Trong tập 2 của talkshow Minh Show vừa lên sóng trên kênh Youtube cá nhân, doanh nhân Minh Nhựa tiếp tục trải lòng về cuộc sống và những trải nghiệm trong quá khứ: những kỷ niệm từ thuở ấu thơ, sở thích thời tuổi trẻ bồng bột, và mối duyên lành dẫn đến quyết định ăn chay và tu tập theo Phật pháp ở thời điểm hiện tại.
QUÝ ANH EM, HỌ HÀNG NÊN "CHẤP NHẬN HỌ LÀM MÌNH ĐAU NHƯNG KHÔNG BAO GIỜ MUỐN LÀM HỌ TỔN THƯƠNG"
Khi được MC Dustin Nguyễn gợi nhớ lại thời thơ ấu bằng những bức ảnh hồi nhỏ, nam doanh nhân cho biết: "Hồi nhỏ có vẻ tôi vui vẻ hơn, đỡ áp lực hơn nhưng đó là hạnh phúc của một đứa trẻ chưa biết sự đời, chưa biết tương lai sẽ diễn ra những điều gì nhưng kỳ thực là vẫn thiếu thốn tình cảm. Có thể những gia đình khác có rất nhiều bức ảnh nhưng mọi người đếm xem tôi có bao nhiêu?
Ba và mẹ tôi có rất nhiều công việc, bận rộn nên hồi nhỏ mỗi năm chỉ vài ngày lễ mới có những khoảng thời gian ngắn, khoảng vài ngày để đi cùng nhau và có những bức ảnh như thế này. Những gia đình khác có thể ít ảnh hơn, nhưng có nhiều thời gian ở cạnh ba mẹ hơn".
Trái với những gì khán giả mặc định về mình - "sinh ra ở vạch đích, ngậm thìa vàng", Minh Nhựa cho biết tuổi thơ của anh thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm: "Nếu mọi người xem những tấm ảnh cũ của gia đình tôi sẽ thấy gia đình tôi chẳng có gì cả. Khi sinh tôi ra, ba mẹ tôi còn ở ké ông bà. Nhà chẳng có điều kiện gì cả.
Doanh nhân Minh Nhựa trò chuyện cùng Dustin Nguyễn
Ba tôi phải đi làm rất xa, mẹ tôi thì đi trực bệnh viện. Tôi cứ thui thủi suốt trong nhà. Khi nào nghỉ hè mới được chơi với hàng xóm hoặc anh em họ. Những cuộc chơi của tôi rất ngắn hạn, lúc nào cũng khao khát muốn được gặp người bên ngoài vì bị trống vắng, thiếu tình cảm nhiều và tình cảm của mình cũng không biết cho ai. Nên tôi rất thương anh chị em, bạn bè. Tôi chấp nhận họ làm mình đau nhưng không bao giờ muốn làm họ tổn thương".
ĐAM MÊ CÂU CÁ, NHƯNG ĂN CHAY TRƯỜNG CŨNG NHỜ CÂU CÁ
Minh Nhựa được biết tới với BST hàng chục siêu xe độc đáo được nhập khẩu nguyên chiếc chính ngạch, có giá trị lên tới hàng trăm tỷ như: Lamborghini Murcielago LP670-4SV, Lamborghini Aventador, Bugatti Veyron, McLaren 650S Spider, Lamborghini Aventador LP 750-4 Superveloce, Pagani Huayra, Rolls-Royce Ghost... nhưng trước đó có một đam mê khác bắt nguồn từ tuổi thơ cô độc: "Hiện tôi đang thọ giới, không sát sinh nên để nhắc lại câu chuyện câu cá thì cũng có một sự hạnh phúc đấy, nhưng cũng là một niềm hối hận. Vì số lượng cá để lên tay tôi cũng khá nhiều.
Tôi mê câu cá từ năm 7 tuổi. Câu cá giúp tôi được 'không cần quan tâm đến bất cứ điều gì xung quanh' như thời tiết, con người, ăn uống. Tinh thần câu cá giúp tôi không hơn thua với ai, không quan tâm xem ai khen chê, chỉ cần biết tôi phải đạt được mục tiêu đó.
Sở thích này có lẽ đến từ sự cô đơn. Trong gia đình tôi chẳng có anh em nào cả, thì đây cũng là cách tôi trải nghiệm sự cô đơn ấy, nhưng thấy hạnh phúc hơn. Có những ngày nghỉ hè, ngày nào ba tôi cũng cho nhân viên đưa tôi ra hồ câu. Sáng đưa đi, đêm tôi về. Cần câu tôi để lại, sáng hôm sau lại lên. Cứ như vậy, tôi cảm thấy ở một mình vẫn có hạnh phúc. Tôi hiểu hạnh phúc không đến từ việc xung quanh có nhiều người, hay sự tung hô, mà là từ bên trong mình, mình đạt được điều mình muốn".
Đam mê là vậy nhưng đến 35 tuổi, một biến cố xảy ra khiến anh quyết định "nghỉ tay gác kiếm": "Tôi từng trải nghiệm câu hồ, từng được con cá mè lên đến 15kg, cá tra đến 6kg, nhưng khi câu biển lại không như mình mong muốn vì tôi bị say sóng. Tôi từng sang Mỹ, book du thuyền và các ngư dân chuyên nghiệp, đưa ra những điều kiện để họ hỗ trợ nhiệt tình, mỗi con cá lớn là $5000. Chuyến nào tôi cũng gồng dữ lắm, đi ra xa dữ lắm, nhưng cũng ra về tay trắng.
Đến một ngày tôi sang Thái. Suốt cả chuyến đi không câu được con cá nào. Lúc đó, tôi chỉ khấn trong lòng, rằng nếu câu được con cá trên mười mấy kílô, tôi nguyện sẽ không đi câu nữa. Trong lúc đang chờ đợi, mọi người cũng câu được vài con cá nhỏ. Chúng tôi mới thách nhau ăn sống cá với muối và chanh trên biển.
Tôi quen với cá nên biết phần nào ăn không tanh. Dù tôi ăn cá sashimi rất nhiều nhưng chưa bao giờ ăn khi cá còn sống. Khi tôi cắn vào, con cá giãy bạch bạch và trong lòng tôi thấy có điều gì đó sai sai. Nhìn vào ánh mắt con cá, mình thấy mình sai. Thế là tự dưng buồn hẳn, tuột 'mood' luôn. Tôi thả con cá ra và kêu tàu đi về".
Thế nhưng chuyến đi, có thể coi là định mệnh ấy, đã không chỉ thay đổi sở thích mà cả nhân sinh quan của anh: "Đi được nửa đường, có một chiếc cần câu dính. Nhìn độ nhịp của cái cần, tôi biết là 'ngon' rồi đó. Tôi quần con cá đến 30 phút, vào tới thì là một con cá đuối to hơn cái bàn. Sư phụ tôi còn bảo câu cá đuối là cực kỳ khó, vì cá đuối thường trốn xuống cát và hít rất chặt, dù có nạy cỡ nào cũng không lên. Người câu cá chuyên nghiệp hỗ trợ tôi còn không tin tôi 'lên' được con cá đó.
Tôi vui lắm. Mọi người móc vào mắt con cá để cầm lên thả xuống để chụp hình. Tôi đang rất hưng phấn, nhưng vừa thả con cá xuống sàn thì trong bụng cá tọt ra 6 con cá đuối con. Cả tàu chỉ biết buồn. Tôi nói thả cá xuống thì dân câu nói cá mẹ đã lên, bị sốc đến mức sảy thai luôn thì thả xuống chắc chắn cũng chết.
Tôi cứ nhớ đến con cá đuối, tôi nghĩ mình cũng có cha có mẹ, tại sao mình lại giết người mẹ, thả đứa con trong khi nó còn đang trong bào thai. Thêm nữa, trước đó tôi ăn con cá khi còn sống đã thấy sai rồi. Hai điều kiện này gộp lại khiến tôi quyết định không câu cá nữa".
Chính sự kiện này cũng khiến anh quyết định tu tập theo Phật pháp, ăn chay trường vì không muốn làm tổn thương động vật: "Tôi chuyên tu đọc kinh Phổ Môn, đến đoạn về sát sinh hay nhìn những con vật ngoài chợ, tôi rớt nước mắt. Khi ăn chay, tôi ăn để trái tim, lòng từ bi dâng lên chứ không phải để có sức khoẻ hay giải nghiệp. Lòng từ bi trong mình như những hạt mầm trưởng dưỡng trong những cái ruộng…
Hồi bé, gia đình hay gọi tôi là 'sư cọ' vì ăn cơm chỉ thích ăn với muối tiêu và nước tương. Tôi lớn lên còn đùa với ba mẹ, 'nhờ con mà ba mẹ mới giàu, chứ ăn đồ ngon là giờ này nghèo nha'. (cười). Hồi nhỏ tôi cứ nghĩ mình thích mình ăn thôi, nhưng có thể là từ xưa tôi đã có nhân duyên, ăn đã cảm thấy hạnh phúc rồi. Những bữa cơm trong nhà chỉ có rau củ quả, nấu theo khẩu vị gia đình".
"KHÔNG HƠN THUA, MÀ LUÔN NGƯỠNG MỘ CƯỜNG ĐÔ LA"
Tiếp tục chia sẻ về thời điểm lập nghiệp, anh bồi hồi nhớ lại: "Tôi đi học cũng theo lời ba mẹ. Ra trường, ba kêu về công ty tôi cũng không chịu về. Ba cũng nói về làm một năm thôi, nếu cảm thấy hứng thú thì đi tiếp, không thì ba thả con ra. Đi làm cũng không được làm thứ mình mong muốn.
Khi tôi quyết về công ty, thì trong lòng tự nhủ 'đã bước vào thì không bước ra', và tự tìm niềm đam mê đi làm với ngành nhựa. Tôi là sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi, nghĩ vào làm quản lý, mà ngày đầu đi làm, phải làm công nhân khuân vác. Ba tôi luôn dìm cảm xúc của tôi, nhưng không quan tâm, không giải thích. Nhưng tôi cũng không có nhu cầu hỏi. Tôi luôn có sự bằng lòng và nghe lời".
Khi tôi trưởng thành, đi làm, ba tôi mới bắt đầu cho tôi những kỳ vọng. "Con cứ cố gắng làm đi. Con thích cái xe nào thì mình sẽ cố gắng để làm được điều đó. Tiền đó không phải của ba, mà là sự nỗ lực của con. Ba sẽ yểm trợ cho con".
Tình bạn thân thiết của 2 doanh nhân Minh Nhựa và Cường Đô la
Và cũng chính đam mê siêu xe đã giúp anh chuyên tâm hơn vào công việc kinh doanh của gia đình và đạt được những điều mình mong muốn: "Vào thời điểm đó, tôi mới biết Cường Đô la là một tay chơi xe rất hot ở Việt Nam. Khi tôi có được chiếc xe, mọi người nghĩ tôi đi khoe mẽ để thể hiện rằng tôi 'chơi' hơn Cường. Nhưng tôi luôn từ chối những câu nói như thế. Tôi luôn có sự ngưỡng mộ Cường chứ không có sự hơn thua. Hai người cùng tâm niệm chơi xe với nhau nên mình ngưỡng mộ cách chơi của họ.
Từ sự ngưỡng mộ đó, tôi mới đi làm và dốc nhiều thời gian, tâm sức vào công việc. Mọi người không thấy tôi ở ngoài đường. Ngày nào tôi cũng làm tất bật, đến tối còn đi học. Từ nhà máy ở Bình Tân ngày nào tôi cũng chạy xe máy lên tận Hàng Xanh để học, dù xa, mưa, tối, liên tục. Sau khi đóng góp cho công ty đạt được một thành quả nhất định, ba mẹ thấy yên tâm thì mới cho tôi chiếc xe.
Trong suốt quá trình trưởng thành, tôi có bao nhiêu chiếc xe, ba mẹ đều hiểu đó là sức lực của con mình làm ra chứ chưa bao giờ ngả tay xuống xin ba. Tất cả những chiếc xe đến bên đời tôi đều là ba tặng. Sinh nhật ba tôi luôn hỏi 'Minh ơi, con có cần gì không vì con đã cống hiến cho công ty rất nhiều'".