Đi tìm sự thật về 'ma hút máu' tại Khánh Hòa (Kỳ 2)

Dân tộc Raglai (Khánh Hòa) vẫn lưu truyền những câu chuyện đầy huyền hoặc về "omalay" (ma hãm hại), người bị hại thường sẽ bị hút máu, bị bắt đi làm vật hiến tế...

Đứa trẻ mất tích bí ẩn

Pi Năng Thị Thế (SN 1989, ngụ tại thôn Suối Cát, xã Khánh Thượng) là cô gái xinh đẹp và là con út trong một gia đình có tới 7 anh chị em. Nhiều chàng trai theo đuổi Thế, chỉ mong được cô để ý dù chỉ một lần. Vậy mà cuối cùng, Thế phải lòng một chàng trai chuyên đi chặt gỗ thuê. Hôn nhân không giá thú nhưng cuộc sống như vợ chồng của Thế với chàng trai quê Quảng Nam kia kéo dài được 6 năm.

Thế có hai đứa con, đều là con gái nhưng đứa nhỏ mới sinh được 1 tháng thì người chồng hờ bỏ đi biệt xứ không lời từ biệt. “Từ đó mấy mẹ con nương tựa vào nhau mà sống, chỉ mong là đủ ăn chứ chẳng thiết tha gì nghĩ đến có ai thương mình nữa”, Thế nói.

Dân làng thương cho cô gái đẹp người, đẹp nết như Thế nên người cho ít gạo, người góp chút ngô giúp Thế nuôi con. Nhà khó khăn, hai con còn nhỏ, đến tuổi đi học nhưng Thế chẳng đủ tiền lo cho con đến trường. Đi làm nương, làm thuê ở đâu, cô đưa cả hai đứa con đi. Trong căn lều dựng tạm trên nương, chẳng có vật gì đáng giá ngoài mấy chiếc xoong và manh chiếu cùng một chiếc chăn mỏng.

Rồi bất ngờ tai họa ập đến với tổ ấm nhỏ của Thế vào một buổi chiều tháng 8/2013 khi đứa con thứ hai của cô bỗng nhiên mất tích. Thế kể lại, hôm đó thu hoạch bắp, còn tận mấy rẫy nương của người ta thuê bẻ nữa nên nếu để hai con ở nhà thì không có ai chăm sóc, cô đưa cả hai đứa đi theo. Trước khi đi làm, Thế dặn bé lớn trông em, khi nào em khóc thì lấy bình sữa cho em bú. Làm được một lúc, bỗng cô nghe thấy tiếng khóc của đứa con nhỏ, nghĩ là nó đói nhưng vẫn thấy tiếng khóc ngày càng nhỏ dần. Linh tính có chuyện chẳng lành xảy ra, Thế vội chạy về chòi.

Về đến nơi, cả hai đứa con của Thế không có trong chòi, cô tìm kiếm xung quanh nhưng không thấy bóng dáng của con đâu. Nỗi sợ hãi lúc này càng tăng lên tột độ. Thế gọi con ầm ĩ vang vọng cả một góc rừng, những người đi săn gần đó nghe thấy liền chạy đến. Qua hỏi han, họ cùng cô tìm kiếm hai đứa con bỗng nhiên mất tích, còn một người vội chạy về bản Suối Cát báo tin cho mọi người. Khi đi gần đến địa phận xã Giang Ly, cách chòi của mẹ con Thế khoảng 1km, Thế tìm thấy đứa con gái lớn đang ngủ li bì dưới một tán cây nhỏ. Cô bé hồn nhiên kể lại: “Con để em ở nhà để đi lấy nước về nấu cơm cho mẹ”. Thế vui mừng khôn xiết vì đã thấy được một đứa con của mình. Vậy đứa con gái thứ hai của chị mới được 1 tháng tuổi nằm ở chòi sao lại biến mất được?

Lúc này, các già làng và người dân Suối Cát cũng đến, mọi người động viên, an ủi Thế, rồi túa ra xung quanh cùng đi tìm. Ai nấy có chung nhận định: “Chắc chắn có ai đó đã bế đi rồi”. Sau hơn một giờ tìm kiếm chưa có kết quả, mọi người bắt đầu nghi hoặc khả năng cháu Pi Năng Lang Hạ mới được 1 tháng 1 ngày tuổi đã bị “omalay” làm hại.

Những người già trong làng bảo: “Tại tiếng khóc của con mày làm ma rừng nó biết, nó đánh hơi tìm đến đấy” khiến Thế càng sợ hãi. Người mẹ trẻ vội cầm lấy chiếc rựa đi rừng lao vào đám ngô đang mùa thu hoạch, rẽ cây băng rừng đuổi theo hướng mà cô linh cảm rằng con mình bị đưa về phía đó.

Bóng người áo trắng là “omalay”?

Tiếng bước chạy và tiếng gọi con của Pi Năng Thị Thế vang khắp núi rừng khiến đoàn người chạy theo cô đều nghe rõ. Tiếng Thế dường như khản hẳn đi, cô ân hận vì một phút bất cẩn khi để hai đứa trẻ nhỏ tại chòi đã khiến con bị “ma rừng” bắt đi. Thế ngồi thụp xuống một gốc cây cổ thụ ven rừng mệt mỏi ngồi nghĩ đến chuyện xấu nhất có thể xảy đến với con mình. Trong nỗi tuyệt vọng, bỗng Thế nghe thấy tiếng ọ ẹ phát ra từ đâu đấy. Cô choàng tỉnh, vội lau nước mắt đang chảy dài tìm kiếm. Sợ có ai đó đang tìm cách hại mình, Thế lăm lăm con dao đi rừng trong tay rồi tiến lại gần hơn chỗ phát ra tiếng động ban nãy. Khi tiến lại gần bụi rậm, cô nhặt được một chiếc dép trẻ con màu đỏ. Đó chính là chiếc dép của con gái Pi Năng Lang Hạ. Thế vui mừng khôn xiết chạy lại bụi rậm, khẽ dùng con dao đẩy tán cây ra, chị òa khóc khi thấy con gái đang nằm đó.

Vội vã bế con vào lòng, Thế vừa khóc vừa gọi to: “Dân làng ơi, cháu tìm thấy con rồi”. Tuy nhiên, khắp người con gái thâm tím như bị đánh, mũi cũng tím bầm và miệng đang chảy máu nên Thế sợ hãi bế con chạy một mạch về bản. Trên đường đi, cô phát hiện có một bóng người áo trắng đi tắt qua con đường mòn ven rừng trở về con suối ở đầu bản. Thế nói to với đám thanh niên đi cùng: “Đuổi theo xem người kia là ai, sao tự dưng lại xuất hiện ở chỗ gần con gái em được tìm thấy”. Đám thanh niên vội vã chạy theo hướng chỉ tay của Thế. Họ chia làm nhiều nhóm để đón đầu và bắt bằng được bóng người áo trắng đó. Trong suy nghĩ của Thế và nhóm thanh niên, đó chắc chắn là “omalay” vừa làm hại con gái cô. Nghĩ thế nhưng vẫn không rời mắt khỏi con gái, cô vội vàng đưa con đi bệnh viện cấp cứu.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Vĩnh, các bác sĩ kết luận sơ bộ cháu Pi Năng Lang Hạ bị tổn thương ngoài da và mũi bị bầm tím do tác động của ngoại lực. Rất có thể cháu bị ngã hoặc va vào vật cứng. Riêng phần môi bị chảy máu, các bác sĩ cho rằng bé bị cắn vì có vết răng của ai đó hằn lại. Nghe bác sĩ thông báo như vậy, Thế bỗng run bắn người, vậy là con gái cô đã bị omalay làm hại? Thế níu tay bác sĩ: “Vậy bé nhà cháu có cứu được không?”. Các bác sĩ nhìn cô đầy thông cảm: “Hãy chuyển cháu lên Bệnh viện tỉnh để chăm sóc, tạm thời cháu đã qua cơn nguy kịch, có lẽ một phần sức đề kháng của cháu còn yếu, lại đói khát dưới thời tiết nắng nên bị như vậy”.

Trong khi đó, tại bản Suối Cát, những toán thanh niên vẫn lùng sục “bóng người áo trắng” mà Thế đã cho biết khi nhìn thấy ở bìa rừng. Khi đi ngược dòng suối gần bản, một thanh niên bắt gặp Pi Năng Thị Bưởi (SN 2000, ngụ thôn Suối Cát) đang đi một mình về bản. Cô bé mặc áo trắng, tóc tai rũ rượi vẫn còn có nhiều vết bụi và lá cây ở trên đầu dường như không để ý đến những ánh mắt ngờ vực của đám thanh niên đang nhìn mình. Đối mặt với một thanh niên chặn đường mình, Pi Năng Thị Bưởi cũng không cất lời, chỉ tìm cách vượt qua để đi về. Tức thì đám thanh niên hô nhau: “Nó đấy, “omalay” đấy! Bắt nó đi. Nó vừa hãm hại cái Pi Năng Lang Hạ chứ còn ai nữa”. Tức thì, “con ma rừng” bị bắt gây xôn xao dư luận bản Suối Cát vì đây là lần đầu tiên một “omalay” bằng xương bằng thịt bị bắt sống. Người ta kéo nhau đến nhà Pi Năng Thị Thế đứng chật sân, vòng trong vòng ngoài. Từ háo hức, tò mò đến ngạc nhiên, ai cũng thốt lên: “Cái Pi Năng Thị Bưởi, con ông Pi Năng Là Nha đây mà. Sao nó lại là “omalay” thế nhỉ?”.

Cho rằng con ma rừng vẫn còn đang ở trong Pi Năng Thị Bưởi, đám thanh niên trói cô bé vào gốc cau giữa vườn nhà Pi Năng Thị Thế và bắt đầu tra hỏi. Thậm chí, có thanh niên không ngại ngần dùng roi vụt mạnh để đánh “con ma rừng”. Đứng ở ngoài, ông Nha và bà Pi Năng Thị Châu (cha và mẹ của Bưởi) khóc lặng khi thấy con gái bị trói và bị đánh. Dân làng không cho hai người lại gần vì “đấy giờ là con ma rừng đang nhập vào cái Bưởi chứ không phải là nó đâu”...

Còn nữa