Sau vụ việc Giám đốc Công ty CP thủy sản Procimex Việt Nam (trụ sở tại lô C1, KCN Dịch vụ thủy sản, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đột tử, kéo theo khoản nợ làm hàng loạt người dân là chủ tàu cá và đại lý cung cấp nguyên liệu cho công ty điêu đứng.
Tình hình trở nên xấu đi khi các nỗ lực tiếp xúc với lãnh đạo doanh nghiệp không thành, khiến rất nhiều người kéo đến vây công ty để đòi nợ.
Ông Lê Văn Chiến, thuyền trưởng tàu ĐNa903.51 cho biết: “Có rất nhiều người là đại lý cung cấp cá và các loại thủy sản khác bị công ty Procimex Việt Nam nợ đã lâm vào cảnh khốn khó. Ít cũng vài trăm triệu mà nhiều lên đến hàng tỷ đồng.
Hai tháng qua công ty này liên tục khất nợ, chủ tàu cá như chúng tôi thì không có tiền để ra khơi, còn các đại lý thì bị các chủ tàu ráo riết đòi nợ khiến tình hình trở nên căng thẳng. Nhất là ngày Tết đã cận kề khiến mọi người càng bức xúc”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, chủ tàu ĐNa 90255 bức xúc: “Hơn 4 tháng qua, nhà máy đã không thanh toán tiền hàng cho chúng tôi. Đại diện nhà máy hẹn sẽ thanh toán tiền cho ngư dân nhưng không làm giấy cam kết cụ thể. Để có tiền trang trải chi phí đi biển, trả lương công nhân, gia đình tôi đã phải vay mượn gần 200 triệu đồng. Năm nay ngư dân chúng tôi không có Tết rồi”.
Trước sự việc, chiều 29/1, làm việc với báo chí, ông Phạm Văn Dõng, Tổng Giám đốc Procimex VN cho biết, toàn bộ số nợ mua nguyên liệu (cá, bao bì, than đá,…) của Procimex đối với các đại lý ước khoảng 4 tỷ đồng. Song số nợ này do bộ máy lãnh đạo cũ để lại, thuộc thời điểm do ông Nguyễn Điểm làm Tổng giám đốc.
Nay ông Điểm đã chết (ông Điểm bị đột tử hôm đầu tháng 11/2012 - PV) nên công ty phải rà soát, đối chiếu lại công nợ. Công ty sẽ trả hết nợ cho các chủ nợ nhưng phải có thời gian và ưu tiên các chủ nợ lớn. Do ông Điểm chết đột ngột nên không có bàn giao công nợ nên công ty phải rà soát lại toàn bộ công nợ.
Ông Dõng cho biết thêm, sau khi về làm Tổng Giám đốc (từ tháng 12/2012), ông đã phát hiện Procimex thất thoát 25,36 tỷ đồng công quỹ và số tiền này do bộ máy lãnh đạo cũ rút nhưng không có chứng từ. Trong đó có cả 280 triệu đồng tiền thai sản tháng 4 và 5/2012 đã được ban lãnh đạo cũ rút ra nhưng không chi trả cho công nhân.
Số nợ của Procomex tạm tính đến 31/12 ước khoảng 14 tỷ đồng, trong đó có khoảng 4 tỷ đồng nợ tiền thu mua nguyên liệu của ngư dân các địa phương từ Đà Nẵng-Bình Định.
“Vì số tiền thất thoát lớn và nhận thấy có nhiều dấu hiệu cho thấy có hành vi phá hoại an ninh kinh tế trong nội bộ Procimex nên hiện nay chúng tôi đã chuyển hồ sơ sang Công an Đà Nẵng điều tra làm rõ”, ông Dõng cho hay.
Được biết, Công ty CP Procimex Việt Nam có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ khoản 56% số vốn. Trước đây bị thua lỗ, năm 2007 Procimex Việt Nam được Công ty mua bán nợ (Bộ Tài Chính) mua lại 56% cổ phần. Đến đầu năm 2008, công ty này được tái thiết và hoạt động tốt cho đến năm 2010.
Năm 2011, hoạt động kinh doanh giảm sút và đến năm 2012 xảy ra nhiều vấn đề và nợ nần. Đặc biệt là khi ông Nguyễn Điểm lúc bấy giờ làm Tổng Giám đốc Công ty đột tử để lại nhiều khoản nợ cũng như ngân quỹ bị thất thoát lớn.