Ngày 30/7, Tổng cục Cảnh sát phía Nam (Bộ Công an) phối hợp đại diện lãnh đạo công an Lào đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Lào về hợp tác phòng, chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán (giai đoạn 2010-2013).
Theo Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống tội phạm, trong năm 2013, hai nước sẽ phối hợp điều tra, khảo sát tội phạm mua bán người và di cư tự do qua tuyến biên giới hai nước; thống nhất tiêu chí nạn nhân bị mua bán. Hiện cơ quan chức năng hai nước đã xác định 17 tuyến, 35 địa bàn trọng điểm, lên danh sách đưa vào diện quản lý nghiệp vụ 300 đối tượng nghi vấn, 120 cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quán bar, tiệm cắt tóc, gội đầu… có biểu hiện mua bán người, hoạt động mại dâm. Trong ba năm (2010-2013), các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhận được yêu cầu xác minh 70 nạn nhân, tổ chức tiếp nhận 18 người là nạn nhân bị mua bán trở về. Tính từ năm 2005 đến nay có 112 nạn nhân được giải cứu, tiếp nhận.
Hai nước đã phối hợp thực hiện ba chuyên án điển hình như: Bộ Chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh xác lập, phá hai chuyên án, bắt năm đối tượng gồm Nguyễn Hồng Quân (Can Lộc, Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Hạnh (trú Viêng Chăn, Lào), Phạm Thị Châu (Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Nơ (Kỳ Sơn, Hòa Bình), Nguyễn Thị Thanh (Diễn Châu, Nghệ An), giải cứu sáu nạn nhân. Nhóm này khai nhận đã lừa 16 phụ nữ bán sang Lào và Thái Lan làm gái mại dâm.
Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp với bộ đội biên phòng và ba tỉnh của Lào điều tra bắt quả tang Tống Hoàng Mai đang lừa hai nạn nhân là NTTĐ và LKC (đều trú tại TP.HCM) bán vào động mại dâm. Công an đã bắt Châu Tuấn Hòa (vai trò cầm đầu, trú TP.HCM) cùng hai đồng bọn, giải cứu 11 nạn nhân quê ở các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp và TP.HCM.
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến nhận định hoạt động mua bán người qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, song kết quả đấu tranh còn thấp chưa phản ánh thực trạng tình hình. Việt Nam và Lào cần phối hợp chặt chẽ để xử lý loại tội phạm này.
Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát, Việt Nam và Lào có chung đường biên giới dài hơn 2.000 km, gồm bảy cửa khẩu quốc tế, tám cửa khẩu chính, 20 cửa khẩu phụ và hàng trăm đường mòn qua lại biên giới. Biên giới hai nước thường xuyên thu hút một lượng lớn khách qua lại, thăm thân, du lịch, làm ăn kinh tế, buôn bán, vận chuyển, trao đổi hàng hóa… Bên cạnh đó kéo theo hoạt động tội phạm buôn bán người với các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, hoạt động xuyên quốc gia ngày càng gia tăng và phức tạp. Các đối tượng lừa đưa nạn nhân sang Lào bán vào các ổ mại dâm, buộc lao động cưỡng bức tại các mỏ khai thác quặng, lâm thổ sản hoặc bán sang nước thứ ba như Thái Lan, Malaysia… |