USS-Ticonderoga (CG-47) là chiếc đầu tiên của lớp tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển Ticonderoga. TheoGlobalsecurity, Hải quân Mỹ đưa tuần dương hạm này vào hoạt động từ ngày 22/1/1983. Đây là chiếc tuần dương hạm đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis. Hải quân Mỹ đã cho tuần dương hạm CG-47 nghĩ hưu vào năm 2004
USS-Yorktown (CG-48) là chiếc thứ hai đi vào hoạt động ngày 4/7/1984. Thế hệ đầu tiên của tuần dương hạm lớp Ticonderoga không có hệ thống phóng thẳng đứng VLS Mk41. Vũ khí phòng không chủ lực trên tàu là 2 giá phóng và sử dụng tên lửa hải đối không RIM-66 SM-2. Hải quân Mỹ cho CG-48 "nghỉ hưu" vào năm 2004.
USS-Vincennes (CG-49) phục vụ trong Hải quân Mỹ từ tháng 7/1985 đến tháng 6/2005. CG-49 nổi tiếng thế giới với vụ bắn nhầm chuyến bay 655 của hãng hàng không Iran Air vào ngày 3/7/1988 làm toàn bộ 290 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Hệ thống chiến đấu Aegis trên chiến hạm này đã nhầm chiếc Airbus A330 là một chiếc tiêm kích F-14 của Iran.
USS-Valley Forge (CG-50) phục vụ trong Hải quân Mỹ từ ngày 18/1/1986 đến 30/8/2004. CG-50 là chiến hạm Aegis đầu tiên bị biến thành mục tiêu tập bắn trong cuộc tập trận ở Hawaii vào năm 2006. Tuần dương hạm lớp Ticonderoga có chiều dài 173 m, rộng 16,8 m, mớn nước 10,2 m, lượng giãn nước toàn tải 10.000 tấn. Hệ thống cảm biến gồm radar quét mảng pha điện tử bị động AN/SPY-1 (trái tim của hệ thống Aegis) cùng một loạt các cảm biến tiên tiến khác.
USS-Thomas S. Gates (CG-51) là chiếc cuối cùng của flight I. Tàu phục vụ trong Hải quân Mỹ từ ngày 22/8/1987 đến ngày 16/2/2005. Vũ khí chính của flight I gồm 2 pháo hạm 127 mm, 2 giá phóng tên lửa SM-2, 8 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx CIWS 20 mm, 2 cụm phóng ngư lôi chống ngầm 324 mm.
USS-Bunker Hill (CG-52) là chiếc đầu tiên thuộc flight II hoạt động từ năm 1986, biến thể này đã tạo ra một cuộc cách mạng trong tấn công và phòng thủ. CG-52 là tuần dương hạm đầu tiên được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng VLS Mk41. Nó có 2 cụm VLS với 61 ống phóng mỗi cụm ở phía trước và phía sau cho phép mang theo tới 122 tên lửa các loại.
USS-Mobile Bay (CG-53) phục vụ trong Hải quân Mỹ từ ngày 21/2/1987. Việc đưa vào sử dụng hệ thống VLS Mk41 cho phép nâng cao sức mạnh tác chiến một cách đáng nể. Mk41 là một ống phóng kiểu module có thể phóng nhiều loại tên lửa khác nhau. Nó có thể phóng tên lửa đánh chặn SM-2ER, RIM-66M SM-2MR, RIM-166 ESSM. Đặc biệt là tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk, tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC.
USS-Antietam (CG-54) phục vụ từ ngày 6/6/1987 thuộc biên chế hạm đội 7 đóng tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản. Hiện nay Ticonderoga là lớp tuần dương hạm duy nhất được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất có tầm bắn trên 1.500 km.
USS-Leyte Gulf (CG-55) được đặt theo tên trận hải chiến lớn nhất lịch sử trong Thế chiến thứ 2 tại vịnh Leyte, Philippines. Hải quân Mỹ đưa CG-55 vào hoạt động từ ngày 26/9/1987. Từ tháng 3/2003, CG-55 là một phần của Nhóm tác chiến tàu sân bay số 8 CCSG-8.
USS-San Jacinto (CG-56) hoạt động từ ngày 23/1/1988. Đây là chiến hạm đầu tiên phóng tên lửa hành trình Tomahawk mở màn chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991. Trong 43 ngày làm nhiệm vụ, CG-56 đã bắn 16 tên lửa Tomahawk. USS-San Jacinto cũng là chiến hạm đầu tiên trong lớp Ticonderoga triển khai hoạt động với đầy đủ 122 tên lửa trong hệ thống VLS Mk41.
USS-Lake Champlain (CG-57) là một phần của Nhóm tác chiến tàu sân bay số 1 CCSG-1 hoạt động từ ngày 12/8/1988. Phương châm hoạt động của tàu là "Khéo léo - Dũng cảm - Kỷ luật".
USS-Philippine Sea (CG-58) hoạt động từ này 18/3/1989, là một phần của Nhóm tác chiến tàu sân bay số 2. Ngày 14/9/2012, CG-58 là nơi làm lễ rải tro cốt của phi công vũ trụ Neil Armstrong trên Đại Tây Dương. Từ ngày 23/9/2014, CG-58 làm nhiệm vụ phóng tên lửa Tomahawk vào các vị trí của IS tại Syria.
USS Princeton (CG-59) hoạt động từ ngày 11/2/1989. USS Princeton là chiếc đầu tiên thuộc lớp Ticonderoga được trang bị radar AN/SPY-1B nâng cấp. Trong quá trình tham gia chiến dịch Bão táp sa mạc, CG-59 bị trúng thủy lôi gây hỏng chân vịt mạn phải, quả thủy lôi thứ 2 phát nổ kiểu dây chuyền tạo nên một vết nứt dài bên mạn phải. Sau đó CG-59 đã thoát khỏi bãi thủy lôi dưới sự hướng dẫn của tàu quét mìn USS Adroit .