Đào rừng về xuôi, mất xuân trên núi

Một gốc đào thế Nhật Tân có thể lên tới mấy chục triệu, một gốc đào mốc (đào Mèo) của vùng cao có thể lên tới mấy trăm triệu. Nhưng đào mốc càng càng ngày vắng bóng khi xuân về, bởi người ta săn lùng nó đến mức sắp… tuyệt chủng.

Đào rừng mọc tự nhiên trên các vùng núi cao của đất Sơn La rất đẹp. Những cánh đào rừng hồng tươi, dày dặn hơn hẳn đào phai, đào thóc. Thân cây cũng mạnh mẽ, khỏe khoắn hơn giống đào Nhật Tân.


Do sống lâu năm trong rừng, thân cây đào mốc rất to, khỏe, và được nhiều đại gia săn lùng. Ảnh: Lâm Tuyền.

Đào mốc là loại đào rừng lâu năm, có những cây mấy chục năm, có cây trở thành cây cổ thụ. Cành đào có những vết rêu mọc đánh dấu mốc thời gian. Đây là loại đào cực kỳ quý theo quan niệm của người chơi đào.

Tuy nhiên, muốn có một cành đào mốc, người ta phải đi vào vùng sâu, vùng xa, giáp với khu vực biên giới mới có thể tìm được. Lấy được đào, người ta còn phải vác đi bộ có khi cả ngày đường mới ra đến nơi xe có thể chở được.


Cánh hoa đào mốc đầy đặn hơn hẳn đào phai, nên được ưa chuộng. Ảnh: Lâm Tuyền.

Tại những vùng núi của Sơn La, cành đào rừng năm nay có giá từ 2 triệu đồng trở lên; đào mốc thì vô giá. Người ta có thể trả từ mấy chục triệu đến mấy trăm triệu cho một gốc đào mốc. Những cành, cây này chở về Hà Nội còn được bán với giá khủng hơn rất nhiều. Các cành đào đẹp, cây đào đẹp hầu như chỉ cần về đến Hà Nội là có người săn.

“Mỗi cây đào tiền trăm triệu làm sao chúng tôi dám mang về nếu không có người dám chơi”, một người lái xe tải chở đào cho biết.

Đi kiếm đào mốc khó khăn, nhưng bán được giá. Một người dân vùng Bắc Sơn, Sơn La chuyên đi săn đào mốc kể, thỉnh thoảng không may anh cũng bị chính quyền địa phương bắt khi đi chặt cành đào. Nhưng mỗi lần như thế anh chỉ bị phạt nhẹ, từ 200 đến 300 nghìn đồng, không thấm vào đâu. Chính vì thế mà người dân vẫn cứ đi săn đào mốc bình thường.


Đào mốc có giá hàng chục, hàng trăm triệu nên nhiều người sẵn sàng phá rừng đi bán. Ảnh: Lâm Tuyền.

Theo chị Nguyễn Thị Hà, một người sống ở Mộc Châu đã nhiều năm chơi đào mốc, thì để trồng một cây đào rừng đến khi có hoa phải mất từ 8 đến 10 năm, còn để cây có rêu mốc thì thời gian phải lên đến vài chục năm. Tuy nhiên, vì nhu cầu chơi đào rừng, đào mốc của một số đại gia ở các thành phố quá lớn nên nhiều người buôn đào từ miền xuôi lên Tây Bắc sẵn sàng trả giá cao để người dân nơi đây chặt cành đào mốc vô tội vạ. Thậm chí, họ còn đào cả gốc những cây đào lên để chở về thành phố.

Vì lý do ấy, mỗi năm đào rừng xuống núi dịp Tết là cảnh núi rừng Tây Bắc lại tan hoang hơn năm trước.