Luật thủ đô với 7 chương, 27 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013 đưa ra nhiều chính sách xây dựng, phát triển và quản lý thủ đô. Đáng chú ý, điều 19 quy định về quản lý dân nhập cư vào thủ đô được chỉnh sửa theo phương án 1 của dự thảo.
Theo đó, cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành...
Với những trường hợp khác muốn đăng ký thường trú ở nội thành phải có điều kiện tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.
Nội dung quản lý dân nhập cư đã gây nhiều ý kiến trái chiều tại Quốc hội, hiện vẫn có 106 đại biểu không tán thành, chiếm 21%.
Trước đó, dự thảo luật thiết kế 2 phương án quy định điều kiện đăng ký “nhập khẩu” vào nội thành Hà Nội. Phương án 1, nâng điều kiện tạm trú liên tục tại khu vực nội thành từ 1 lên 3 năm, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc thuê nhà ở của những cá nhân, tổ chức được cấp phép kinh doanh, đăng ký thường trú ở nơi đã tạm trú…
Phương án 2 kèm thêm điều kiện chặt chẽ hơn về nhà ở: nếu là nhà thuê phải đảm bảo diện tích tối thiểu 5m2/người.
Tuy nhiên, phương án 2 được cho là những quy định ràng buộc quá chặt chẽ đã được loại bỏ, dự thảo Luật được chỉnh lý theo phương án 1.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, phương án này cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật Cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành...
Luật Thủ đô chỉ bổ sung điều kiện về thời gian cư trú và chỗ ở đối với một số đối tượng không thuộc các trường hợp này. Theo kết quả phiếu xin ý kiến, có 289/363 đại biểu tán thành với quy định “siết nhẹ” này.
Biểu quyết riêng về nội dung này, có 346 đại biểu bỏ “phiếu thuận”, tương đương 69%. Tuy nhiên, cũng vẫn còn 106 đại biểu bỏ “phiếu chống”, chiếm tỷ lệ 21,29%. Có 11 đại biểu không biểu quyết.
Đây cũng là nội dung được thông qua với tỷ lệ tán thành thấp nhất trong số các nội dung được đưa ra biểu quyết (vị trí vai trò của thủ đô; biểu tượng thủ đô; quy hoạch phát triển thủ đô; cơ chế chính sách cho thủ đô; quản lý dân cư).
Các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình công nhận biểu tượng của thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và danh hiệu Công dân danh dự thủ đô được trao tặng cho người nước ngoài có đóng góp trong việc xây dựng, phát triển thủ đô hoặc trong việc mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của thủ đô.
Luật cho phép Hội đồng nhân dân Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng (Điều 20).
Tuy nhiên, trong Luật thủ đô không quy định nội dung cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải. Còn các mức thu phí cụ thể thì Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định cụ thể trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật phí và lệ phí.