Q: Gần đây con gái tôi có những biểu hiện chống đối ba mẹ. Tôi bảo nấu cơm thì con chạy ra phòng khách ngồi xem ti vi, kêu quét nhà lại chui vào phòng nằm dài thườn thượt. Tôi làm kinh doanh nên rất bận rộn, chẳng có thời gian ở nhà nhiều, con gái còn thế khiến tôi phát bực. Mới học lớp 6 mà con bé dám đăng hình ôm người yêu lên Facebook, tôi răn đe, cấm chơi mạng xã hội thì con cãi: “Mẹ lạc hậu quá. Mấy đứa lớp 1 đã yêu đương ầm ầm”. Tôi cứng họng những vẫn tịch thu máy tính, điện thoại. Vậy mà chẳng hiểu sao con bé tự sắm điện thoại mới và “hiên ngang” vào Facebook như khiêu khích tôi. Tôi thương con, nhưng cảm thấy bất lực quá.
A: Ông bà ta có câu: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Điều này nghe có vẻ hơi… tàn nhẫn khi đổ hết lỗi cho bà và mẹ mỗi khi con cái không nghe lời. Nhưng mọi thứ đều có cội nguồn và phải trải qua thời gian nên người xưa mới đúc rút ra thế. Nên ở góc độ nào đó, câu nói chẳng hề sai.
Bạn khoan đã vội vàng trách móc và nặng lời với con, vì thực tế bạn không có nhiều thời gian dành cho con, không tìm hiểu tâm lý con đang thay đổi thế nào. Con đang vào tuổi dậy thì, tâm lý có nhiều bước ngoặt, nên cần có người bên cạnh để định hướng. Bạn lo tập trung công việc, con thì phát triển và hành động theo bản năng, theo chúng bạn, bạn lại không vừa ý.
Con đang vào tuổi dậy thì cần có người bên cạnh để định hướng (ảnh minh họa)
Muốn dạy con phải dạy từ “thủa còn thơ”, nhưng mãi đến khi con lên lớp 6 bạn mới dạy dỗ thì sẽ khó khăn hơn. Bởi vậy bạn cần kiên trì với con. 11 tuổi, con gái đang dậy thì, con phổng phao hơn về ngoại hình, tò mò về giới tính và ưa khám phá những điều lạ. Tuổi này cũng vô cùng mong manh, dễ xúc động và biểu hiện trái ngược khi ai đó làm điều gì hoặc nói gì con không thích. Và thật sai lầm nếu bạn cứ cố gắng ép con làm những gì bạn muốn mà không quan tâm con có đồng ý không, vì lúc này con sẽ phản ứng ngược khiến bạn cảm thấy thất vọng, buồn bực.
Việc dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, bạn có thể nhắc nhở con, còn chuyện đăng hình lên Facebook bạn nên tế nhị dạy bảo. Hãy tìm hiểu về tâm lý của con ở tuổi này để có thể tâm sự và chia sẻ với con như hai người bạn, chứ không phải bằng cách tịch thu máy tính, điện thoại. Cách này không khả thi, vì con không thấy thuyết phục thì càng làm. Và những cái gì càng bị cấm thì người ta càng cố làm cho bằng được.
Gần đây có một nhạc sĩ Việt rất nổi tiếng, vô cùng phiền lòng khi con gái mình đăng hình ảnh tình tứ với bạn trai lên Facebook. Vị nhạc sĩ sợ rằng con gái lo yêu, rồi lơ là việc học dù cô bé đã 18 tuổi. Anh còn viết tâm thư “răn đe” người yêu của con gái. Những điều anh nói không đao to búa lớn, mà đầy thâm thúy khiến bao người ủng hộ. Con gái không bức xúc, xấu hổ mà cảm thấy hãnh diện về người cha.
Đấy, bạn cũng có thể học theo nhạc sĩ này viết tâm thư cho con gái hoặc gặp gỡ bạn trai của con để tìm hiểu thêm. Đừng làm bọn trẻ hoảng sợ mà chúng sẽ không nói bất cứ điều gì mà bạn muốn biết. Đừng phản đối gay gắt mà tạm thời “giả vờ” đứng về phe con gái. Chắc chắn con gái bạn sẽ cần có đồng minh, vì chàng trai của cô ấy đang tuổi “trẻ trâu” với nhiều điều bất thường khiến cô khó chịu và muốn biết lý do. Lúc này bạn sẽ đóng vai trò là nhà tâm lý học để phân tích và tìm hướng đi cho con.
Q: Nhưng con gái của tôi lầm lì, ít nói. Bao lần tôi gạn hỏi mà con bé không hé nửa lời. Tôi dọa đuổi khỏi nhà nếu qua lại với cậu bé kia. Có lần con bé xếp đồ và bỏ đi thật, sau đó tôi lại phải đi tìm về vì không yên tâm.
A: Bạn có vẻ là bà mẹ nóng nảy, con bạn thì cứng đầu. Hai tính cách này mà đối đầu nhau thì bát chén vỡ hết. Bây giờ, bạn phải hạ hỏa trước khi nói chuyện với con gái và giữ thái độ nhẹ nhàng, ân cần dù con biểu hiện trái ý bạn. Rõ ràng bạn đã thua một kèo khi bạn đuổi đi, con bé xách ba lô lên và đi. Rồi chính bạn phải tìm con bé về. Như vậy con bạn đã biết được điểm yếu của bạn là không thể bỏ rơi cô bé.
Tôi biết bạn rất bận rộn với công việc, tôi cũng không thể khuyên bạn bỏ kiếm tiền để về bên cạnh theo dõi con gái. Nhưng không gì là không thể. Bạn có thể bớt chút thời gian để ở bên con, nghe con nói, nhìn con làm và biết khen – chê những việc làm của con như một điều khích lệ cái tốt và hạn chế điều xấu ở con.
Có một người mẹ điều hành một công ty hàng trăm nhân viên nhưng sẵn sàng bỏ cả tuần sang Mỹ để khuyên nhủ con khi cô bé bị thất tình. Bà mẹ ấy biết con gái 15 tuổi đang yêu nhưng không hề cấm đoán, chỉ phân tích cho con hiểu và hướng con nên làm gì để bảo vệ mình. Khi con bị người yêu phụ tình, cô bé sa sút tinh thần, bỏ bê học hành, bà mẹ không hề trách mắng một câu nào mà chỉ an ủi, động viên con vượt qua. Con gái của bà mẹ này dần hiểu ra chuyện và biết mình nên làm gì để không làm ba mẹ buồn lòng, thất vọng về mình.
Những đứa con đều cần được người thân quan tâm. Khi bạn bỏ bê con cái thì con sẽ tìm đến người khác để chia sẻ. Nếu không thể ở bên con nhiều thì hãy gần gũi con bằng những lời hỏi han qua điện thoại, đừng để con cảm thấy cô đơn và phải tìm một điểm tựa khác. Con bạn sẽ lại nghe lời và không làm bạn buồn lòng nữa đâu.
Chúc gia đình bạn hạnh phúc.