Dễ sập bẫy lừa 'một người bạn...'

Nhà mạng hưởng lợi khoảng 50% trong số hàng chục tỉ đồng mà khách hàng bị mất do tin nhắn rác lừa đảo

Lừa đảo qua tin nhắn là thủ đoạn không mới nhưng gần đây nó đã biến tướng và ngày càng tinh vi. Số tiền mà người dùng ĐTDĐ thiệt hại có thể lên đến hàng tỉ đồng.

Đánh vào tình cảm

Ngoài việc khai thác tâm lý hám lợi, “cao thủ” hơn là chiêu lừa đánh vào tình cảm người dùng bằng các dạng tin nhắn như: “Một người tên... muốn làm quen với bạn lâu rồi. Hôm nay bạn ấy nhờ 1900xxxx tặng bạn 1 bài hát và lời nhắn “mình yêu nhau đi”. Gọi 1900xxxx để nghe và tâm sự cùng bạn ấy”; “Em... đây, làm gì mà em gọi mãi không được? Em cho xem cái này hay lắm. Xem được thì a lô cho em luôn...”; “Có một bạn gái tặng bạn bản nhạc chuông..., để nhận và biết thông tin người gửi, soạn xxx gửi xxx”… Chỉ cần gọi hoặc nhắn tin lại, người dùng ngay lập tức mất tiền cước.

Anh Nguyễn Thế Vũ (ngụ phường 6, quận Tân Bình, TP HCM) kể cách đây vài ngày, ĐTDĐ của anh nhận được tin nhắn: “Một người bạn tên H. gởi lời yêu thương đến bạn. Gọi 1900xxxx để nghe lời nhắn”. “Tôi bèn gọi tới số này và chỉ nghe được một bài hát. Sau đó kiểm tra lại thì thấy tài khoản bị trừ 15.000 đồng” - anh Vũ ấm ức.

Chỉ cần thực hiện động tác nhắn tin hay gọi lại theo hướng dẫn của tin nhắn rác lừa đảo này là người dùng mất ngay từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng

Ngoài ra, qua phản ánh của bạn đọc, chúng tôi nhận thấy các tin nhắn rác lừa đảo hiện nay còn có các nội dung chào mời tải game, clip nóng, “giả vờ” cho người dùng biết là đã trúng thưởng... Các tin nhắn lừa đảo kiểu này thường có các nội dung như: “Nhắn tin theo cú pháp ABC gửi 7xxx để được tặng 100.000 đồng trong tài khoản”, “Nhắn tin theo cú pháp ABC gửi 7xxx để có cơ hội trúng điện thoại iPhone”… Thực tế, người dùng sau khi làm theo hướng dẫn, trúng thưởng đâu chẳng thấy mà chỉ mất tiền.

Vẫn còn bức xúc, chị N.T.H (ngụ quận 10, TP HCM) kể: “Tôi nhận được tin nhắn báo đã trúng thưởng của chương trình khuyến mãi tại ngân hàng xxx, yêu cầu tôi nhắn tin lại xác nhận. Ngân hàng này là nơi tôi đang mở tài khoản nên tôi không nghi ngờ gì và đã nhắn tin trả lời theo hướng dẫn. Sau 3-4 tin nhắn trả lời lại thì phía bên kia hoàn toàn… im bặt. Tôi gọi điện lên ngân hàng thì mới biết không có chương trình khuyến mãi nào như vậy. Tá hỏa, tôi kiểm tra tài khoản thì phát hiện đã bị trừ đến 45.000 đồng”.

Các tin nhắn dụ người sử dụng dịch vụ tham gia đấu giá một sản phẩm bất kỳ để có cơ hội nhận quà có giá trị cao cũng rất phổ biến. Ví dụ, “Nhắn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để tham gia chương trình đấu giá điện thoại iPhone 5”, “Bạn có cơ hội trúng xe máy Air Blade nếu giá bạn đoán là thấp nhất và duy nhất”… . Nhiều người dùng muốn thử vận may tham gia rồi mới biết mình bị lừa.

Tinh vi nhất hiện nay là thủ đoạn sử dụng các phần mềm nhắn tin tự động giả mạo đầu số của các nhà mạng. Với phần mềm này, từ chiếc máy tính kết nối internet, các đối tượng có thể giả mạo mọi đầu số của các nhà mạng và gửi tin nhắn đến các thuê bao ĐTDĐ khiến người dùng tin rằng đây là do nhà mạng nhắn đến và nhắn tin trả lời lại, kết quả là mất tiền oan.

Các chuyên gia công nghệ thống kê cứ 1 tin nhắn/cuộc gọi vào các đầu số lừa đảo người dùng bị chiếm đoạt khoảng 5.000-15.000 đồng. Việt Nam hiện có gần 120 triệu thuê bao di động. Nếu các tin nhắn lừa đảo thành công thì số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt được là khổng lồ.

Nhà mạng cũng đồng phạm?

Mới đây, Bộ Công an đã triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng thông qua tin nhắn rác. Theo xác minh, Lê Ngọc Tiến (Hà Nội) đã lập 3 công ty với mục đích phát tán tin nhắn lừa đảo trên các đầu số 7x68 và 7x77 của các nhà mạng. Cơ quan chức năng cho biết từ tháng 6-2013 đến tháng 6-2014, 3 công ty này đã phát tán hàng triệu tin nhắn lừa đảo từ các đầu số trên với 27 cú pháp, chiếm đoạt khoảng 22 tỉ đồng của các thuê bao di động.

Điều 226b Bộ Luật Hình sự quy định người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung sẽ “ăn chia” lợi nhuận với các nhà mạng, các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông theo tỉ lệ 40%-45% lợi nhuận thu được. Như vậy, các nhà mạng hưởng lợi rất lớn từ số tiền lừa đảo này.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết theo quy định của pháp luật, trong các vụ phát tin nhắn rác lừa đảo, các nhà mạng đã có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống thư rác. Tuy nhiên, với những vụ việc đã bị phát hiện, các nhà mạng là các tổ chức nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.

Dù vậy, theo quy định hiện hành, nhà mạng buộc phải hoàn lại số tiền mà mình hưởng lợi trái pháp luật từ việc lừa đảo của các đối tượng cho khách hàng” - ông nói. Theo luật sư Hậu, để hạn chế tin nhắn rác lừa đảo, ngoài tăng mức chế tài đối với trường hợp vi phạm, nhà nước cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của nhà mạng, của cơ quan chuyên ngành thông tin và truyền thông...