Ngày 20/8, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã họp và thảo luận về hai đề án trong chương trình công tác: Hội nhập quốc tế và đổi mới giáo dục; Xây dựng xã hội học tập. Tại đây, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ đã có nhiều thay đổi trong dự thảo đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Trong đó, dự thảo đưa ra vấn đề xác định lại số năm học của mỗi cấp học.
Phương án 1 là giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học, gồm 5 năm học giáo dục tiểu học và 5 năm giáo dục trung học cơ sở, giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 2 năm.
Phương án 2 là giáo dục cơ bản được thực hiện trong 9 năm học, 5 năm học giáo dục tiểu học và 4 năm THCS, giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 3 năm học.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, phương án 1 là phương án định hướng nghề nghiệp chỉ gói gọn trong 2 năm. Học sinh vẫn có 1 năm học gần như dồn toàn bộ kiến thức mới của cấp 3 hiện nay vào đó. Như vậy, một ưu thế rõ rệt là học sinh sẽ không bị xáo trộn quá nhiều.
“Với phương án này, 2 năm học định hướng nghề nghiệp sẽ giúp các em định hình suy nghĩ của mình về nghề nghiệp tương lai, về những dự định, ước mơ. Thời gian này có thể nói là vừa đủ để các em lướt qua các nghề nghiệp, những khó khăn và thuận lợi, đặc trưng của từng nghề”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương nói.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội
Tuy nhiên, tiến sĩ Hương cho biết thêm, ở phương án 1, hệ THCS, nếu học sinh học 5 năm thay vì 4 năm như trước đây thì vấn đề cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất, và trang thiết bị của khối THCS là một bài toán vô cùng khó cho các cấp quản lý, nhà trường. Để tiếp tục giảng dạy thêm 1 năm, các trường sẽ phải đối mặt với một nhu cầu lớn về phòng ốc, trang thiết bị. Trong khi đó, các trường cấp 3 (THPT) lại thừa thãi từ phòng ốc, trang thiết bị, cho đến giáo viên. Do đó, để giải quyết vấn đề này cần có một lộ trình nghiêm túc và chặt chẽ.
Theo tiến sĩ Hương, ở phương án 2, học sinh chỉ học hết cấp 2 đã được coi là hoàn thành kiến thức bậc phổ thông về các nội dung cơ bản ở các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa…. Cấp 3 là 3 năm định hướng nghề nghiệp. Ở phương án này có thuận lợi, vấn đề trang thiết bị, phòng ốc, đội ngũ giáo viên sẽ dễ dàng giải quyết hơn nhiều so với phương án 1. Nhưng ngược lại thời gian học các kiến thức cơ bản của học sinh bị rút lại quá ngắn, thậm chí có nhiều bộ môn sẽ bị thiếu hụt trầm trọng.
“Tôi nghiêng nhiều về phương án 1. Tuy nhiên, nó phải được xây dựng theo một lộ trình cải tiến để dần dần phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương nói.
Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết, nếu như thực hiện theo phương án 1 sẽ phải thay đổi rất nhiều thứ bởi học sinh đang học hệ THPT 3 năm nay lại phải giảm xuống còn 2 năm. Trong khi đó, về cơ số giáo viên, trường lớp cũng phải có sự thay đổi lớn.
"Chúng ta cứ thử hình dung, nếu như bây giờ thay đổi số năm học của cấp THCS và THPT thì sẽ gây xáo trộn lớn về cơ sở vật chất, phòng, số lượng giáo viên. Đặc biệt, ở hệ THPT nếu định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong 2 năm cũng là quá ít. Tôi nghĩ sự thay đổi này sẽ gây khó khăn và tốn một chi phí lớn”, Giáo sư Cương nói.
Theo Giáo sư Cương, hiện nay ở bậc phổ đang ổn định với mô hình 5-4-3 (tiểu học - THCS - THPT) và nó không có gì đáng ngại. Như vậy, với phương 2, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong 3 năm (THPT) là vừa đủ.
“Cái quan trọng bây giờ làm phải giảm nhẹ chương trình sách giáo khoa, chương trình, tăng thêm những kỹ năng cần thiết cho học sinh bước vào đời, đẩy mạnh việc hướng nghiệp cho học sinh ở bậc phổ thông”, Giáo sư Cương cho hay.