Khoảng 17h30 ngày 14/10, khi Nhà máy sản xuất tấm lợp Thiên Lộc (phường Phả Lại, thị xã Chí Linh, Hải Dương) đang chạy thử dây chuyền sản xuất tấm lớp Fibro ximăng thì hàng trăm người dân kéo đến phản đối và yêu cầu dừng sản xuất.
Đồng thời, do bức xúc trước lời “đe dọa” của một cán bộ địa chính phường đã nghỉ hưu, người dân đã huy động 3 xe tải chở đất đá đổ chặn ngay cổng, không cho xe chở nguyên vật liệu và công nhân ra vào nhà máy này.
Ngày 21/10, theo ghi nhận của PV tại hiện trường, có khoảng 20 khối đất đá, một căn lều, giường nằm vẫn đang án ngữ ngay cổng nhà máy. Hiện tại nhà máy này đang dừng sản xuất.
Theo đơn kiến nghị của người dân nơi đây, năm 1992, Công ty xây dựng số 18 khi đi khỏi Phả Lại đã để lại một bộ phận và thành phần xí nghiệp sản xuất tấm lớp Fibro xi măng mang tên tấm lợp Đông Anh.
Quá trình sản xuất hơn 15 năm, họ để bụi amiăng bay lên hòa với không khí, nước thải không qua xử lý xả thẳng ra môi trường, ngấm vào lòng đất gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Người dân sống xung quanh khu vực và cả người bán hàng tại chợ ngay cạnh nhà máy hít phải không khí, sử dụng nước ngầm đã mắc phải nhiều căn bệnh nan y như: ung thư, tiểu đường, viêm đường hô hấp...
Cháu bé này mới 2 tuổi (nhà phía sau nhà máy) đang mang trong người căn bệnh nan y - Ảnh Minh Khang
Do sức ép của dư luận, Xí nghiệp tấm lợp Đông Anh đã phải dừng sản xuất, nhưng sau đó lại chuyển nhượng toàn bộ nhà máy cho Công ty TNHH Thiên Lộc. Sau khi tiếp quản, Công ty Thiên Lộc tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc cũ, xây dựng thêm nhà xưởng để sản xuất tấm lợp Fibro xi măng.
Người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị với nhà máy và chính quyền địa phương không đồng tình cho việc sản xuất tấm lợp này tại địa phương. Do lo ngại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hướng đến sức khỏe của người dân, nhà máy được đề nghị chuyển đổi ngành nghề kinh doanh khác.
Tuy nhiên, Công ty Thiên Lộc vẫn được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép kinh doanh, cho sản xuất tấm lợp Fibro xi măng.
Danh sách những người chết vì căn bệnh ung thư sống gần nhà máy - Ảnh Minh Khang
Theo thống kê sơ bộ của người dân, tính đến thời điểm hiện tại đã có 20 người chết và 6 người đang mắc căn bệnh ung thư. Hầu hết những người này đều sống sát cạnh tường bao nhà máy.
Trong buổi làm việc với phóng viên, đại diện Nhà máy là ông Phạm Hữu Bình, cán bộ Phòng hành chính tổng hợp cho biết, sau khi hoàn thiện dây chuyền, nhà máy cho chạy thử đợt 1 từ ngày 16-23/9 nhưng không xin phép các cơ quan quan chức năng.
Nhà máy đã phải dừng sản xuất vì vấp phải sự phản đối của người dân - Ảnh Minh Khang
Đến ngày 14/10, sau khi được phường cho phép, Nhà máy tiếp tục chạy thử thì bị người dân phản đối và đổ đất đá, dựng lều trước cổng để phản đối.
Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền và các đoàn thể đã vận động nhân dân chuyển đất đá ra khỏi cổng nhà máy. Tuy nhiên, theo người dân, đến nay nhà máy này chưa đối thoại với dân và đến ngày 22/10 sẽ họp dân, nếu dân đồng thuận mới chuyển đất đá đi.
Khi nhóm phóng viên đến liên hệ với lãnh đạo phường sở tại tìm hiểu thông tin liên quan đến vụ việc thì chỉ gặp được ông Phương Văn Môn - Phó chủ tịch UBND phường.
Tuy nhiên, ông Môn cho biết không rõ sự thể ra sao do hôm xảy ra vụ việc ông này đi học.