Trải qua sự nghiệp thành công rực rỡ, Thúy Hiền tưởng như đi đến được sự trọn vẹn trong cuộc sống khi lên xe hoa cùng ca sĩ nổi tiếng Anh Tú - cựu thành viên ban nhạc Quả dưa hấu - năm 2002. Nhưng hoá ra, đó là sự bắt đầu của chuỗi cay đắng về sau.
Thúy Hiền giã từ sự nghiệp năm 2005. Đó là một quyết định không hề dễ dàng với một người đã lăn lộn trong nghiệp võ cả chục năm trời. Chị lúc đó cảm thấy suy sụp và mất phương hướng, nhưng vẫn đành phải đối diện với thực tế. Tuổi nghề cao cộng chấn thương liên miên khiến cô gái Hà Nội không thể không dừng lại.
"Mới 14 tuổi, mình đã đoạt huy chương vàng thế giới. Hồi đó mình còn nhỏ dại và nghĩ rằng chỉ võ thuật mới đem lại cho mình niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Cảm giác khi đạt thành công ngoài sức tưởng tượng cho wushu nước nhà lúc còn quá trẻ quả vô cùng khó tả. Cảm giác đó mãi đi theo mình, khiến cho nhiều lúc mình cảm thấy không biết phải làm gì một khi rời sàn đấu", Thúy Hiền hồi tưởng quá khứ trong cuộc nói chuyện cùng PV.
Sau ngày ly hôn với chồng cũ Anh Tú, cựu hoa khôi wushu một mình chăm sóc hai cô con gái nhỏ Linh Nhi và Nhi Lam. Ảnh: TH
"Mình cũng chưa thể quên những lần đạt Huy chương vàng châu Á, Đông Nam Á... Tất cả đều giá trị, khi nó là thành quả từ mồ hôi nước mắt của cả thầy lẫn trò. Cho đến giờ, tiếc nuối duy nhất trong sự nghiệp của mình là việc để lỡ cơ hội giành HC vàng tại Asian Games 1994 (Hiroshima, Nhật Bản)".
Nhưng đó chưa phải là tận cùng nỗi đau mà Thuý Hiền phải gánh chịu. Bốn năm sau cuộc hôn nhân với An Tú, năm 2006 nữ vận động viên tài ba của Việt Nam quyết định ly hôn. Chị ở vậy từ đó, và không muốn có thêm người đàn ông nào bước vào cuộc đời mình nữa, ngay cả khi chồng cũ đã lần thứ ba cưới vợ.
"Cũng là con người, mình có những khát khao và nỗi lòng riêng. Nhưng vì các con, mình không muốn tiến thêm bước nữa", chị tâm sự. "Hai đứa con bây giờ chính là toàn bộ cuộc sống của mình".
Từng có thời gian, Thúy Hiền cùng chị gái Thúy Vinh mở cửa hàng thời trang tại Hà Nội. Nhưng sau đó, hoa khôi võ thuật một thời quyết định chuyển sang buôn bán camera an ninh. Hiện tại chị vẫn cố gắng thu xếp để mỗi buổi chiều dạy khoảng 20 học viên nhí wushu tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức với giấc mơ tìm thêm nhiều vận động viên tài giỏi cho thể thao nước nhà. Công việc kinh doanh thiết bị an ninh cũng được ba năm và vẫn phát triển tốt giúp chị an tâm hơn cho cuộc sống sau ngày giải nghệ.
"Mình còn nhiều dự định kinh doanh lắm nhưng tiền bạc có hạn nên đành tạm gác lại", HLV tuyển trẻ đội wushu TP Hà Nội chia sẻ. "Tuy nhiên, tiền bạc không phải là thứ quý giá với mình nên cũng chẳng tham, chẳng tiếc. Hai cô con gái mới là báu vật duy nhất của mình, bên cạnh những danh hiệu của những ngày thi đấu".