Theo số liệu thống kê từ một số công trình nghiên cứu thế giới, tỉ lệ dị ứng thức ăn ở trẻ từ 2 - 10 tuổi là 6%-8%, ở người lớn là 3%. Đặc biệt, biểu hiện dị ứng ở trẻ em thường trầm trọng và phức tạp hơn người lớn. Bệnh diễn tiến một cách từ từ, ban đầu ở thể nhẹ, sau đó nặng dần. Một số trường hợp có thể bị sốc phản vệ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Chất gây dị ứng nằm trong thức ăn
Thực đơn tết nhiều món giàu đạm, đường bột và thường ít rau quả tươi có thể ổn với người lớn nhưng đôi khi không tốt với trẻ em - đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và chưa đáp ứng tốt với nguồn thực phẩm đa dạng khiến trẻ dễ bị dị ứng.
Một bé gái 4 tuổi sau khi ăn kem có chứa nhiều sữa đã lên cơn hen, khó thở dữ dội và phải tới bệnh viện cấp cứu. Một tháng sau khi uống sữa bé lại lên cơn hen nặng kèm theo nổi mề đay khắp người và phải nhập viện điều trị. Rất nhiều người kể cả bố mẹ bé cũng không biết nguyên nhân tại sao, ngay cả một số nhân viên y tế cũng không hình dung hết tác hại của bệnh này.
Chất gây dị ứng chính có trong thức ăn thường là các protein có nguồn gốc từ động thực vật, các protein này thường bền vững với nhiệt độ. Mặc dù đã được nấu chín ở nhiệt độ cao, chúng vẫn giữ nguyên cấu trúc và hoạt tính gây dị ứng cho con người. Ngoài ra, các chất protein này còn không bị phân hủy bởi men tiêu hóa và chất a xít của dịch dạ dày.
Bệnh có thể diễn tiến từ các thể nhẹ như chỉ nổi mề đay đến nặng hơn như các tình trạng viêm phế quản dạng hen, bên cạnh đó tình trạng co thắt phế quản và phù thanh môn gây khó thở cũng có thể xảy ra. Một số trường hợp bệnh nhân có thể sốc phản vệ (giống như sốc thuốc kháng sinh) và đưa đến tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Không dễ phát hiện bệnh
Các loại thức ăn khác nhau thường gây ra tình trạng dị ứng cho từng lứa tuổi khác nhau. Sữa, trứng gà và đậu phộng thường gây ra dị ứng cho trẻ em. Còn nghêu sò, cá biển, đậu phộng…hay gây ra dị ứng cho người lớn. Phần lớn các trường hợp dị ứng với thức ăn đều xảy ra trong lần ăn đầu tiên. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc phòng ngừa và điều trị dị ứng với thực phẩm.
Các biểu hiện thường gặp nhất của dị ứng với thực phẩm là tình trạng tổn thương da như nổi mề đay, đỏ bừng mặt, phù mạch hay tình trạng trở nặng của bệnh chàm. Một số trường hợp gây ra các triệu chứng tiêu hóa như nôn ói, đau quặn bụng và tiêu chảy làm dễ nhầm với tình trạng rối loạn tiêu hóa hay nhiễm độc thức ăn. Các biểu hiện về hô hấp thường nặng hơn, như viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dạng hen và phù nề thanh quản gây khó thở nhiều khi rất dữ dội. Một số trường hợp có thể gây sốc phản vệ và thậm chí gây chết người, nhất là ở những trẻ em dưới 2 tuổi.
Dị ứng thực phẩm đôi khi có biểu hiện rất mơ hồ và nhẹ nhàng như tình trạng chán ghét thức ăn, thay đổi khí sắc sau khi ăn…Tình trạng này cũng hay xảy ra ở trẻ em nhưng nhiều bậc cha mẹ không thể tìm ra nguyên nhân, càng ép ăn trẻ càng chán ăn một vài loại thực phẩm nào đó. Hiện tượng trên kéo dài có thể đưa đến tình trạng suy dinh dưỡng.
Cách đề phòng
Gặp những trường hợp trên cần nghĩ đến tình trạng dị ứng thực phẩm, kể cả ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản vì biểu hiện của tình trạng dị ứng thực phẩm rất đa dạng và dễ nhầm lẫn vì ngay cả đối với thầy thuốc đôi khi vẫn nhầm lẫn.
Nên tránh không dùng loại thực phẩm gây dị ứng. Có những trường hợp xác định khá dễ dàng như dị ứng cá ngừ. Nhưng cũng có nhiều trường hợp không thể xác định được loại thực phẩm gây dị ứng vì bệnh nhân ăn nhiều loại thức ăn và cũng có lúc không bị dị ứng. Những trường hợp này phải được xác định bằng cách tiêm dưới da, một việc làm khá phức tạp mà hiện nay không phải tất cả các phòng khám hay bệnh viện đều có thể thực hiện.
Dùng vắc-xin chủng ngừa đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng và cũng có hiệu quả. Khi thấy bệnh nhân có các biểu hiện đặc biệt như khó thở dữ dội, truỵ tim mạch…, cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế có phương tiện cấp cứu sốc phản vệ để được xử trí kịp thời nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc.