Sông Đà được khai sinh từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với cái tên Lý Tiên Giang do hai nhánh Bả Biên Giang và A Mặc Giang hợp thành. Sau đó, du nhập quốc tịch Việt Nam với tên gọi Sông Đà. Biên giới Việt –Trung tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là nơi dòng Đà Giang bắt đầu chảy. Từ đây, Đà Giang đi qua 5 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ với chiều dài hơn 500km. Dòng Đà Giang len lỏi qua các vùng miền như một sợi chỉ nước đỏ ngầu song song những triền núi cao chót vót chạm mây.
Người Hà Nhì nhộn nhịp vào xuân
Mường Tè là huyện xa xôi heo hút nhất của tỉnh Lai Châu. Nơi thâm sơn cùng cốc ấy là điểm bắt đầu của một dòng Đà Giang oai hùng, kiêu hãnh. Huyện Mường Tè gồm 5 xã có người Hà Nhì sinh sống. Trong đó chủ yếu là ở các xã Ka Lăng, Thu Lũm và Mù Cả.
Trong những ngày giáp tết, Mường Tè trộn rộn niềm vui. Giữa trăm ngàn bận bịu của đời thường, đồng bào nơi đây như tạm quên đi những nhọc nhằn mưu sinh để hướng vào một cái tết đoàn viên, sum họp. Sắc đào trong thời khắc chuyển giao đã khoe sắc, tô thắm cả núi rừng biên cương của tổ quốc. Hơi sương giăng đầy những triền núi, cả thị trấn Mường Tè đẹp và nên thơ như một bức tranh thủy mặc với những nết chấm phá đầy kỳ công của tạo hóa.
Có lẽ Mường Tè là một trong những nơi đón tết cổ truyền sớm nhất cả nước. Không giống người Kinh, ở Mường Tè người ta đón tết từ những ngày đầu tiên của tháng chạp Dương lịch. Người Hà Nhì quan niệm, cứ trăng tròn 12 tháng là bắt đầu đón năm mới. Ngày tết đầu tiên được tính từ ngày Thìn (tức là ngày con rồng) của tháng 10 Âm lịch. Ngày Thìn theo quan niệm của người Hà Nhì tượng trưng cho sự phồn thịnh, giàu sang. Giờ đẹp nhất của ngày tết được tính từ tiếng gà gáy. Gác lại những lo toan, muộn phiền chuyện con trâu, nương rẫy họ đón nhận tết cố truyền như môt đặc ân và họ hưởng thụ. Suốt quãng thời gian ấy, họ giết lợn, mổ bò, chuẩn bị đặc sản núi rừng và tạm dừng việc lao động.
Người Hà Nhì đặc biệt quan trọng trong cách chọn ngày bắt đầu để đón tết. Ngày ấy phải là ngày rồng, tháng con chuột. Với đồng bào nơi đây, đó thực sự là ngày của thánh thần và cho đến nay vẫn tồn tại những bí ẩn khó lý giải. Để chuẩn bị đón Tết, các gia đình chuẩn bị kỹ lưỡng nguyên liệu đồ xôi, làm bánh dày, bánh trôi cách đó 1 tháng. Đồng bào nơi đây làm bánh dày cũng có những quy tắc riêng, nghiêm ngặt. Bánh phải kết thành cặp, không tách rời từng chiếc để tượng trưng cho tình bằng hữu, vợ chồng gắn bó keo sơn thuận hòa. Bánh trôi được nhào với nước, vo thành các viên nhỏ rồi đem luộc chín. Sau khi chín, bánh được vớt ra đặt trên lá dong hoặc lá chuối. Trong số bánh trôi đó, có 3 chiếc lớn nhất được nặn ra từ mẻ bột đầu tiên sẽ được người Hà Nhì chọn, rắc thêm vừng, mè để tiến hành làm lễ. Các loại bánh được các gia đình dâng lên trước bàn thờ gia tổ để bày tỏ lòng hiếu kính đến các đấng sinh thành và báo cáo về việc làm ăn trong một năm qua, mong muốn cuộc sống thịnh vượng đủ đầy trong năm mới.
Trong buổi sớm tinh mơ ngày con rồng đã được chọn, mỗi gia đình sẽ cử một người nhanh nhẹn (phụ nữ hoặc đàn ông) đeo gùi mang ống tre ra đầu suối để lấy nước lộc. Nước lộc trên đường lấy về tránh không được để rơi ra ngoài và khi mang về để dùng nấu đồ cúng tổ tiên. Mâm cúng sáng ngày thứ nhất được đồng bào đặt lên bàn thờ ngoài bát nước chè còn có bánh dày, bánh trôi, rượu, muối, thịt lợn… mỗi thứ đều một ít. Đặc biệt người đứng ra làm lễ cúng phải là người phụ nữ cao tuổi nhất trong gia đình đảm nhiệm và con cháu trong nhà phải đi theo cúi lạy bàn thờ tổ tiên.
Người Phù Lá nghe tiếng con vật đoán vận may
Chia tay bà con Hà Nhì nơi dẻo cao biên giới, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình dọc sông Đà đến vùng đất Điện Biên để khám phá phong tục đón tết mới lạ tại nơi này. Vào đất Điện Biên, dòng Đà Giang vẫn còn dữ tợn. Nước cuồn cuộn chảy nhưng trong vắt như mặt gương soi. Khi những nụ đào rừng nở vội khoe sắc hồng phai trên con đường về bản, lúc cái rét ngọt của khí trời vừa kịp len lỏi vào tà áo người thiếu nữ thì cũng là lúc người Phù Lá ở Điện Biên rộn ràng đón tết.
Tỉnh Điện Biên chủ yếu là nơi sinh sống của dân tộc Phù Lá và Lự. Với đặc thù riêng về phong tục tập quán, ngày nay người Phù Lá vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là tục ăn tết mừng năm mới. Người Phù Lá bắt đầu ăn Tết cổ truyền vào ngày 30 của tháng cuối năm Âm lịch. Tết được tổ chức ăn trong 5 ngày. Người Phù Lá ăn tết chính trong 3 ngày từ mồng 1 đến mồng 3, nhưng các hoạt động vui xuân thường kéo dài từ mồng 1 đến hết ngày 15 tháng giêng, sau đó mới bắt đầu bước vào lao động sản xuất trong một mùa vụ mới.
Trong dịp Tết, bà con Phù Lá tổ chức múa xoè, hát đối, kéo co và tổ chức một số trò chơi văn hoá thể thao dân gian như: đánh quay, tó má lẹ. Khi hoa đào nở thắm hồng sườn núi, hoa mận trắng xoá những sườn đồi cũng là lúc đồng bào các dân tộc Phù Lá gác việc chuẩn bị Tết. Vào đêm 30 tết các già làng thường thức trắng nghe các con vật kêu để phán đoán may mắn. Con nào kêu trước, kêu sau sẽ dựa vào đó để xác định điều may rủi cho cả năm mới. Các thầy cúng được mời đến bên bàn thờ tổ tiên gia chủ để cúng trời, cúng đất, xin các vị thần, tổ tiên ông bà phù hộ độ trì cho con cháu mạnh khỏe, cả bản làm ăn phát đạt, mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa.
Mâm lễ cúng năm mới của người Phù Lá không thể thiếu thủ lợn và rau dài. Trong đêm giao thừa và ngày mồng 1 tết, người Phù Lá rất kiêng kị trong việc tiếp xúc với các đồ vật sắc, nhọn như: kim, dao, rựa vì cho rằng những thứ đó không đem lại may mắn cho gia đình. Những ngày tết cổ truyền, tại các bản của dân tộc Phù Lá rượu tràn như dòng Mo Phí mùa nước. Bà con tưng bừng đón tết, bàn cỗ đầy ắp thức ăn. Đến mỗi nhà một vài chén chúc tụng cũng đủ để tới khuya phải chân lần đất bước về nhà.
Tiệc rượu của người Phù Lá tạo nên nét đặc trưng riêng của vùng đất Điện Biên. Ngày tết, gia đình nào cũng chuẩn bị sẵn chum rượu cần làm bằng gạo nếp đã ngâm ủ kĩ bằng men lá. Bình rượu ấy được đặt giữa nhà, trên một chiếc thảm mây đan xen các hình vẽ, hoa văn tinh xảo. Cầu kỳ là thế nhưng với cách đón một cái tết lớn nhất trong năm, đó là niềm tự hào của tất cả bà con đồng bào nơi này. Thưởng rượu, chúc tụng đầu năm là các cụ cao tuổi và người trung niên trong bản uống trước, sau đó đến lớp thanh niên nam nữ uống tiếp. Mỗi người trong đợt uống như vậy được tính bằng một sừng trâu tiếp nước đổ vào chum, tiếp lần lượt đến khi hết rượu mới ngừng.
Trong rộn rã tiếng khèn, điệu hát, lời ca, người già gặp nhau trầm ấm bên chén rượu; thanh niên nam nữ tíu tít hòa mình vào các trò chơi đu quay, đá cầu, trốn tìm, chơi cù, đánh má lẹ, kéo co, bắn nỏ, hát đối… Phong tục đón tết của người Phù Lá mang đậm nét tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, thể hiện triết lý nhân sinh quan và một niềm tin về cuộc sống vĩnh hằng của con người. Cũng là dịp để các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội của mình, đồng thời tạo cho con người khoảng thời gian nghỉ ngơi, giao lưu gặp gỡ anh em, bạn bè. Họ cùng nhau nâng chén rượu chúc cho mùa màng tươi tốt, làm ăn gặp nhiều may mắn, gia đình ấm no, hạnh phúc.
Gội đầu trên Đà Giang để tẩy rửa vận xui
Nằm ở phía thượng nguồn của dòng sông Đà hùng vĩ, Sơn La không chỉ được biết đến là địa danh có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình mà còn là một miền đất có nền văn hoá phong phú và đậm đà bản sắc. Cao nguyên trù phú này luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách bốn phương, đặc biệt là khi Tết đến, xuân về. Đây là nơi quần cư của cộng đồng 12 dân tộc anh em, trong đó người Thái chiếm đa số. Đồng bào dân tộc Thái nói chung và người Thái trắng nói riêng có nhiều sinh hoạt văn hoá hết sức độc đáo thông qua các lễ hội truyền thống của mình. Một trong số đó là lễ hội gội đầu của người Thái trắng.
Mặc dù chỉ diễn ra trong một gian ngắn ngủi, nhưng lễ hội gội đầu lại có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của bà con dân tộc Thái trắng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và đạo lý uống nước nhớ nguồn cao đẹp của dân tộc. Người Thái quan niệm, gội đầu là để rửa trôi, tống tiễn những cái vất vả, bênh tật, điều không may mắn của năm cũ theo dòng nước (sông, suối). Đồng thời cũng là cầu cho năm mới tốt lành, gặp điều may mắn, làm ăn phát đạt.
Sông Đà, dòng sông hùng vĩ của đất trời Tây Bắc. Người ta coi nước sông Đà như một thứ nước linh thiêng, mang lại may mắn, sức khỏe và hạnh phúc. Tại huyện Quỳnh Nhai, Sơn La người dân tộc Thái Trắng vẫn gìn giữ được một trong những tín ngưỡng linh thiêng gắn với sông Đà, đó là lễ hội gội đầu vào trưa ngày cuối cùng của năm. Người Thái trắng sẽ tổ chức lễ hội gội đầu vào trưa ngày 30 tết, thời điểm đánh dấu qua một năm, rũ bỏ cái cũ, chào đón cái mới. Phong tục này cũng giống như người Kinh tắm tất niên vào ngày 30 tết. Điều đặc biệt nhất nằm ở thứ nước gội đầu mà họ sử dụng. Nước vo gạo được ủ chua. Có lẽ vì thế mà lễ hội gội đầu của người Thái Trắng ở Tây Bắc được coi là một trong những lễ hội kỳ lạ của nước ta. Để tiến hành lễ gội đầu, trước đó 1 tuần người phụ nữ Thái đã vo gạo nếp để lấy nước. Sau đó nước vo gạo được cất giữ trong chum hoặc nồi càng lâu càng tốt. Đàn ông dùng nước gội đầu làm từ bồ kết, nướng bồ kết, bẻ ra rồi ngâm vào nước đun sôi.
Trong lễ hội gội đầu, nhiều nơi còn tổ chức hội đua thuyền, lập lễ cúng Nàng Han, tế thần sông, thần núi cùng nhiều trò chơi dân gian khác để ghi nhớ công lao của nữ tướng anh hùng Nàng Han, cầu mong cho bản làng được yên vui, no ấm.
Cúng nước, thờ đá lấy ở lòng Đà Giang
Tới Hòa Bình, sông Đà dữ tợn được ngăn lại “thuần hóa” thành công trình thủy điện thế kỷ. Khi tiến xuống Phú Thọ, Đà Giang phân thành hai nhánh và chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình. Suốt chặng đường nó đi qua, dấu ấn để lại là những phong tục hết sức độc đáo trong đó có bản sắc trong ngày Tết cổ truyền của hàng chục dân tộc khác nhau trong cộng đồng các dân tộc anh em Việt Nam.
Cũng như người Hà Nhì, người Thái, người Phù Lá, Lự, Kinh, dân tộc Tày, Mường, Dao sinh sống dọc sông Đà cũng có những tập tục kỳ lạ và hết sức độc đáo. Với người Dao ở Phú Thọ, Tết luôn là điều gì đó thiêng liêng. Ngày mùng 1 Tết là ngày trọng đại nhất của năm, quyết định đến việc làm ăn của cả gia đình. Bởi thế, sau đêm giao thừa họ không ngủ mà chỉ ngồi quanh bếp lửa để nhìn nhau rồi chúc tụng. Họ chúc nhau những lời tốt đẹp nhất cho đến hết ngày mùng 1. Trước đó chiều 30 Tết, mỗi gia đình người Tày sống bên lưu vực sông Đà sẽ cử ra một thành viên ưu tú, thường là người chủ gia đình ra sông Đà múc một bát nước, nhặt một viên đá đem về đặt vào bàn thờ cúng thần sông.
Sau khi tắm giặt sạch sẽ, quần áo tươm tất người chủ gia đình sẽ chọn giờ đẹp đặt nước, đặt đá lên bàn thờ rồi khấn cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn tấn tới. Hết Tết, bát nước cúng sẽ được để nguyên còn hòn đá được đem chôn ngay chính giữa cổng vào. Người Dao ở đây cho rằng làm như thế sẽ trừ được ma tà, hà bá dưới sông cũng không bao giờ bắt đi người trong gia đình mình. Tuy phong tục này giờ không còn phổ biến nhưng nó vẫn là một nét văn hóa trong ngày Tết vô cùng độc đáo hiếm thấy ở bất kỳ đâu.
Giáp Tết đi dọc sông Đà, con sông đã từng hút hồn các tao nhân mặc khách, trở thành một hình tượng văn học hết sức sinh động trong những áng văn mới thấy nó mê hoặc chừng nào. Và nhất là khám phá những nét văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc trong ngày Tết cổ truyền dọc theo dòng Đà Giang hùng vĩ càng thêm yêu, thêm quý những miền đất trên mọi miền tổ quốc.