Đột tử ở những người dưới 35 tuổi thường xảy ra do các bệnh về tim. Khi các trường hợp đột tử xảy ra, nguyên nhân thường do bệnh nhân tham gia các hoạt động tiêu tốn thể lực.
Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột tử do bệnh tim
Khi bị đột tử do bệnh tim, tim bệnh nhân sẽ ngừng đập, hệ hô hấp không hoạt động bình thường và máu không được cung cấp cho cơ thể. Gần như ngay lập tức, bệnh nhân sẽ mất ý thức và ngã xuống. Lúc đó, các bác sĩ thường không thể bắt được mạch cho bệnh nhân.
Những người trẻ tuổi có nguy cơ cao bị đột tử do bệnh tim thường xuất hiện 2 dấu hiệu sau đây:
- Ngất xỉu không rõ nguyên nhân
Ngất đột ngột và không rõ nguyên nhân thường xảy ra trong quá trình hoạt động thể lực. Đây là một dấu hiệu cho thấy tim bạn có vấn đề. Ngoài ra, bệnh nhân có thể lên cơn co giật.
- Bệnh sử gia đình
Nếu trong gia đình bạn có người đột tử khi còn trẻ, bạn nên đặc biệt chú ý tới tình trạng sức khỏe của mình và nói chuyện với bác sĩ để tiến hành kiểm tra.
Hơi thở ngắn hoặc đau ngực cũng là dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ đột tử do bệnh tim. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy ít xảy ra hơn và có thể là triệu chứng của những căn bệnh khác như hen suyễn.
Có thể đề phòng đột tử ở người trẻ tuổi
Đôi khi có thể ngăn chặn những trường hợp đột tử như vậy. Nếu bạn có nguy cơ cao bị đột tử do bệnh tim, bác sĩ thường khuyên bạn tránh tham gia các môn thể thao cạnh tranh.
Tùy thuộc vào tình hình sức khỏe của bạn, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên dùng thuốc hay tiến hành phẫu thuật để giảm nguy cơ đột tử.
Với một số bệnh tim cụ thể như bệnh cơ tim phì đại, bệnh nhân có thể chọn giải pháp cấy máy khử rung tim (ICD). Đây là một thiết bị nhỏ như máy nhắn tin, được cấy vào ngực của bạn để theo dõi nhịp tim. Nếu chứng loạn nhịp tim đe dọa đến tính mạng xảy ra, máy ICD sẽ tạo ra những cú sốc điện để phục hồi nhịp tim bình thường.
Những đối tượng cần kiểm tra để phát hiện nguy cơ đột tử
Trong những năm qua, các bác sĩ vẫn tranh luận về việc kiểm tra các vận động viên trẻ để phát hiện những người có nguy cơ đột tử cao. Tại một số quốc gia như Italy và Nhật Bản, các bác sĩ thường kiểm tra những người trẻ tuổi bằng cách tiến hành đo điện tâm đồ để ghi lại tín hiệu điện tim. Tuy nhiên, cách kiểm tra này đôi khi mang lại kết quả sai, gây ra những lo lắng không đáng có.
Sau đây là những điều bạn cần làm nếu bạn lo lắng về nguy cơ đột tử của mình: Nếu một người nào đó trong gia đình của bạn chết trẻ, điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân cái chết. Nếu người đó chết do bệnh tim, các thành viên trong gia đình nên đi kiểm tra sức khỏe. Kể cả sau lần đầu kiểm tra, các bác sĩ đánh giá rằng tim của bạn hoạt động bình thường, bạn vẫn nên thường xuyên tái kiểm tra.
Những người trẻ tuổi có nên tránh hoạt động thể chất nếu bị dị tật tim?
Nếu bạn có nguy cơ đột tử do bệnh tim, hãy hỏi bác sĩ về mức độ hoạt động thể chất bạn được phép tham gia. Bạn chỉ có thể thực hiện những bài tập thể dục nhẹ nhàng hay được phép tập thể thao, tất cả phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của bạn. Không chỉ nói chuyện với bác sĩ về những hoạt động bạn được tham gia, bạn còn nên nắm rõ những hành động mình cần phải tránh.