Từ ngày 9/5 đến nay, Bộ Tài chính đã 5 lần giảm giá bán lẻ xăng dầu, với mức giảm tổng cộng là 3.200 đồng/lít xăng và 2.000 đồng/lít dầu diezen. Trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, giá cước vận tải, taxi tăng 2 lần với lý do giá nhiên liệu tăng. Nhưng khi giá nhiên liệu giảm, rất ít DN có động thái giảm giá cước. Đến thời điểm này, ở Hà Nội mới có một vài hãng taxi giảm giá cước từ 300 - 500 đồng/km, 2 hãng xe khách vận tải đường dài niêm yết giảm 5% giá vé, còn lại đều đứng im.
Các DN vận tải và kinh doanh taxi viện đủ lý do để chần chừ và từ chối không chịu giảm giá cước như: giá xăng dầu giảm nhỏ giọt, lượng hàng vận chuyển ít, chi phí đầu vào tăng...
Ông Đặng Xuân Hoàng, đại diện Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Bảo Châu lý giải: "Thực ra các DN kinh doanh vận tải nếu muốn giảm giá cước đều phải tính toán từ kinh nghiệm của mình và xem xét tình hình thế giới, ngành nghề kinh doanh như thế nào thì mới có thể đưa ra được quyết định giảm hay không giảm. Không phải xăng tăng là mình cũng tăng theo hay xăng giảm mình cũng giảm, bởi việc tăng hoặc giảm đã trở thành bài toán đối với tất cả các DN. Không phải nói giảm hay tăng là được vì còn rất nhiều chi phí, công sức bỏ ra đều ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của mỗi DN...".
Bên cạnh đó, các DN vận tải hành khách đường dài ở các bến xe trên địa bàn Hà Nội cũng chưa có ý định giảm giá cước. Đại diện Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, hiện nay tại 3 bến xe của đơn vị quản lý là Bến xe phía Nam, Bến xe Mỹ Đình và Bến Gia Lâm, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 2 DN niêm yết giảm giá vé.
Ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Bến xe Gia Lâm cho biết: "Chúng tôi mới nhận được bảng niêm yết giảm giá của Công ty Xe khách Bắc Giang, còn lại chưa thấy đơn vị nào có thông báo. Bến xe chỉ làm công tác quản lý bến bãi chứ không có quyền can thiệp vào giá cước của các DN vận tải nên đành chịu...".
Còn ông Nguyễn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Chín Nghĩa cho rằng, việc Công ty chưa giảm giá cước là do Công ty vừa đầu tư xe mới. Hơn nữa, trong thời điểm giá xăng dầu tăng cao, Công ty đã điều chỉnh giá cước tăng thấp hơn so với một số DN khác.Ông Nghĩa nhấn mạnh: "Kể cả tăng hay giảm chúng tôi phải in lại tất cả bảng giá, còn lái xe, còn kiểm định đồng hồ... bởi nó còn liên quan nhiều đến các cơ quan chức năng. Xăng tăng 2 lần thì chúng tôi mới tăng 1 lần cước và hiện giờ xăng giảm thì phải sau 1 tháng chúng tôi mới có thể giảm được giá cước...".
Theo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc giảm giá cước là do các DN quyết định, nhưng khi giá xăng giảm mà giá cước không giảm thì DN sẽ thất bại trong kinh doanh, đắt thì người ta sẽ phải tính toán để đi phương tiện nào cho phù hợp. Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, nếu giá xăng ổn định rồi mà DN không giảm sẽ chết trước, người mà tác động đến doanh thu của DN chính là khách hàng. Có thể DN có sự lấn cấn ở đây nhưng lấn cấn đấy là tất nhiên, giá xăng dầu thay đổi như thế thì không có DN nào theo đuổi kịp được.
Trước vấn đề này, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu DN kinh doanh vận tải giảm giá cước theo giá xăng dầu. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị các sở tài chính địa phương hướng dẫn và kiểm soát các DN kinh doanh vận tải rà soát, thực hiện kê khai lại giá cước theo giá xăng dầu đã giảm.