ chức này.
Tuy nhiên, Steven Bucci, cựu sĩ quan đặc nhiệm, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính sách Allison có trụ sở tại Washington DC, nhận xét rằng hiệu quả của những chiến dịch đột kích như vậy là không cao.
Ông lập luận rằng, việc tiêu diệt thủ lĩnh IS không làm cho tổ chức này suy yếu như Mỹ kỳ vọng. Thực tế cho thấy, chỉ 2 ngày sau khi Mỹ tiêu diệt Sayyaf, IS đã đánh chiếm được thành phố Ramadi – cửa ngõ quan trọng mà quân đội Baghdadd cố nắm giữ.
Ramadi là thành phố lớn nhất ở tỉnh Al Anbar, nơi sinh sống chủ yếu của người Hồi giáo dòng Sunni. Họ là những người có tư tưởng chống IS rất mạnh, thành phố có nhiều đơn vị an ninh thiện chiến có thể phối hợp tốt với quân đội để đánh bại IS.
Do đó, quân đội Iraq xem thành phố này là bàn đạp để đẩy lùi IS sang phía tây, cách xa Baghdadd và cuối cùng là ra khỏi lãnh thổ Iraq. Tuy nhiên, quân đội Iraq đã thất bại trong việc giữ thành phố quan trọng này. Ngày 17/5, New York Times đăng một clip cho thấy cảnh quân đội Iraq rút khỏi thành phố.
Bên cạnh đó, khoảng 25.000 người chạy khỏi thành phố do lo ngại cuộc tắm máu từ IS. Ramadi chỉ cách Baghdad 128 km, thất thủ tại vị trí chiến lược này càng làm cho cuộc chiến chống IS trở nên khó khăn hơn.
Khi IS đánh chiếm Ramadi, liên quân đã tiến hành 19 đợt không kích hỗ trợ cho quân đội Iraq, nhưng vẫn không thể ngăn cản tổ chức này đánh chiếm thành phố.
Cần giải pháp tổng thể
Các chiến dịch đột kích của đặc nhiệm không phải là chìa khóa để kết thúc
cuộc chiến chống IS. Ảnh: Military
Chiến dịch đột kích của đặc nhiệm Mỹ là một giải pháp hay ở góc độ cục bộ nhưng không phải là tối ưu để tiêu diệt hoàn toàn IS. Ông Bucci nhận xét thêm, cuộc đột kích có thể là đề tài cho một bộ phim hành động tuyệt vời trong tương lai, nhưng không phải là điểm mấu chốt cho cuộc chiến.
Các chiến dịch đột kích thể hiện sự chuyên nghiệp, tỉ mỉ trong lập kế hoạch, sự dũng cảm, táo bạo của lính đặc nhiệm. Nhưng lịch sử quân sự cho thấy, các chiến dịch đặc nhiệm thường không phải là chìa khóa để thay đổi cuộc chiến.
"Họ (đặc nhiệm) rất cần thiết, chúng tôi tự hào về hành động tuyệt vời của họ. Nhưng nhiệm vụ rời rạc như vậy không ngăn chặn được các thất bại tiếp theo như ở Ramadi", Bucci đã nói.
Điểm mấu chốt trong thành công của các cuộc đột kích là tính bất ngờ. Nhưng sau chiến dịch này, IS sẽ cảnh giác hơn và khả năng thành công cho một cuộc đột kích thứ 2 là rất thấp. Để tiêu diệt hoàn toàn IS, Mỹ và đồng minh cần tăng cường phối hợp giữa các cuộc không kích với các chiến dịch trên mặt đất.
Washington cần triển khai nhiều đặc nhiệm hơn đến Iraq. Họ sẽ phối hợp hành động với lực lượng Iraq khi có thông tin tình báo chính xác. "Sự phối hợp chặt chẽ giữa các đợt không kích và chiến dịch mặt đất quy mô lớn mới là chìa khóa để tiêu diệt IS, nhưng khó khăn chỉ mới bắt đầu", ông Bucci kết luận.