Điểm lại lí do làm khán giả 'phát điên' của BLV bóng đá

Rất nhiều lần, người xem bóng đá trên truyền hình nói chỉ muốn "đập tan tivi" vì nghe phải những lời bình luận ngớ ngẩn.

Bình luận lan man, không liên quan đến trận đấu

Đây là lỗi các BLV bóng đá trên truyền hình hay mắc phải nhất. Trong khi trận đấu đang diễn ra, thay vì bình luận diễn biến trận đấu, các tình huống đáng chú ý, nhiều BLV mải mê kể chuyện đâu đâu, không liên quan gì đến bóng đá.

Nhiều khán giả xem truyền hình chắc hẳn chưa quên màn thống kê nhóm máu cầu thủ và trọng tài “bất hủ” của BLV Tạ Biên Cương: “Bắt chính hôm nay là trọng tài… ông sinh ngày... Ông cao 1m75, cân nặng 72kg và có nhóm máu O. Thống kê cho thấy trên sân hôm nay cũng có 7 cầu thủ nhóm máu O, 8 cầu thủ nhóm máu A, 4 cầu thủ nhóm máu B và 4 cầu thủ nhóm máu AB. Điều trùng hợp thú vị là cả 2 vị trọng tài biên đều có nhóm máu B”.

Những câu chuyện bên lề như tiểu sử của… người yêu một cầu thủ đang đá trên sân đôi lúc cũng được các BLV cao hứng liệt kê một cách tỉ mỉ, chi tiết trong trận đấu.

Ngay trong phần bình luận trận đấu, BLV Tạ Biên Cương đã từng “vô tình thừa nhận” sự lan man của mình khi được hỏi về bàn thắng của cầu thủ: “Anh TBC, lúc này anh có cảm nghĩ như thế nào về bàn thắng của Joe Cole? - Phải nói thật là tôi quá bất ngờ, vì tôi còn đang mải thống kê thì bóng vào lưới rồi và đến khi Joe Cole chạy ăn mừng thì tôi mới biết anh ta vừa ghi bàn”?!

Lỗi này xuất phát từ việc BLV muốn thể hiện khả năng hiểu biết, tìm hiểu thông tin của mình. Một vài chi tiết bên lề thú vị có thể làm phong phú thêm thông tin cho trận đấu. Nhưng khi BLV quá sa đà vào việc này mà quên mất nhiệm vụ chính của mình là bình luận trận đấu, khán giả là những người cảm thấy khó chịu nhất. Họ sẵn sàng tắt tiếng, xem “bóng đá câm” để đỡ phải nghe các BLV “luyên thuyên trên trời dưới biển” mà quên mất trận đấu.

Bình luận sai

Ai cũng có lúc sai sót. Nhưng BLV bóng đá Việt Nam có nhiều lỗi bình luận sai khiến khán giả khó chấp nhận.

Ảnh châm biếm của cư dân mạng về lỗi bình luận của các BLV bóng đá

Bỏ công sức để tìm hiểu cầu thủ thích ăn gì, mặc gì… nhưng nhiều bình luận viên không nhớ nổi tên các cầu thủ đang thi đấu trên sân. Tình trạng đọc nhầm tên cầu thủ này thành cầu thủ kia, bình luận sai về các yếu tố chuyên môn cơ bản, sai diễn biến trận đấu… đang khá phổ biến trong các trận đấu.

Lỗi này xuất phát từ trình độ kém, thiếu hiểu biết và không tập trung trong công việc của các BLV.

Một minh chứng “kinh điển” cho lỗi bình luận sai của các BLV Việt Nam là trong trận đấu giữa Manchester United và Basel tại vòng bảng Champion League. Mặc dù các cầu thủ M.U đã ghi bàn gỡ hòa 3 - 3 vào những phút cuối cùng của trận đấu, nhưng trong phần bình luận sau trận đấu, hai BLV và một khách mời là nhà báo vẫn say sưa thể hiện “nỗi đau tột cùng” của mình trước “thất bại” của đội bóng Anh ngay tại sân nhà. Bảng kết quả trận đấu ghi rõ kết quả hòa 3 - 3 hiện khá lâu trên màn hình nhưng các BLV vẫn không nhận ra lỗi của mình và tiếp tục bình luận về “một thất bại mang tính lịch sử”.

Khán giả ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đang xảy ra và chắc chắn không thể chấp nhận sự sai sót nghiêm trọng không chỉ của một, mà cùng lúc của hai BLV cùng khách mời.

“Chém gió” kinh hoàng

Điều tạo nên bản sắc của “thảm họa bình luận” Tạ Biên Cương và một số bình luận viên bóng đá Việt Nam là khả năng “chém gió” điêu luyện. Về bản chất, đây là sự phóng đại quá mức, bình luận không trung thực.

Khán giả không ít lần bàng hoàng trước những màn “chém gió” của các BLV:

“Thủ môn Dương Hồng Sơn đã có một pha ngả người bắt bóng như những phím đàn Piano, một loại nhạc cụ mà người ta hay chơi vào dịp giáng sinh”.

“Trời hôm nay không mưa nhưng Pirlo đã vẽ 1 đường cầu vồng tuyệt đẹp vào lưới Iker Casillas”.

“Quang Hải vừa có một pha xử lý mềm mại uyển chuyển , nói chính xác hơn Quang Hải đang làm thơ trên sân bóng”.

“Đợt trước chúng tôi đã tặng ông Calisto một chữ Nhẫn. Lần này nếu đội tuyển VN vô địch, chúng tôi sẽ tặng ông thêm một chữ Tâm. Có thể nói ông Calisto là một người rất có tâm huyết với bóng đá Việt Nam”.

“Vâng bóng đá là thế, bất cứ bộ phận nào cũng có thể ghi bàn, trừ tay. Không phải đánh đầu thì đánh bằng đầu gối, cũng là đầu cả”…

Các BLV bóng đá Việt Nam còn mắc nhiều sai sót trong chuyên môn

Có người nói vui rằng đài truyền hình nên thêm phần khuyến cáo “Khán giả không nên ăn uống khi nghe BLV bình luận” để hạn chế những hậu quả có thể gây ra từ phần bình luận của những “thần gió”.

Những bình luận hài hước có thể làm cho trận đấu bớt căng thẳng và thoải mái hơn. Nhưng khi các BLV không biết giới hạn và liều lượng “chém gió” cần thiết, các bình luận của họ sẽ trở nên lố bịch và là sự coi thường khán giả.

Phát ngôn lố bịch và ngớ ngẩn

Khán giả xem bóng đá không ít lần “nổi điên” với những phát ngôn lố bịch và ngớ ngẩn tới mức gây sốc của các BLV bóng đá Việt Nam.

Danh sách những phát ngôn được coi là “bất hủ” của các BLV đã dài dằng dặc và chắc chắn sẽ tiếp tục được bổ sung không ngừng.

“Klose, ngoài việc anh biết ghi bàn bằng đầu, việc anh ghi bàn bằng chân ở giải này chứng tỏ anh là một cầu thủ biết ghi bàn bằng cả… đầu lẫn chân”.

“Adriano vừa lên chức cha, con gái của anh vừa mới sinh cho anh một cô con gái đầu lòng, cả hai đều mẹ tròn con vuông”?!

“Sân vận động có sức chứa 35 nghìn người hiện đã không còn một chỗ... kín”.

“Vào rồi ! Phải thế chứ! Cuối cùng đội tuyển… cũng ghi bàn rồi chứ. Chúng tôi nói có sai đâu”.

“Bóng ói ra từ thủ môn đội Singapore”.

“Bây giờ thì 1+3 không còn là 4 nữa rồi, Mai Tiến Thành đã có bàn thắng thứ 5!”.

“Vâng, Crouch đã bị trọng tài thổi phạt vì đã nhảy quá cao”…

Những phát ngôn ngớ ngẩn này xuất phát từ những phút cao hứng không kiểm soát được của các BLV. Trong nhiều trường hợp, các phát ngôn ngớ ngần là do BLV muốn khoe mẽ, thể hiện khả năng ví von, ăn nói hoa mỹ trong các phần bình luận nhưng kiến thức và trình độ chưa đạt đến tầm.

Loạn phát âm và đọc tên cầu thủ

Một lỗi rất phổ biến và kéo dài của các BLV bóng đá Việt Nam là sự không nhất quán trong việc đọc tên các cầu thủ.

Trước đây, các BLV có thể không đọc hoàn toàn chính xác tên cầu thủ mà thường đọc theo kiểu phiên âm Việt Nam “viết sao đọc vậy”, nhưng tên một cầu thủ được các BLV thống nhất đọc theo một cách. Điều này giúp khán giả dễ nhớ tên cầu thủ và có thể bỏ qua cho những tên cầu thủ chưa được đọc chính xác.

Hiện nay, các BLV lại mặc sức tự cho mình cái quyền đọc tên cầu thủ theo ngẫu hứng, theo nguyên tắc riêng mà không theo một quy chuẩn nào. Sai sót này khiến khán giả khó nhớ tên cầu thủ và nhiều lúc không biết BLV đang nhắc đến cầu thủ nào.

Ngay trong một trận đấu, cùng một cầu thủ nhưng BLV này đọc tên một kiểu, BLV kia đọc tên kiểu khác, thậm chí ngay một BLV cũng đọc tên cầu thủ lúc thế này, lúc thế kia.

Trong trận đấu tại bảng B Euro 2012 giữa đội tuyển Đức và đội tuyển Hà Lan, cầu thủ Robin Van Persie (Hà Lan) lúc thì được gọi tên là Van Pơ-si, lúc lại là Van Pép-si. Trong nhiều trận đấu, tên cầu thủ Arjen Robben (người Hà Lan) được đọc là Rốp-ben, lúc lại là Rô-bừn, Rốp-bần (theo cách đọc của BLV Tạ Biên Cương).

Người hâm mộ bóng đá đang sống trong những ngày tháng “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” cùng Euro 2012. Những trận đấu lúc đêm muộn có lẽ cũng không “tàn phá” sức khỏe khán giả bằng những bình luận đầy sai sót đang được các BLV lặp đi lặp lại trong mỗi trận đấu.