Doanh nghiệp xăng dầu xin trích Quỹ bình ổn giá: Đòi hỏi vô lý?

Doanh nghiệp xăng dầu xin trích Quỹ bình ổn giá, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đây là đề nghị hết sức vô lý.

Tin tức trên báo chí, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa kiến nghị sửa điểm d, điều 37 của Nghị định 83 về chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu áp dụng cho cả trường hợp giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ hiện hành diễn ra trong thời gian dài (hiện Quỹ chỉ chi cho trường hợp giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ). Từ đó giúp doanh nghiệp kinh doanh không mất vốn.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, khi áp dụng tính giá cơ sở theo Nghị định 84 từ ngày 1/11/2014, đúng thời điểm giá xăng dầu giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây (xăng giảm 12 lần với tổng mức giảm 7.760 đồng/lít, dầu giảm tổng mức 5.830 đồng/lít).

Nhưng công thức tính giá cơ sở theo Nghị định 83, lấy bình quân 15 ngày giá thế giới sát ngày công bố giá cơ sở, trong khi thương nhân đầu mối phải dự trữ lưu thông 30 ngày theo quy định. Từ đó khiến giá bán thường thấp hơn giá vốn do doanh nghiệp phải xuất bán tồn kho 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ và bị lỗ.

Ngoài ra, để hạn chế kinh doanh mất vốn trong xu thế giá giảm, các tổng đại lý thường chỉ mua hàng cầm chừng (nhằm tối ưu hóa tồn kho, giảm dự trữ) đáp ứng nhu cầu bán hàng cho khách nên dự trữ lưu thông dồn về thương nhân đầu mối. Toàn bộ tích lũy lỗ từ hàng tồn kho do giảm giá dồn về thương nhân đầu mối. Đồng thời, Tổng đại lý, đại lý dự trữ lưu thông thấp, bất ổn thị trường có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Từ kiến nghị sửa đổi điểm d Điều 37 của Nghị định 83, Petrolimex kiến nghị cho phép thương nhân đầu mối được trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo đúng quy định và nguồn được bù đắp từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Ông Bảo cho biết, thời gian qua, qua 3 lần điều chỉnh giá bán xăng dầu của Liên bộ theo Nghị định 83 giúp giá bán trong nước ngày càng phản ánh sát hơn với diễn biến của giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

“Giá dầu thế giới giảm mạnh vào quý 4 khiến Petrolimex lỗ lớn, cuốn hết phần lãi 9 tháng trước đó. Tuy nhiên, phần lỗ này đã được bù đắp từ các hoạt động kinh doanh khác của tập đoàn nên dự kiến năm nay vẫn có lãi ít”, ông Bảo nói.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này trên báo NTNN, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết: "DN kiến nghị như vậy là chỉ đứng về phía họ thôi. Theo quy định, DN xăng dầu phải đảm bảo dự trữ hàng trong 30 ngày. 30 ngày dự trữ này Nhà nước đã tính hết cho anh rồi. Giờ anh lại kiến nghị lấy Quỹ Bình ổn giá là lấy tiền của người tiêu dùng để bù lỗ cho anh khi giá giảm là điều hết sức vô lý. Vậy ra là người tiêu dùng phải chịu hết lỗ cho anh cả khi giá tăng lẫn khi giá giảm? DN xăng dầu khi kinh doanh phải biết khi nào nên nhập hàng, khi nào nên xuất hàng để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh vận hành theo cơ chế thị trường. Còn nếu thị trường biến động thế nào anh cũng “đổ” hết cả lên người tiêu dùng, trong khi anh vẫn còn ít nhiều độc quyền kinh doanh mặt hàng này, thì kinh doanh dễ quá."

Về lập luận của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rằng, việc tính giá xăng dầu bình quân 15 ngày, trong khi DN phải dự trữ 30 ngày khiến giá bán thường thấp hơn giá vốn nhập vào, hệ quả là DN lỗ hàng nghìn tỷ đồng kể từ khi giá xăng dầu trên thế giới liên tục giảm. Ông Long nêu quan điểm: "Dự trữ 30 ngày thì DN xăng dầu cũng chỉ phải dự trữ có một lần, có phải lúc nào trong năm anh cũng phải nhập mới hàng về để dữ trữ đâu. Tôi ví dụ, nếu anh mua xăng dầu rồi sau đó giá dầu thế giới lại tăng lên thì sao? Trong trường hợp này sẽ thấy kiến nghị của DN là chưa hợp lý.

Tôi nhắc lại: DN đang chỉ kiến nghị có lợi cho mình. Giá xăng dầu giảm mà DN xăng dầu vẫn kêu lỗ thì tôi cho rằng, đó là do khả năng kinh doanh của anh không nhạy cảm, chưa theo kịp biến động của thị trường. Chưa kể, các DN xăng dầu luôn tiền hậu bất nhất, kêu lỗ song kiểm tra lại lãi. Ở hoàn cảnh nào DN đều than lỗ song cuối cùng kiểm tra, anh nào cũng lãi vài nghìn tỷ, lỗ thì DN kê rất tỉ mỉ, còn lãi thì chỉ nói chung chung là nhờ vào các hoạt động kinh doanh khác. Điều này không những gây khó hiểu cho dư luận mà còn khó nhận được sự thông cảm của người tiêu dùng".

Tại cuộc họp tổng kết công tác điều hành thị trường trong nước ngày 29/12/2014, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã khẳng định: “Giá xăng dầu của Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay đứng thứ 31 trên thế giới, như vậy là thấp. Điều này thể hiện chúng ta điều chỉnh giá xăng dầu khá linh hoạt và hợp lý”.