Nghị định 71 có hiệu lực mới được 1 tuần nhưng các cơ quan công quyền có liên quan, đặc biệt là cảnh sát giao thông; dư luận xã hội và báo chí đã tốn không biết bao thời gian và giấy mực để mổ xẻ, phân tích, chất vấn... về tính khả thi và những bất cập của một quy định trong Nghị định này: Đó là xử phạt các chủ xe không sang tên đổi chủ khi mua bán ô tô, xe máy.
Mỗi người hiểu một kiểu khi triển khai quy định này. Người thì cho rằng đi xe không chính chủ sẽ bị phạt. Người thì cho rằng xe đi mượn, đi thuê không bị phạt. Người thì cho rằng chỉ xe mua bán mà không sang tên mới bị phạt. Người thì cho rằng nếu có công chứng ủy quyền của chủ xe cũ thì không bị phạt…
Nguy hiểm hơn, ngay cả trong lực lượng công an – lực lượng chính thực thi quy định về pháp luật trong lĩnh vực này cũng có những cách hiểu và cách thực thi khác nhau.
Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT Hà Nội trả lời phỏng vấn báo chí cho biết: Nếu đi mượn xe phải có hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người chủ xe kèm theo để chứng minh. Quả là “sáng kiến” hành dân khi không có một quy định nào của pháp luật về thủ tục này.
Còn sau đó, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII – Bộ Công an) cho biết đã có công điện 141 gửi giám đốc công an các tỉnh, thành phố.
Theo đó trường hợp người điều khiển xe trên đường có giấy tờ xe không chính chủ mà người đó nói là xe mượn của người thân, xe thuê thì chưa xử phạt. Đây cũng có thể coi như một sự lạm quyền. Luật – dưới luật là Nghị định của Chính phủ được ban hành để mọi người thực thi và tuân thủ. Tổng cục VII chỉ có quyền được hướng dẫn làm rõ theo quy định của pháp luật hành vi nào là phạm luật, hành vi nào không để từ đó, phạt hay không phạt theo quy định của pháp luật. Tổng cục VII Bộ Công an không thể đứng trên Chính phủ để cho mình cái quyền chỉ đạo lúc nào xử phạt, lúc nào chưa.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn cho rằng, NĐ 71 đã tạo điều kiện cho CSGT can thiệp quá sâu vào những lĩnh vực không phải trách nhiệm quản lý của mình. Như thế là đang "ép" quan hệ dân sự, làm co lại sự phát triển của xã hội. Quản lý quá sâu, đến mức phạt cả việc không sang tên đổi chủ là không chấp nhận được.
Những cách hiểu khác nhau, cách thực thi và triển khai khác nhau chính là tiền đề cho tiêu cực, cho cách áp dụng thế nào cũng được của lực lượng Cảnh sát giao thông với cùng một hành vi bị điều chỉnh của người điều khiển phương tiện giao thông. Là tiền đề cho sự bất ổn của xã hội.
Còn nhớ, năm 2003, UBND TP.Hà Nội ban hành quy định tạm thời cấm đăng ký xe cá nhân tại 4 quận nội thành. Tiếp đó, cấm tại 7 quận nội thành. Hàng trăm nghìn người Hà Nội thời điểm đó có nhu cầu mua xe đã phải chạy vạy nhờ người thân, người quen hay đại lý bán xe ở những khu vực không bị cấm, thậm chí về quê nhờ người đứng tên hộ để đăng ký xe. Vậy những trường hợp đó, lỗi đi xe không chính chủ do thí điểm của cơ quan quản lý nhà nước thì xử lý thế nào?
Cũng cần phải nói thêm, việc quy định khi mua bán xe phải sang tên đổi chủ không phải bây giờ mới có mà đã có từ hai chục năm nay. Nhưng do thủ tục rườm rà trong chuyển nhượng, thuế trước bạ quá cao và do chính sự buông lỏng quản lý đã tạo nên một tình trạng: Hàng triệu xe mua bán qua tay, hoặc mua bán nhưng lách luật bằng việc ủy quyền công chứng đang tồn tại. Những bất cập trong việc hiểu và thực thi quy định này đã gây nên bức xúc trong người dân.
Chúng ta đang xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, đòi hỏi mọi công dân phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Nhưng trước hết, cũng cần pháp luật phải công bằng, công minh, dân chủ và rõ ràng, hợp lý.