Nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến độ tuổi tiêm phòng vắc - xin sởi cũng đã bị nhiễm sởi và có một trẻ tử vong vì biến chứng của bệnh sởi.
Nỗi hoang mang, thấp thỏm trước những thông tin về các ca tử vong bất thường sau khi tiêm chủng khiến không ít bà mẹ đứng trước nhiều băn khoăn tiêm vắc xin sởi có đảm bảo an toàn, tiêm sởi tại sao vẫn mắc sởi?
Vì sao chưa có câu trả lời chính xác về những cái chết sau tiêm chủng
Mới đây, cái chết của một em bé khoảng 2 tháng tuổi tại Thanh Trì, Hà Nội sau khi tiêm loại vắc-xin 6 trong 1 dịch vụ càng khiến dư luận thêm lo lắng về chất lượng vắc- xin. Theo phản ánh của gia đình nạn nhân, sau khi tiêm vắc-xin được một ngày, trẻ có biểu hiện mệt mỏi, quấy khóc mạnh. Ba ngày sau, em bé này đã tử vong khi đưa đến bệnh viện và được kết luận nguyên nhân tử vong do bệnh viêm cơ tim giãn.
Chỉ tính trong tháng 1/2014, cả nước đã có 2 ca tử vong sau khi tiêm vắc-xin 6 trong 1, trong đó có loại vắc-xin Quinvaxem... cùng với hàng loạt trường hợp trẻ biến chứng sau khi tiêm với các biểu hiện tím tái, sốt cao. Tuy nhiên, các kết luận của bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn đều khẳng định, các ca tử vong này không liên quan đến chất lượng vắc-xin. Nhưng cho đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra nguyên nhân cuối cùng, chính xác về những cái chết của trẻ ngay sau khi tiêm chủng. Điều này đã tạo nên sự hoài nghi lớn cho người dân, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng về chất lượng của các loại vắc-xin trong đó có vắc-xin sởi.
Trên hàng loạt các diễn đàn uy tín như webtretho.com, lamchame.com... các hội chăm sóc trẻ nhỏ, hội nuôi con bằng sữa mẹ trên mạng xã hội facebook đều có những chủ đề "hot" liên quan đến việc có nên cho trẻ đi tiêm chủng hay không? Thậm chí, nhiều bà mẹ cực đoan, kiên quyết không đưa trẻ đi tiêm. Bà mẹ có nickname megauthoi trên diễn đàn webtretho.com thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ: "Có đưa trẻ đi tiêm cũng chỉ phòng được một thời gian, không đảm bảo chắc chắn sẽ không mắc bệnh nhưng nguy hiểm nhất là gặp phải lô "vắc-xin đểu". Bệnh tật gắn liền với con người, ai rồi cũng sẽ có bệnh thôi, quan trọng nhất làm sao cho bé khoẻ mạnh thì sẽ là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất".
Theo đánh giá của trung tâm Y tế dự phòng, thời gian qua do quá lo sợ về phản ứng sau tiêm nên một số cha mẹ không đưa con đi tiêm chủng các vắc-xin phòng bệnh, bao gồm cả vắc- xin sởi. So với mọi năm, tỉ lệ tiêm phòng tại Hà Nội giảm xuống chỉ còn 94,88%. Trong khi đó, vắc-xin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ và sẽ hết trong khoảng từ 1-2 ngày sau tiêm mà không cần điều trị gì.
Trẻ đã tiêm vắc-xin vẫn mắc sởi?!
Theo khuyến cáo của trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất, chủ động phòng bệnh sởi. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Cũng theo thống kê của Trung tâm này, hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do chưa được tiêm vắc-xin sởi hoặc chưa nhận được đủ số mũi tiêm, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có trên 89% số mắc chưa được tiêm vắc-xin sởi.
Tại bệnh viện Nhi Trung ương, tháng 1/2014, bệnh viện cũng tiếp nhận gần 70 trẻ có triệu chứng mắc sởi. Tuy nhiên, trong đó có đến 27 trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm phòng vắc-xin. Một số trường hợp đã tiêm vắc-xin sởi nhưng vẫn bị mắc bệnh. Các phụ huynh có con bị nhiễm bệnh sởi đang điều trị tại đây đều tỏ ra lo ngại vì hiện tượng bất thường này. Bệnh viện Xanh Pôn ghi nhận 181 ca sốt phát ban dạng sởi và kết quả xét nghiệm cho thấy có đến 50 - 60% trường hợp dương tính với sởi. Bác sỹ Nguyễn Văn Thường, khoa Nhi (bệnh viện đa khoa Xanh Pôn) cho biết, 100% trường hợp mắc sởi đang điều trị tại bệnh viện là không tiêm phòng, hoặc chỉ tiêm phòng mũi 1. Nguy hiểm hơn, trong số ca mắc bệnh, hơn 90% có biến chứng viêm phổi và 2 trường hợp biến chứng nặng. Trong đó có 1 bệnh nhân viêm não do sởi nhập viện ngày 27 tháng Chạp và hiện vẫn đang phải điều trị tích cực.
Một trường hợp đáng tiếc là bệnh nhân nhi tại quận Thanh Xuân bị sởi, sau khi khỏi bệnh đã được xuất viện nhưng chỉ vài ngày sau lại phải tái nhập viện, được chuyển lên điều trị ở bệnh viện Nhi Trung ương nhưng đã tử vong sau đó 4 ngày. Nguyên nhân là do bệnh sởi gây suy giảm miễn dịch, khiến cháu bé không có khả năng chống bệnh và bị nhiễm trùng huyết.
Theo lý giải của bác sỹ, trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi sinh ra từ những bà mẹ chưa được tiêm vắc-xin sởi hay chưa từng mắc sởi hoặc ít bú sữa mẹ có nguy cơ mắc sởi cao. Khoảng 85% trẻ trên 9 tháng được tiêm vắc-xin sởi đủ liều có đáp ứng miễn dịch. Còn lại, khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố như chất lượng bảo quản vắc-xin hoặc cơ địa trẻ có những kháng thể lạ nên không dung nạp thuốc.
Được biết, bộ Y tế vừa ban hành những quy định về quy trình khám sàng lọc tiêm chủng rất chặt chẽ, trong đó có quy định cụ thể các trường hợp nào nên tiêm chủng và tổ chức tập huấn cho cán bộ. Về công tác bảo quản vắc-xin, ngay trong ngày tiêm chủng, toàn bộ vắc-xin sởi đều được chuyển trực tiếp xuống các trung tâm, trạm y tế thực hiện công tác tiêm chủng. Dù như thế nhưng nhiều bà mẹ vẫn lo ngại tình hình không an toàn cho con khi tiêm chủng nên không đưa con đi tiêm. Thực tế, sự lo ngại là có cơ sở, vì thời gian qua, ngành y tế đã để kéo dài tình trạng trẻ em tử vong sau khi tiêm vắc-xin mà không có kết luận cụ thể, chính xác. Những thông tin đưa ra rất mù mờ, khó hiểu, mang tính đổ lỗi cho nhau vì công tác quản lý yếu kém. Người ta đặt câu hỏi, liệu có bao nhiêu trẻ em nữa chết vì tiêm vắc-xin phòng bệnh và chết vì dịch bệnh do sợ không tiêm vắc-xin?