"Con gái nuôi là niềm an ủi"
Bà là Phạm Thị Bính (sinh năm 1925), tại xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, chồng bà đã lên đường nhập ngũ và sau đó hi sinh tại chiến trường phía Nam. Bà trở thành góa phụ năm 28 tuổi. Từ đó, bà ở vậy nuôi cậu con trai duy nhất là anh Bùi Văn L. cho đến khi trưởng thành. Do có bố là liệt sỹ nên anh L. được cử đi học tại Ba Lan rồi trở về nước năm 1972. Về làng, anh L. kết hôn với chị Bùi Thị M. - giáo viên một trường cấp 2 trong xã.
Khi chúng tôi đang nói chuyện với bà Bính, bỗng thấy một người phụ nữ trung tuổi, tất tả dắt xe đạp vào sân. Đó là chị Mạc Thị Thu - con nuôi của bà Bính. Bà cho biết, chị Thu cũng có hoàn cảnh rất éo le. Nguyên là, bà Bính trước đây có nhận một người con trai làm con nuôi. Anh này đi bộ đội, sau đó trở về được bà cưới cho cô vợ là chị Thu. Từ ngày đó, chị chính thức trở thành con dâu trong nhà và hết lòng chăm sóc phụng dưỡng mỗi khi bà trái gió, trở trời.
Ăn ở với nhau một thời gian, hai vợ chồng chị Thu không hợp nên chia tay, nhưng tận sâu trong đáy lòng, chị vẫn vô cùng thương yêu bà Bính. Chị thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc bà rất tử tế. Cảm tấm lòng của chị, bà nhận chị là con gái của mình.
Chị Thu tâm sự: "Mình mồ côi mẹ từ nhỏ, nên khi đặt chân về nhà bà Bính làm dâu, mình đã coi bà như mẹ đẻ và hết lòng yêu thương, kính trọng bà". Trước đây, chị Thu làm công nhân tại xí nghiệp bát gần nhà, cho đến ngày công ty giải thể, chị lui về làm công tác trong hội người cao tuổi xã Dương Đức, ngay cạnh xã Mỹ Hà. Kinh tế của chị Thu hiện tại khá ổn định, con cái đã trưởng thành nên công việc không còn bận bịu như xưa. Tuần nào, chị cũng qua lại bên nhà bà Bính vài ba lần.
"Thường tôi lên trên bà để chợ búa, cơm nước giúp, đến tối tôi trở về nhà mình. Những hôm trái gió trở trời, tôi phải ở lại qua đêm để tiện bề chăm sóc bà", chị Thu nói. Nhắc đến cô con nuôi hiếu thảo, bà Bính rưng rưng xúc động: "May mà còn có con gái đỡ đần lúc đau yếu, nếu không thì thân già này cũng không biết bấu víu vào ai…".
Khi được hỏi nguyên nhân vì sao anh con trai không quan tâm, chăm sóc bà, bà Bính vừa khóc, vừa nói: "Tôi góa chồng từ năm 28 tuổi, ở vậy nuôi con cho đến khi nó lớn, rồi lấy vợ cho nó yên bề gia thất. Ấy vậy mà, nó nghe lời vợ, hắt hủi, đối xử với tôi không ra gì. Mấy chục năm qua, con cái chẳng đứa nào chịu ngó ngàng đến. Cũng may, có chị em ở gần đây, nên sớm hôm tắt lửa, tối đèn có nhau. Tôi khổ lắm". Câu chuyện bị ngắt quãng bởi những dòng nước mắt, những cơn nấc nghẹn ngào của người mẹ già.
Cũng theo lời kể của bà Bính, đã không chăm sóc mẹ, anh L. còn sinh lòng đố kỵ với người con nuôi là chị Thu. Anh này luôn lo sợ chị Thu đi lại nhà mình vì có ý đồ xấu. Anh sợ chị Thu sẽ chiếm mất mảnh đất cụ Bính đang sinh sống, nên nhiều lần anh L. tìm cách gây sự và đánh đuổi chị Thu.
Theo lời kể của chị, có lần chị bị anh L. đánh chảy máu đầu, phải nhập viện. Nguyên nhân xuất phát từ việc anh L. cho rằng, chị Thu đã lợi dụng nhà mình để "đưa giai" về. Hiện nay, mỗi lần thời tiết thay đổi, vết thương cách đây hai năm lại tấy lên, đau ê ẩm. Từ đó đến giờ, chị em hầu như không còn quan hệ qua lại với nhau. "Cậu L. gặp tôi ngoài đường cũng không chào hỏi một câu, còn mợ ấy (vợ anh L. - PV) lần nào gặp tôi ngoài chợ cũng chửi bóng chửi gió", chị Thu chua xót.
Bản di chúc không cho con trai quyền thừa kế của bà Bính
Chỉ tại mảnh đất?
Hiện tại, kinh tế của bà Bính dựa hoàn toàn vào tiền hỗ trợ của Nhà nước dành cho đối tượng là vợ liệt sỹ, mỗi tháng hơn 1 triệu đồng. Từ tháng 5/2012, bà nhận thêm tiền trợ cấp cho người cao tuổi với số tiền 180.000 đồng/tháng. Sẵn đất nhà rộng, bà trồng thêm cây ăn trái để tăng thu nhập, thế nhưng, khi mâu thuẫn mẹ con trở nên căng thẳng, anh con trai sẵn sàng phá phách tất cả. Thậm chí, anh này còn đòi bán nhà, mặc dù quyền sử dụng đất vẫn đang thuộc về bà Bính.
Theo như phản ánh của hàng xóm thì anh này là một tay "anh chị", "không coi ai ra gì", nên thường xảy ra cãi vã. Mọi người đều ngại đụng chạm đến gia đình anh ta. Bà Bính cho biết, hơn chục năm nay, nhiều lần bà đau ốm, ngã gãy chân, đi mổ mắt, nhưng anh con trai không hề hỏi thăm gì đến mẹ. Nhiều lần, anh gây sự nhằm gây sức ép để bà Bính sang tên cho mảnh đất bà đang sinh sống.
Bà còn cho hay, trước đây, bà một tay chăm sóc các cháu nội cho đến khi chúng khôn lớn. Nhưng đáp lại, cả con, cả cháu đều "quay lưng" với bà và đối xử rất tệ bạc. Có lần, bà đi chơi về muộn, người con trai đã nhẫn tâm bỏ mặc mẹ mình đứng ngoài, không cho vào. Đêm đó, bà phải đi ngủ nhờ hàng xóm.
Quá bức xúc vì hành vi bất hiếu của anh L., toàn bộ nội tộc đã họp nhau lại, đồng ý ủng hộ quyết định của bà Bính, là nhường quyền sử dụng đất cho anh Hậu - là cháu đích tôn của cả dòng họ, chứ không nhường quyền sử dụng đất cho anh con trai. Theo ông Bùi Văn Minh - trưởng họ Bùi cho biết, mục đích là gây sức ép để anh L. nhìn nhận lỗi lầm và đối xử với mẹ chu đáo hơn. Thế nhưng, tình hình lại "đâu đóng đấy". Anh L. không những không hối lỗi, mà còn có những hành vi bất hiếu hơn.
Ngay cả đám cưới hai đứa cháu nội, bà cũng không được mời tham dự. Cho đến bây giờ, phía gia đình thông gia, bà cũng không hề biết mặt. Vì yêu thương cháu, lại nghĩ đến thân phận mình, mặc dù không được mời bà vẫn đến để được tận mắt chứng kiến ngày vui của các cháu. Tuy nhiên, sự đối xử lạnh nhạt của đứa cháu, cộng với sự hắt hủi của con trai và con dâu khiến bà tủi thân vô cùng. Bà đành phải lặng gạt nước mắt quay trở về.
Đau lòng hơn, người con trai trong quá trình chuyển hài cốt của cha mình về quê, cũng không thông báo với bà. Khi UBND xã mời bà lên tham dự lễ truy điệu danh dự, bà mới vỡ lẽ, ngỡ ngàng. Cầm nén nhang thắp cho chồng mà thân phận như một người xa lạ, bà không khỏi tủi thân cho số phận bạc bẽo của mình. Hàng xóm, láng giềng nhiều lần chứng kiến anh L. đối xử tệ bạc với mẹ, đã sang khuyên can, hội Phụ nữ cũng đến giảng giải. Thế nhưng, mỗi lần như vậy, anh ta lại đóng cổng, thả chó, đuổi họ về…
Nghiêm trọng hơn nữa, có lần giữa đêm khuya, theo như lời bà Bính kể bà bị kẻ lạ mặt (bà khẳng định đó là con dâu mình) đột nhập vào nhà, bóp cổ hòng cướp vàng?. Mặc dù tuổi cao nhưng bà chống cự quyết liệt nên kẻ đó không thể thực hiện được hành vi tàn độc. Trước mức độ nghiêm trọng của sự việc, PV đã liên lạc với ông Bùi Văn Minh - trưởng họ Bùi để biết thêm thông tin. Tuy nhiên, do việc diễn ra giữa đêm khuya và xảy ra khá lâu, người làm chứng đã qua đời nên ông Minh không dám khẳng định đó là ai.