Vụ ly hôn của anh vị đại gia này đang được coi là "vô tiền khoáng hậu" khi liên quan đến khối tài sản kếch xù tương đương gần 1.500 lượng vàng.
Đại gia gặp phải "ổ lừa"
Theo báo Công an TP.HCM, năm 2002, anh Bùi Thế Phú (SN 1977), con trai út của chủ tiệm vàng Mỹ Ngọc (tại P1, TP. Vĩnh Long) kết hôn với chị Võ Thị Thúy (SN 1983, ngụ Măng Thít - Vĩnh Long).
Sau 7 năm phụ việc cho cha và có với nhau 3 đứa con, vợ chồng chị Thúy được ông Bùi Thế Phiên (cha chồng) cho 350 lượng vàng mua lại căn nhà số 2A đường 3/2 P1, TP. Vĩnh Long để ra làm riêng, nối nghiệp gia đình.
Vấn đề bắt đầu phức tạp khi vợ chồng anh Phú trả số tiền 350 lượng vàng để mua nhà, anh Phú đưa CMND của mình nhờ cha vợ là ông Võ Văn Thạch (SN 1953) làm giùm giấy tờ sang tên nhà.
Sau nhiều lần không thấy cha vợ đưa giấy tờ nhà, anh Phú tìm hiểu thì tá hỏa thấy người đứng tên căn nhà không phải mình mà là chị gái của vợ, tên Võ Thị Mai Phương. Anh Phú đề nghị bố vợ sang lại quyền sở hữu nhà cho hai vợ chồng thì ông Thạch hứa từ từ sẽ làm.
Tin lời bố vợ, anh Phú lo sắm sửa vật dụng và tháng 4/2009, vợ chồng anh mở tiệm kinh doanh vàng tại căn nhà này. Khi đứng ra làm riêng, ông Bùi Thế Phiên đã đưa cho vợ chồng anh Phú gần 840 lượng vàng làm vốn kinh doanh. Trong lễ khai trương tiệm vàng Phú Mỹ Ngọc, bố đẻ anh Phú còn tặng thêm cho con 20 lượng vàng nữa để bổ sung vào vốn.
Cuộc sống làm ăn đang bình thường thì gia đình anh Phú - chị Thúy lại phát sinh những mẫu thuẫn trong quan hệ tình cảm vợ chồng.
Tiệm vàng Phú Mỹ Ngọc của đại gia miền Tây "bỗng dưng" rơi vào tay gia đình vợ.
Mở tiệm không lâu, anh Phú hoàn toàn sụp đổ khi một lần tình cờ bắt quả tang vợ mình và nhân tình trong một khách sạn ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Tuy Phú đã đồng ý bỏ qua lỗi lầm của vợ, nhưng kể từ đó cuộc sống gia đình bắt đầu mở ra một hướng khác mà người đàn ông tội nghiệp này không lường được. Chỉ ba ngày sau, khoảng 23 giờ 17/10, vợ chồng ông Võ Văn Thạch và Võ Thị Cầm cùng với vợ chồng chị gái Thúy là Võ Thị Thùy - Trần Đức Hoa Cương đến nhà Phú “lấy nợ trong đêm” với số tài sản lên đến gần 330 lượng vàng 24K và 700 triệu đồng.
Ngày 20/10/2010, tin tức của phóng viên cho biết, theo yêu cầu bên nhà vợ, anh Phú ra Phòng Công chứng số 1 ký giấy tờ, lăn tay điểm chỉ ký vào hợp đồng công chứng phân chia tài sản 300 lượng vàng còn lại sau khi đã trả hết nợ mà không hề lướt qua phần nội dung. Sau khi ký thỏa thuận phân chia tại phòng công chứng thì phát sinh tranh cãi đôi bên. Khi anh Phú đòi trả lại vàng thì bị hai người thanh niên bịt mặt bằng khẩu trang, khống chế.
Chờ đến 5 giờ sáng hôm sau, lợi dụng lúc người giúp việc ra mở cửa quét dọn, anh Phú lấy xe máy chạy thẳng về chùa Vạn Cơ ở xã Long Phước, huyện Long Hồ xin trụ trì ở nhờ.
Từ đại gia bỗng thành con nợ nhà vợ
Sau khi bị gia đình nhà vợ lấy sạch tài sản, ngày 6/12/2010, anh Bùi Thế Phú đã làm đơn gửi lên Công an tỉnh Vĩnh Long tố cáo việc mình bị cưỡng đoạt toàn bộ tài sản. Tuy nhiên, sau đó vụ việc được công an xác định thuộc thẩm quyền dân sự nên chuyển sang TAND TP. Vĩnh Long để xử lý.
Ngày đối chất tại TAND TP. Vĩnh Long, ông Võ Văn Thạch đưa ra một loạt các giấy nợ (điều đặc biệt là cùng ký 1 ngày 30/12/2007) mỗi tờ thể hiện vợ chồng Phú và Thúy vay nợ 8 tỷ đồng (trong đó có một tờ gốc và một tờ phô tô); 2 giấy khác ghi ngày nhận nợ là 25/12/2006. Theo giấy nợ thì từ 2006-2007, vợ chồng Phú Thúy đã mượn của bố mẹ vợ tổng cộng hơn 700 lượng vàng và hơn 35 tỷ đồng. Điều đáng nói là, trong thời điểm này, cả Thúy và Phú vẫn đang giúp việc cho bố mẹ chồng tại tiệm vàng Mỹ Ngọc ở chợ Vĩnh Long (tháng 4/2009 mới ra lập tiệm riêng - PV).
Chưa hết, trong phiên xét xử phúc thẩm, ông Thạch đã tiếp tục đưa thêm giấy nợ 8 tỷ đồng vợ chồng anh Phú, chị Thúy đã mượn từ năm 2007.
Trong phiên tòa sơ thẩm cũng như phiên phúc thẩm dân sự của TAND tỉnh Vĩnh Long, gia đình anh Bùi Thế Phú luôn khẳng định: do sau khi phát hiện vợ là Võ Thị Thúy ngoại tình, anh Phú đã hoảng loạn tinh thần nên chỉ một tuần sau bị các thành viên phía vợ trưng ra giấy tờ không rõ ràng để lấy sạch gần 800 lượng vàng và 5,9 tỷ đồng.
Ông Bùi Thế Phiên lặn lội khắp nơi để kêu oan cho con
Để khách quan, TAND hai cấp ở tỉnh Vĩnh Long đã cho Bùi Thế Phú đến Phân viện giám định pháp y tâm thần Trung ương phía Nam tại Biên Hòa – Đồng Nai giám định và nhận được kết luận: ‘Trong và sau khi xảy ra vụ việc, đương sự bị rối loạn stress sau sang chấn, mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi khi ký thỏa thuận phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân”.
Tuy nhiên, gia đình ông Võ Văn Thạch – cha Võ Thị Thúy – không đồng ý bản kết luận này nên tòa án một lần nữa giới thiệu anh Phú đến Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương ở Hà Nội để thực hiện lại và lần này kết quả cũng không thay đổi.
Tuy nhiên, với sự “công tâm” hiếm thấy của mình, trong cả hai phiên xét xử sơ và phúc thẩm, TAND ở tỉnh Vĩnh Long đã không công nhận hai bản giám định trên mà nghĩ ra văn bản số 1115/2001/ĐN – TA ngày 29/11/2011 với nội dung “Đề nghị UBND P1, TP.Vĩnh Long nhận xét gia đình ông Phú về việc chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, các vấn đề nghĩa vụ của công dân”, điều quan trọng-là nội dung “bản thân ông Phú hay thành viên gia đình từ trước đến nay có ai biểu hiện bệnh lý gì không, có điều trị tại địa phương không, nhất là bệnh tâm thần”.
Với văn bản này, TAND tại Vĩnh Long đã “sáng kiến” thành lập “Hội đồng giám định y khoa” mới ngày 7/12/2011 tại Văn phòng UBND P1, TP.Vĩnh Long với các “chuyên gia” là: ông Nguyễn Minh Khanh – Chủ tịch UBND P1 – chủ trì, các thành viên gồm: ông Dương Văn Tuyết Hùng – Trưởng CAP1, bà Trương Thúy Phượng – Trưởng trạm y tế P1, ông Huỳnh Văn Thuận – Trưởng khóm Lê Văn Tám (P1), ông Huỳnh Vĩ Tường – Trưởng khóm Hùng Vương (P1), bà Võ Thị Thu Anh – cán bộ văn phòng UBND P1 – làm thư ký.
Chủ tịch Khanh đưa ra nhận xét cuối cùng: “Ông Phú chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước cũng như nghĩa vụ công dân ở địa phương, về bệnh lý hay bệnh lý tâm thần, ông Phú chưa có biểu hiện gì”.
Tất nhiên bản “giám định” này được hai cấp TAND tỉnh Vĩnh Long sử dụng, đặt giá trị pháp lý cao hơn kết luận của Bộ Y tế trong quá trình xét xử vụ ly hôn trị giá gần 1.500 lượng vàng của ông Phú.
Trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 7/5/2012, TAND TP. Vĩnh Long đã tuyên án cho bà Võ Thị Thúy thắng hầu như toàn bộ số tiền vàng, có quyền định đoạt căn nhà cũng như đặc quyền được nuôi luôn ba đứa con chung... Một lần nữa, anh Phú phải ngậm "trái đắng" bởi sau khi "trả hàng ngàn lượng vàng trong đêm", anh còn thiếu nợ gia đình ông Võ Văn Thạch thêm 5,2 tỷ đồng...
Ngày 6/12/2010, anh Phú đã làm đơn gửi lên Công an tỉnh Vĩnh Long tố cáo việc mình bị cưỡng đoạt toàn bộ tài sản. Tuy nhiên, sau đó vụ việc được công an xác định thuộc thẩm quyền dân sự nên chuyển sang TAND TP. Vĩnh Long để xử lý.
Nhưng không những bị mất hết vàng, tiền do nhà vợ “đòi nợ” mà cả hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm tuyên buộc anh Phú phải trả cho bố mẹ vợ 4 tỷ đồng và chị vợ 1,25 tỷ đồng tiền nợ.
Tuy nhiên, Bản án phúc thẩm số 02 ngày 23/1/2013 của TAND tỉnh Vĩnh Long bị VKSNDTC kháng nghị vì cho rằng còn tình tiết, chứng cứ chưa được làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án.
Sau khi hai bài báo CATP HCM đăng tải, ngày 11/3/2015 thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, cơ quan thường trực phía nam, Bộ Công an - đã làm việc với Công an tỉnh Vĩnh Long về vụ việc bất thường này.
Theo đó, TAND tối cao đã ra quyết định Giám đốc thẩm, tuyên hủy hai bản án sơ thẩm số 26 ngày 7/5/2012 của TAND TP. Vĩnh Long và Bản án phúc thẩm số 02 ngày 23/1/2013 của TAND tỉnh Vĩnh Long về phần giải quyết con chung và chia tài sản chung, giao hồ sơ về cho TAND TP. Vĩnh Long xét xử sơ thẩm lại theo quy định pháp luật.