Bệnh nhân Đồng Đức Lợi cho biết nửa đầu tháng 10, ông nhập viện ở Quảng Bình do cơn đau ở vùng hố chậu phải. Với chẩn đoán bị dính ruột, bệnh viện này chữa trị theo hướng tắc ruột, rồi cho xuất viện sau một tuần chữa trị. Ông Lợi vẫn còn đau lâm râm ở vùng hông phải và hố chậu phải nên đã tự vào khoa ngoại cấp cứu bụng Bệnh viện trung ương Huế. Tại đây bệnh nhân được hội chẩn và chuyển về khoa ngoại lồng ngực - tim mạch. Các bác sĩ chẩn đoán phình động mạch chủ chậu và được lên kế hoạch mổ ngày 1/11.
Nhưng tối 30/10, bệnh nhân bị rơi vào tình trạng sốc mất máu, mất ý thức. Các bác sĩ trực quyết định mổ tối cấp cứu ngay lập tức với chẩn đoán phình động mạch chủ - chậu vỡ. Trước cuộc mổ, các phẫu thuật viên đánh giá nguy cơ tử vong rất cao, nhưng vẫn quyết tâm cứu người dù tỉ lệ thành công là mong manh.
Cuộc mổ được tiến hành khẩn trương tính theo từng phút. Ở ca này, khối phình động mạch chủ chậu vỡ vào ruột non. Các bác sĩ phải thực hiện cắt đoạn hồi tràng, lấy sạch huyết khối trong ruột, tái lập lưu thông tiêu hóa. Các phẫu thuật viên tim mạch cắt đoạn động mạch chủ chậu phình vỡ rồi ghép prothèse (mạch máu nhân tạo) động mạch chủ đùi...
Bác sĩ Trần Thúc Khang - người chỉ huy phần tim mạch - giải thích ca mổ không khó về mặt kỹ thuật, ở trường hợp này vấn đề chính là tính tối cấp cứu của bệnh, bệnh tập hợp đầy đủ các yếu tố nguy cơ tử vong cao. Kể cả sau mổ tỉ lệ tử vong cũng lên đến 50% do nhiều biến chứng. Trường hợp phình động mạch chủ chậu vỡ vào đường tiêu hóa như của bệnh nhân Đồng Đức Lợi rất hiếm gặp. Theo bác sĩ Khang, trong 15 năm công tác ở Bệnh viện trung ương Huế cùng hai năm tu nghiệp ở Pháp, ông chưa hề gặp trường hợp tương tự. Y văn thế giới cũng chỉ ghi nhận từng trường hợp riêng lẻ chứ không có con số thống kê cụ thể.