Diễn viên Vân Trang 60% thời gian là dành để nghĩ đến tình yêu

Cô diễn viên với tính cách bốc đồng, mạnh mẽ, độc lập nhưng lại dễ bị dao động, sợ cô đơn và cũng dễ khóc nên "chạy trốn" bằng cách dồn tâm trí vào chuyện tình cảm.

Bản lĩnh nhưng dễ bị dao động

Vân Trang tuổi Ngựa, nghĩa là kém hai tuổi so với chứng minh thư nhân dân ghi sinh năm 1988 mà mọi người vẫn biết. Vẻ bề ngoài, Trang được trời phú cho nước da “trắng như trứng gà bóc”, đôi mắt to, hàng lông mày đậm. Cả khuôn mặt Trang đều sắc nét, nếu nhìn qua nhiều người có thể qua nhầm lẫn với “ngọc nữ” Tăng Thanh Hà.

Vân Trang đẹp tự nhiên nên ra đường ít khi cần trang điểm, chỉ có điều khi mới sinh ra cái chân phải của Trang bị quẹo một bên. Nếu như không có mẹ Trang cứ vài ngày lại bế con gái vào viện để bác sĩ nắn lại cái chân cong thì có lẽ giờ Trang khó mà làm diễn viên. Còn nếu có trở thành diễn viên thì có lẽ chẳng bao giờ Trang tự tin để diện những bộ váy ngắn khoe những đường cong hoàn mỹtrước ống kính.

Vân Trang tự nhận mình thuộc túyp phụ nữ lãng mạn và “liều” từ bé. Bởi mới 2 tuổi, Trang đã có thể thuộc làu bài dân ca cổ mà mẹ thường ru mỗi đêm, tới giờ cô vẫn nhớ rõ. 6 tuổi, một mình Trang đi bộ từ nhà mình về nhà nội cách đó 2 cây số để được thỏa sở thích được hái hoa bắt bướm hay nhìn những chiếc bánh tráng mà người làng phơi hai bên đường. Người lớn dọa rằng, trên đường về có một ông khùng rất đáng sợ nhưng Trang vẫn “liều”. Câu chuyện đó phần nào cũng nói lên cá tính của Trang nhưng sự liều lĩnh ấy chưa là gì với những việc làm của Trang sau này, chỉ cần cô thích là sẽ làm bằng được.

Năm Trang 4 tuổi, nhà chuyển từ TP.Mỹ Tho về huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) để làm ăn. Trang được mẹ gởi đi học lớp 1 sớm trước 2 năm, dù vậy nhưng bản tính thông minh nên Trang vẫn có thành tích học tập tốt. Hết năm học, mẹ lo con gái còn nhỏ quá mới hỏi thầy giáo có nên cho cô lên lớp 2 không, thầy gật đầu khen Trang giỏi. Vậy là Trang lên lớp 2, rồi sau đó là lớp 3, Trang được làm lớp phó học tập và lực học chỉ đứng sau bạn lớp trưởng. Tới năm lớp 4, người bạn kia chuyển trường, Trang nghiễm nhiên trở thành người đầu lớp.

Học hết cấp 1, Trang nói với mẹ cho đi học trường chuyên, mẹ Trang ngần ngừ rồi cũng đồng ý. Trang được trường tuyển thẳng và giữ vị trí lớp trưởng. Sáng sáng, Trang được bác lái xe lam gần nhà chở tới trường cách đó cả chục cây số rồi trưa lại đi bộ quãng xa bắt xe lam đi về.

Hết hè năm lớp 7, anh họ Trang học ở TP.Hồ Chí Minh về chơi khoe rằng học nội trú vui lắm. Trong đầu Trang bỗng có ý tưởng lên TP.Hồ Chí Minh học cho biết cái “vui lắm” ấy nó hình thù ra sao nên đem chuyện nói với mẹ. Mẹ Trang tròn mắt sửng sốt, nhưng nhìn khuôn mặt vô cùng nghiêm túc của Trang, bà nói sẽ đồng ý khi Trang lên cấp 3. Trang nhất định không chịu: “Nếu mẹ không cho con sẽ không đi học nữa”. Mẹ Trang biết sự cương quyết của con gái nên đành lặn lội đi nộp hồ sơ để Trang kịp nhập học. Đêm đầu tiên ngủ ở nơi đất khách quê người, Trang không khóc và cũng chẳng thấy lo sợ điều gì. Những năm học xa nhà, Trang sống độc lập và ít khi gọi điện thoại mènheo khóc lóc với gia đình. Dù có lần Trang bị sốt ghê gớm, cô không báo với ba mẹ mà vẫn cố gắng lên lớp ngồi học phòng lạnh để ôn bài.

Tới năm học cấp 3, Trang học chuyên toán, hóa, sinh và làm Bí thư đoàn trường, chính Trang là người bí thư đầu tiên đề ra ý tưởng hội trại chào mừng ngày 8/3 cho các đoàn viên học sinh trong trường. Các thầy cô thì không ủng hộ, Trang lên gặp thầy hiệu trưởng và nói về kế hoạch của mình. Thầy giáo ra điều kiện rằng nếu làm hội trại mà các bạn trong trường học tốt hơn thì sẽ được làm. Trang đâu có khả năng ép buộc các bạn chuyện học hành nhưng vẫn đánh liều nhận lời. Kế hoạch hội trại của trường khiến toàn trường như có hội. Kết quả qua ngày 8/3, hội trại thành công nhưng các bạn học đều... giảm sút. Thầy hiệu trưởng gọi Trang lên “trị tội”. Trang lém lỉnh bảo: “Các bạn học sút nhưng em học lên mà thầy”. Thế là cô thoát, mà nếu không thì mọi sự cũng đã rồi.

Mặc dù có sẵn năng khiếu nghệ thuật trong người nhưng khi học phổ thông Trang vẫn chưa định hình một cách rõ ràng. Thậm chí cô còn có ước mơ làm bác sĩ. Tới một ngày cuối năm lớp 12, cô bạn học rủ đi thi trường Sân khấu điện ảnh, Trang ngần ngừ, nói sẽ suy nghĩ. Dù bản lĩnh nhưng dễ bị dao động bởi người khác nên khi phim “Hương phù sa” lên sóng, bạn bèbảo Trang có khuôn mặt giống Tăng Thanh Hà. Vậy là, Trang đi nộp hồ sơ vào trường điện ảnh. Cuộc đời cô thực sự đổi khác từ quyết định “thử” đó.

Nhịn 2 tô phở để... theo nghề diễn

Khi biết con gái thi trường sân khấu điện ảnh, ba Trang không biểu lộ sự ủng hộ. Ông bảo: “Thi làm gì, chẳng đỗ đâu, lấy 50.000 đồng tiền lệ phí đi mua hai tô phở về ăn”. Trang gần như giận ba: “Thì ba cứ để con thi, có 50.000 đồng thôi mà, không thi được thì con thôi”. Ba Trang vẫn để con gái đi thi cho thỏa ý thích. Ngược lại, mẹ Trang lại vui ra mặt. Hồi còn trẻ, mẹ Trang thích làm diễn viên nhưng vì bà ngoại không cho nên ước mơ của bà không thành sự thật, chính Trang đã thay mẹ mở cánh cửa ấy ra, Trang sẽ thực hiện mơ ước mà đời bà chưa làm được. Mẹ Trang háo hức tháp tùng kiêm chân trang điểm cho con những ngày thi. Nhờ tài năng của mẹ mà khuôn mặt Trang rất ăn hình, hôm thi xong phần bán kết, Trang đứng trên sân khấu với hình hài hoàn toàn khác, khiến mẹ Trang đã phải thốt lên “sáng quá trời”.

Sau khi đỗ trường sân khấu, Trang may mắn được nhận một vai quần chúng trong phim “Duyên trần thoát tục” của đạo diễn Lê Cung Bắc. Vai của Trang là tì nữ hầu quạt cho vua nhưng chỉ có cái lưng là được lên hình trong một vài giây. Ấy thế nhưng cũng đủ khiến Trang sướng rơn.

Sau vai diễn ấy, Trang may mắn được trợ lý đạo diễn giới thiệu vào bộ phim khác với vai thứ dài tận vài chục phân cảnh trong phim “Đam mê” của đạo diễn Đinh Đức Liêm. Vai diễn là vào vai một cô gái quê mùa, mà đúng khi đó Trang mới là tân sinh viên vẫn còn ngô nghê nhưng người ta lại nghĩ sự quê mùa ấy là do Trang diễn mà nên. Tới năm thứ 3 trường Sân khấu Điện ảnh thì vận may đến với Trang, cô được vào vai chính phản diện trong phim “Bọ cạp tím”, rồi sau đó là “Lối sống sai lầm”. Trang còn nhận làm MC cho chương trình truyền hình.

Khuôn mặt đẹp của Trang có thể vào nhiều vai khác nhau từ hiền, ác hoặc thủ đoạn và cô đều thể hiện thành công. Nhắc tới vai diễn ấn tượng của cô người ta lại nhớ tới Trang trong vai Thái hậu, một người đàn bà xinh đẹp, quyền lực song độc ác trong phim rạp “Thiên mệnh anh hùng” của Vic­tor Vũ. Nhưng phải tới vai diễn Ý Linh trong phim “Scandal”, Trang mới thực sự được xem là khuôn mặt ấn tượng của phim chiếu rạp Việt Nam, gây xôn xao dư luận năm 2013. Khả năng diễn xuất của Trang đã thực sự chinh phục người xem bởi việc Trang thể hiện xuất sắc tính cách, nội tâm của nhân vật. Đây cũng là một trong những vai diễn đáng nhớ nhất cho sự nghiệp diễn xuất của Trang. Chính vai diễn này đã giúp cái tên Vân Trang đoạt Bông Sen Vàng cho Nữ diễn viên chính xuất sắc trong liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 năm 2013. Mới đây, Trang lại tái xuất trong bộ phim hài chiếu rạp “Tiền chùa” và “Cô dâu đại chiến 2”. Vai diễn của cô lần này dù không “nổi bật” như Ý Linh nhưng không thể phủ nhận được Vân Trang đã trở thành cái tên đắt khách cho doanh thu phòng vé phim Việt.

Bận rộn với rất nhiều các dự án điện ảnh nhưng Trang vẫn không chịu dừng lại mà còn tay ngang sang lĩnh vực kinh doanh. Nếu ai đó muốn gặp Trang thì chỉ cần đến spa của Trang ở phường 5, quận 3. Đôi khi rảnh rang việc đóng phim thì chính tay Trang sẽ ra mát-xa cho khách, Trang sẽ kể chuyện cho khách nghe. Người ta sẽ phải yêu mến sự gần gũi và đáng yêu của “bà chủ 24 tuổi” này.

Một ngày của Trang bận rộn với hàng tá công việc từ sáng tới tối mà vẫn chưa hết. Nếu là những ngày nghỉ, Trang còn chẳng có thời gian ăn cơm, thường là kết thúc vào lúc nửa đêm. Thấy Trang quá “năng động”, nhiều người tặc lưỡi bảo Trang làm việc vậy thì để đâu cho hết tiền. Trang cười: “Mình vẫn còn thiếu tiền lắm, nhưng mình mở spa không đơn giản chỉ là chuyện kiếm tiền, bạn tin điều đó không? Mình mở cái spa này là muốn có chốn đi về, bởi vì cái nghề diễn viên suốt ngày rong ruổi ngoài đường...”. Nói đến mái ấm thì Trang có thể lấy một đại gia trong hàng tá đại gia đang đeo đuổi và yên phận cuộc sống và công việc của một diễn viên. Trang không muốn thế, bởi nếu sống dựa vào kẻ khác thì cô “thấy thực sự khổ tâm”.

Có lần Trang tỉ tê: “Ông thầy bói nói số mình chỉ có thể tự lực mà đi lên, không thể xài tiền của người khác”. Mà dù chẳng phải chờ ông thầy bói nọ phán thế nào thì tính cách bẩm sinh của Trang đã thế, cô ham công tiếc việc và đầy tham vọng. Trang có thể làm nhiều việc một lúc và không muốn từ bỏ bất cứ công việc nào. Trang vừa đi đóng phim, vừa quản lý spa, chăm sóc khách hàng, lên kế hoạch chiến lược kinh doanh, rồi việc tham gia các gameshow... Dù Trang tham gia nhiều phim một lúc thì vẫn làm tốt, bởi Trang luôn cầu toàn trong từng vai diễn. Trang muốn làm hết khả năng của mình và tận lực với những vai mình thích. Với cá tính ấy, Trang hiểu đã gây áp lực cho bản thân và tự làm mình khổ. Nhưng đó là cá tính con người Trang, cô không thể trách ai nên tự nhận là mâu thuẫn với chính mình.

Trang ước mơ kiếm được nhiều tiền để lo cuộc sống bản thân, giúp ba mẹ chăm lo cho em trai. Kế hoạch sắp tới của Trang là xây một ngôi nhà cũng phải gọi là ra trò với toàn bộ số tiền Trang tích cóp và phần hỗ trợ của ba mẹ.

Chịu đựng nhưng bốc đồng

Trang là người giỏi chịu đựng nhưng lại nóng tính và dễ bốc đồng. Thoạt nghe, tính cách ấy của Trang quá mâu thuẫn nhưng thực tế lại không, cô có thể chịu được áp lực công việc và thực tế thì sự chịu đựng ấy đã mang cho Trang nhiều kết quả tốt. Trang nghĩ để có thể làm như mình thì người ta phải có được sự chịu đựng ghê gớm và chịu thiệt lắm. Nhưng cái giá của của sự nhẫn nhịn lại khiến khi nó bộc phát ra thì càng mãnh liệt.

Có lần trong một talkshow trên truyền hình, Trang đã tự thú: “Áp lực công việc nhiều khi khiến tôi mệt mỏi. Tôi chịu đựng được chuyện công việc, bạn bè, người yêu nhưng về nhà chỉ cần một xúc tác nào đó thì những stress đó tôi lại đổ hết lên gia đình, nhất là mẹ. Nhiều khi tôi còn khiến mẹ khóc, mỗi khi tôi như vậy, mẹ tôi lại chấp nhận chịu đựng. Một thời gian sau mẹ mới nói với tôi: “Con phải biết rằng chỉ có người thân trong gia đình luôn là những người bên con những lúc con cần nhất. Đôi khi thấy con ỷ lại với tình cảm của mọi người dành cho mà làm họ buồn. Mẹ có thể bỏ qua được nhưng người khác sẽ không như vậy được. Sau này giận lên thì cố gắng vượt qua ngưỡng đó, cố gắng kìm chế, không được bốc đồng thì con đã trưởng thành”. Sau lần đó tôi hiểu mình sai, đáng ra không nên làm như vậy, không nên làm tổn thương những gì quý giá của mình. Sau những chuyện không nên ấy, tôi lại điện thoại xin lỗi ba mẹ. Tới giờ tôi rất sợ mình làm gia đình buồn lòng”.

Vân Trang trong "Cô dâu đại chiến 2'

Học cách “nhắm mắt” trong tình yêu

Suốt những năm tháng cấp 3, Trang nổi tiếng ở trường là xinh đẹp, học giỏi và năng động, nếu như bây giờ thì sẽ được gọi là hotgirl chính hiệu. Năm lớp 11, Trang mến một cậu bạn cùng trường. Mối tình thơ ấy đẹp tới mức mà cả hai chỉ thể hiện tình cảm qua ánh mắt. Thế nhưng sau một thời gian thì tình yêu học trò cũng tan vỡchỉ vì một cơn mưa. Hôm đó chàng đèo Trang đi chơi công viên, mưa Sài Gòn bất chợt. Chàng gò mình đạp xe, còn Trang lấy cái áo mưa ra che cho chàng nhưng gió bạt đi về phía sau. Vậy là chàng hứng trọn gió mưa nhưng Trang không hề hay biết. Tới khi về đến kí túc, chàng nói một câu làm Trang chưng hửng: “Ướt hết người rồi”. Trang ngượng ngùng và cũng giận chàng sao chẳng nói để Trang biết, còn chàng khi về cũng giận Trang vô tâm. Tình cảm đổ vỡđơn giản và trẻ con như vậy. Sau này, Trang luôn cố gắng chỉn chu trong chuyện tình cảm để không phải xảy ra những chuyện đáng tiếc như mối tình học trò kia.

Mối tình đầu thực sự là khi Trang học trường Sân khấu điện ảnh. Trong bộ phim “Đam mê”, Trang và người yêu cùng đóng cặp đôi tình nhân. Nhưng khi đó chuyện tình của Trang đang trên đà rạn nứt. Nhắc lại sự tan vỡcủa chuyện tình đầu tiên ấy Trang cho rằng những sai lầm đó chính là đoạn đường cần thiết trong sự trưởng thành của người con gái.

Vân Trang cũng khá kín trong việc công bố chuyện tình cảm của mình. Nhưng một khi đã “bắt đúng sóng” thì Trang lại trải lòng hết. Một trong những tiêu điểm khiến khán giả săm soi chuyện tình cảm của Trang trong thời gian qua ấy là cái tên Victor Vũ. Bằng chứng là Trang liên tục vào những vai chính ấn tượng của chàng đạo diễn Việt kiều tài năng. Đấy là chưa kể các tay săn ảnh liên tục chộp được hình ảnh Trang hiện diện bên chàng một cách khá tình cảm trong các sự kiện. Tất nhiên, Trang không một lần công bố hay phủ nhận. Thế nhưng, người hâm mộ và giới săn tin thì luôn chắc mẩm rằng đó là sự thật bởi “không có lửa làm sao có khói”. Kể cả khi có tin đồn Trang và Victor Vũ đã “đường ai nấy đi” sau khi đóng máy “Cô dâu đại chiến 2” Trang cũng chẳng lên tiếng. Sự mập mờ của Trang cũng chính sự khôn ngoan khi là người của công chúng.

Đối với Trang, chuyện tình cảm chiếm một phần quan trọng trong cuộc sống. Trang bận bịu nhưng 60% thời gian trong một ngày Trang dành cho việc nghĩ tới tình yêu. Chẳng có gì khó hiểu khi bề ngoài mạnh mẽ của Trang lại là một trái tim yếu đuối.

Những vấp váp tình cảm khiến Trang “đàn bà” hơn nhiều. Trang học được sự nhẫn nhịn trong tình yêu. Nếu giả như chàng trai của Trang đào hoa và có nhiều cô gái hâm mộ thì cô sẽ tập thói quen chịu đựng, vì Trang hiểu bản thân mình còn bị vẻ đẹp bề ngoài của người yêu cuốn hút ngay từ ngày đầu gặp gỡchứ huống gì những cô gái khác.

Có điều, nếu đó là sự thực thì có thể Trang sẽ tha thứ cho kẻ đào hoa kia nhưng để quên đi sự tổn thương đó thì thật khó. Bởi sự tha thứ đó cũng chỉ là trong chốc lát, mỗi khi có gì đó xảy ra thì Trang lại nhắc tới chuyện cũ. Chuyện tình yêu của Trang vì lí do ấy mà đã từng tan vỡ.

Trang sợ cô đơn vì vậy nếu chuyện tình yêu đến ngày “không hợp” thì Trang không nỡ dứt. Trang luôn bị mâu thuẫn lớn giữa lý trí và trái tim. Để chống chọi lại nỗi sợ cô đơn, Trang luôn đấu tranh với việc quay lại hay là từ bỏ người yêu cũ. Với Trang thì “biết đâu sự lèm nhèm ấy lại giúp hai người tái hợp”. Đó có thể cũng là cách để Trang có thêm thời gian cho cuộc sống mới... Những lúc như vậy, Trang lại tự nhủ còn có nhiều người sống khổ tâm hơn mình. Vậy là sau những lần khóc hết nước mắt, sau những chịu đựng quá lớn Trang lại cố gắng vượt qua, đó là lúc cô trưởng thành và mạnh mẽ hơn.