Ở làng đào Nhật Tân (Hà Nội), thất thốn là con cưng quý nhất và có nhiều tri kỷ say mê nó. Với mỗi người chơi, hoa đào thất thốn mang lại những cảm xúc riêng.
Gắn bó với đào thất thốn 40 năm qua, năm nào chuyên gia sinh vật cảnh Trịnh Thuận Đức cũng có một cây đào thất thốn chơi Tết. Trước Tết cả tháng, ông thường xuyên qua làng hoa, ngắm mai, ngắm đào là phụ, mục đích chính vẫn là đánh giá xem năm nay thất thốn có nở đúng dịp xuân.
Tuổi cao, nhưng khi nói về hoa đào thất thốn, ông say sưa, sắc lẹm. Từ năm 1975, ông Đức và vài người chơi cây cảnh ở Hà Nội đã mở triển lãm hoa Tết. Chính năm đó, ông mang đến cây đào thất thốn, khiến bao người sững sờ.
"Ông bạn họa sĩ của tôi có một cái đôn gỗ quý, định đặt cây mai của ông ấy lên nhưng bị mọi người gạt đi. Vị trí đó dành cho chậu đào thất thốn chinh phục tất cả người có mặt", ông Đức bồi hồi nhớ lại. Vào thời đó, cả Hà Nội chỉ có 2-3 cây đào này.
"Cái tên thất thốn nghe cũng lạ. Thốn là một đơn vị đo cổ ngày xưa (1 thốn nhích hơn 1 cm). Đặc điểm của giống đào này là cứ lên được 7 thốn lại tự bẻ cành, ngoặt hướng khác. Hầu như người chơi rất ít can thiệp tạo dáng", ông cắt nghĩa tên hoa.
Nghĩ đến loài hoa này, ông Đức thấy rất đỗi thiêng liêng. Cái thân xù xì, đen đúa, trên đó nở điểm vài bông màu đỏ thẫm, vừa cổ kính, lại rực rỡ, độ bền cũng thuộc dạng vô địch. Cần chút đó thôi đã thấy được không khí mùa xuân, màu đào truyền thống mang lại may mắn cho gia chủ, chỉ tiếc hoa lại nở sau Tết 15 ngày.
Một cây đào thất thốn nhỏ thế này có giá 10 triệu đồng trở lên. Có một giai thoại vui, nhưng rất đúng là một vị khách thuê cây đào thất thốn với giá 30 triệu đồng, trên đó có 3 bông hoa, tính ra mỗi bông hoa đào giá 10 triệu. Song với đào thất thốn, cái đẹp là sự hòa quyện từ gốc đến thân, cành lá. Một cây chỉ vài bông hoa thay nhau nở mới là đẹp. Ảnh: Xuân Tùng.
Vì thế, giống hoa nở muộn này bị gọi thành "thất thoát", không đem lại giá trị kinh tế nên người dân phá bỏ. Những người tri kỷ nuối tiếc giống hoa quý mai một. May thay, có nhà vườn Lê Hàm quyết không từ bỏ. Anh Lê Hàm đã dành bao nhiêu năm để ép thất thốn nở hoa.
Nhiều năm trước, anh lính này từng đi khắp vùng Tây Bắc để săn đào quý về trồng. Anh tìm được nhiều gốc lạ, mà không thấy đào thất thốn. Một lần cuối tháng chạp, anh lạc vào vườn đào nhà dân và nghỉ chân ở một hộc đá. Kỳ lạ trên nền đất nứt nẻ giữa những phiến đá có một cây đào xù xì giống hệt đào thất thốn Nhật Tân. Nó cho ra những bông hoa trắng muốt. Nhờ cây này, anh có thêm tự tin ép thất thốn đỏ thẫm nở hoa sớm. Đến năm 2009, lần đầu tiên, tất cả những cây đào này của Lê Hàm nở bông vào dịp Tết Nguyên Đán.
Từ đó, tên anh Lê Hàm gắn với giống đào này. Người ta đồn thổi anh giữ nhiều bí quyết ép giống "đào vua" nở hoa, thế nhưng anh nông dân cười hiền, bộc bạch: "Kinh nghiệm chỉ chiếm 50%, còn lại là do thời tiết". Anh cho một nửa số cây vào trong hang ép nở, số còn lại anh bày ngoài vườn cho bạn hữu đến xem. Theo anh, Tết năm ngoái không cần can thiệp thất thốn vẫn nở hoa.
Anh Lê Hàm nâng niu đào thất thốn nhất trong các giống cây cảnh ở vườn nhà. Để hoa nở đúng dịp Tết anh còn xây một phòng sưởi ấm. Ảnh: Phan Dương.
Nhờ giống đào này anh có thêm những người bạn hữu, quý nhau vì cùng trân trọng cái đẹp, như nhà sư Thích Thanh Phương (trụ trì chùa Hưng Phúc, Ngọc Hồi, Hà Nội). Thầy quê làng Ngọc Hà, chơi giống đào này đã chục năm nay. Năm ngoái, thầy chụp ảnh đào thất thốn và mở triển lãm, quyên tiền từ thiện.
"Ngày nhà văn Băng Sơn còn sống, cứ mùa đào là ông đạp xe đến đây, đi từng nhà vườn để ngắm. Năm 2009, ông ấy sửng sốt khi nhìn thấy thất thốn nở trước Tết. Năm sau, sức khỏe yếu hơn ông vẫn nhờ người dìu đến để được ngắm loài hoa này", anh Hàm kể.
Lại có Việt kiều là một nhà khoa học ở Mỹ, lấy vợ Hà Nội, năm nào về ăn Tết ông cũng ghé qua Lê Hàm mua một cây thất thốn. Có vị khách ở Khâm Thiên luôn khẳng định có thất thốn mới có Tết. "Năm nào, ông ấy cũng mua một cây vừa tiền, còn không dám ngủ vì sợ hoa nở mất. Nhớ giao thừa mấy năm trước, ông gọi điện tới nửa tiếng khoe cây đào nở. Mình thì bận nhưng không thể cắt đứt niềm vui đó. Giống đào này mang đến cho người chơi niềm vui như vậy, quý nhau ở chân tình, còn tiền bạc bị xếp sau", anh Lê Hàm bộc bạch thêm.
Anh Lê Hàm vẫn gọi vui hoa đào thất thốn là cô nàng đỏng đảnh. "Khi nó nở thì đẹp không ai cưỡng, không thể chê trách điều gì, là nữ hoàng của các loại đào. Có lẽ cũng vì thế mà nó đỏng đảnh, buổi sáng là gốc cây trơ trụi, đen sì không ai ngó, thế mà đến chiều đâm lộc, nảy chồi rất nhanh", anh Lê Hàm nói.
Lúc thất thốn nở có bông to đến 4 cm, bền 20 ngày trong tiết trời mưa phùn, gió bấc, nhưng lại sáng nở tối tàn, héo ngay khi gặp phải nắng gió đông. Trong khi các giống đào khác nở rộ, và phát triển từ dưới lên thì thất thốn nở điểm, và từ ngọn xuống. Nó còn quý ở chỗ nở được từ nhánh, cành, thân, gốc.
"Thất thốn có hương thơm thoang thoảng, nó dành cho những người biết chơi và trân trọng. Trong khi các loại đào tàn sẽ rơi, nhưng hoa, lá thất thốn thì khô teo, không rụng. Mình phải tác động nó mới đẹp", anh Lê Hàm nói thêm.