Nghe tin Pháp Đăng bị bệnh ung thư nên các sư ở gần Từ Hiếu như chùa Diệu Trạm, chùa Tây Linh… đến thăm rất đông. Một nhà sư xúc động nói: “Bị bệnh ung thư mà thầy vẫn vui cười suốt thời gian ở chùa Tổ, con mới thấy sự tu tập của thầy thật sâu, chứ gặp người chưa có sự tu tập vững vàng thì họ sẽ hoảng sợ biết chừng nào”.
Tâm linh là quan trọng nhất
Tôi hỏi thầy Pháp Đăng: “Cảm xúc của thầy ra sao khi nghe bác sĩ Cầu báo tin là thầy tu báo tin là thầy bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối?”. Thầy cười: “Thú thực, khi nghe tin bác sĩ báo mình bị ung thư, tôi hơi trầm lặng một lúc nhưng sau đó sớm tìm lại niềm vui. Bởi trước đó, lúc hành thiền, tôi thường quán chiếu về phép cửu tưởng, tức là chín giai đoạn tan rã của xác sau khi chết, cho nên tôi chấp nhận cái tin ấy dễ dàng. Sống chết đều do nghiệp lực. Nếu nghiệp mình phải chết, xin thêm một phút cũng không được đâu, vì thế buồn làm gì cho sầu khổ! Bụt cho tôi sống bao nhiêu năm thì tôi có cơ hội tụ tập và gieo duyên Phật pháp với mọi người bấy nhiêu. Có thể tôi sẽ chết một ngày gần đây nhưng đó chỉ là phần thể xác thôi. Thân thể sẽ về với cát bụi. Còn tâm linh tôi sẽ sống mãi với bạn bè, mọi người, gia đình, tăng nhân, thiên nhiên, vũ trụ bao la. Nếu ra đi thì tôi sẽ về với cõi an lành. Tâm linh tôi biết rõ như thế về tâm thức của mình. Đặc biệt, tôi có niềm tin là mình sẽ lành bệnh”.
Trở lại với lời khuyên của bác sĩ Cầu về việc thầy Pháp Đăng cần phải xạ trị sớm để ngăn ngừa tế bào ung thư tái phát. “Nếu trễ thì thần y cũng bó tay luôn” – bác sĩ Cầu cảnh báo thầy. Thầy Pháp Đăng bảo: “Tôi không tin nhiều vào phương pháp hóa trị. Lý do là tôi cũng có nghiên cứu sơ qua về các loại hóa chất. Chất cytotoxins nhắm tới tiêu diệt những tế bào ung thư phát triển nhanh đồng thời cũng giết cả các tế bào bình thường, có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Tôi có linh cảm rằng, nếu trị theo phương pháp hóa chất thì tôi sẽ không thể nào vượt qua cơn bệnh nguy hiểm này. Hơn nữa tôi quá yếu, không thể chịu đựng thêm một việc điều trị nào bằng y khoa phương Tây. Tôi biết cơ thể cần nghỉ ngơi, thư giãn. Tôi tin tưởng khả năng tự trị liệu của cơ thể, vì vậy tôi quyết định trở về làng Mai để nương vào thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân, dùng phương pháp thiền định và ăn cơm gạo lứt muối vừng theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa để điều trị”.
Trước khi trở về Pháp hai ngày, sức khỏe của thầy Pháp Đăng còn yếu lắm. Các sư ở chùa Từ Hiếu rưng rưng thỉnh thầy: “Hai hôm nữa sư anh đi Pháp, không biết có còn ngày trở lại nên xin sư anh cho bài pháp thoại cuối cùng giống như ngày xưa trước khi Bụt nhập diệt”. Thầy Pháp Đăng ngần ngại vì không biết có đủ sức hay không. Thầy chỉ mới xuất viện hơn tám ngày và mới ăn cháo loãng có hai ngày. Tuy nhiên, biết bao nhiêu tình cảm dành cho tăng thân suốt năm qua, thầy Pháp Đăng đã đồng ý. Sáng chủ nhật hôm ấy, các thầy các sư cô đến nghe thầy chia sẻ thật đông. Thầy nói bài pháp ngắn về đề tài bông hoa. Các em hãy dùng hoa để trang điểm cho cuộc đời. Bàn tay cũng là hoa, vì bàn tay có thể làm ra tình thương. Ánh mắt cũng là hoa, vì cái nhìn làm ra tình thương…Bài giảng đó ngắn nhưng vô cùng sâu sắc. “Đó là bài pháp thoại hay nhất của sư anh”, sư cô Thuần Khánh nói.
Thầy Thích Pháp Đăng.
Trở về Pháp ngày hôm trước, hôm sau, thầy Pháp Đăng bắt tay vào tu tập, quyết dành sự sống từ bàn tay sắc lạnh của tử thần. Thầy đi bộ chánh niệm (thiền hành) đều đặn ngày hai tiếng. Sáng một tiếng, chiều một tiếng. Thầy ngồi thiền rất nhiều và thực tập phương pháp thở sâu, thở chánh niệm. Buổi chiều, thầy tụng kinh Tịnh độ, Pháp hoa, Sám hối… ở chùa. Buổi tối, thầy lại ngồi thiền thêm một tiếng. Thầy bảo: “Quan trọng là cái tâm phải tĩnh mới có khả năng chữa bệnh. Nếu lo sợ nhiều quá thì cơ thể tổn hao năng lượng, mà năng lượng rất là quan trọng vì nó điều khiển hệ miễn dịch, đề kháng… Cái tâm có thể chuyển hóa được tình trạng của cơ thể. Chính cái hoảng sợ làm cho mình ăn không ngon, ngủ không yên, mất nhiều năng lượng. Khi mất nhiều năng lượng, tế bào ung thư sẽ tấn công trở lại. Tôi luôn nghĩ: “chắc chắn bệnh sẽ lành cho nên mỗi khi có ai hỏi: “Thầy sao rồi?”, tôi đều trả lời là: “Tôi đang lành. Tôi thấy rõ ràng là thời gian tu tập với tăng thân làng Mai trong 20 năm đã tu luyện tinh thần cho mình nên khi gặp bệnh thì tôi có niềm tin rất mạnh, tâm rất mạnh”.
Thức ăn lành mạnh
Sau mấy ngày tu tập, sức khỏe thầy bắt đầu hồi phục. Mười ngày đầu thầy ăn cháo lỏng rồi ăn cháo đặc từ từ. Sau, thầy chuyển sang ăn cơm gạo lứt, muối vừng theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa (Nhật Bản). Thầy ăn theo kiểu thiền, tức là ăn từ từ, nhai thật kỹ. Ăn liên tục như vậy trong vòng hai tháng rồi ăn thêm đồ rau hấp củ hấp nhừ, các loại đậu đen, đậu đỏ… Mắt thầy sáng dần, da dẻ hồng hào trở lại, người béo tốt lên. Chừng ba tháng sau, thầy đi xét nghiệm máu. Các chỉ số trong máu rất tốt. Thầy chọn bác sĩ nội soi để xem các tế bào. Cô bác sĩ hỏi: “Thầy bị gì mà nội soi?”. “Thầy bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối”. “Thầy đã điều trị hóa trị chưa?”. “Chưa, thầy không thích điều trị theo phương pháp đó”. “Vậy thầy điều trị bằng cách gì?”. Cô bác sĩ ngạc nhiên hỏi: “Thầy điều trị bằng phương pháp thiền định và chánh niệm”. Thầy Pháp Đăng mỉm cười. Cô bác sĩ vừa soi vừa nói: “Ung thư này không dễ trị lắm đâu! Thầy nên vô hóa trị đi! Nó đã làm nhiều người chết. Tuy con soi không thấy khối u nào nhưng nó có thể tái phát bất cứ lúc nào”.
Ba năm đã trôi qua, kể từ cuộc đại giải phẫu tháng 10 năm 2010, thầy Pháp Đăng cảm thấy khỏe hơn bao giờ hết. Thầy có thể làm việc từ sáng đến tối mà không thấy mệt mỏi. Thầy có thể đi trong mưa dầm gió bấc mà không sợ bị cảm lạnh. Mùa đông thầy không bao giờ đi tất mà chân vẫn ấm, mặc hai áo mỏng mà vẫn không thấy lạnh. Vừa rồi, về Mỹ, thầy có đi phòng mạch chụp cat scan, bác sĩ không tìm thấy một khối u nào trong cơ thể, xét nghiệm máu cũng cho kết quả rất tốt…
Tôi hỏi: “Thầy có chế độ ăn uống đặc biệt gì không?”. Thầy Pháp Đăng cười hiền, nụ cười thảnh thơi, tươi mát: “Hiện nay tôi ăn uống bình thường nhưng có kiêng chút dầu mỡ. Cái chi có chút dầu mỡ là tôi không ăn. Cái gì lành mạnh, đồ luộc, cơm gạo lứt, nước canh thì mình ăn. Tôi kỵ nhất là ăn trái cây chung với cơm. Tôi ăn trái cây riêng, tức là ăn trái cây trước một giờ. Khi ăn cơm chỉ là cơm thôi”. Ngừng lời, nhấp một ngụm trà, thầy nói tiếp: “Sự thật là nhờ đi qua cơn bệnh tôi mới mở con mắt để thấy rằng sức khỏe là quý nhất trên đời. Tôi biết trân quý sự sống và của chính mình và người thương. Nhờ tật bệnh, tôi mới buông bỏ hết những tham vọng, tranh chấp, mong cầu trong cuộc sống đang diễn ra trong hiện tại. Tôi thực sự biết thưởng thức từng hơi thở, mỗi bước chân, vì khi bị cắt ruột già tôi thở không được và khi nằm bệnh viện suốt hai tuần tôi không thể nào đi được. Tôi chú ý tới con bướm, tia nắng, nụ hoa, ngọn lá, tôi thấy cái gì cũng đẹp, đáng quý và dễ thương. Cám ơn đời cho tôi thêm một ngày để sống yêu thương".
(Còn nữa)