Cuộc sống lầm than trên mỏ vàng cao nhất hành tinh

Bám trụ bên mỏ vàng nhưng đa phần cuộc sống người dân ở thị trấn mỏ khắc nghiệt nhất thế giới La Rinconada đều dưới mức nghèo khổ.

Nhớ lại hình ảnh người cha trước lúc lâm chung, Senna, cô bé 14 tuổi không giấu được nước mắt. Cuộc sống cơ cực ở thị trấn mỏ La Rinconada, Peru biến nơi đây trở thành “địa ngục trần gian” với những số phận chắp vá.

Giống như mọi đứa trẻ và người lớn ở La Rinconada, Senna có rất ít cơ hội được học hành. Cha cô bé cũng chẳng biết gì ngoài cuộc sống cơ cực, nghèo khó bên trong thị trấn. Chưa một lần được tới lớp nhưng cha của Senna luôn mơ ước trở thành một kỹ sư. Lúc lìa đời, mơ ước đó được truyền lại cho cô con gái Senna, với hy vọng học hành giúp cô bé thoát khỏi cuộc sống cùng cực nơi đây.

  

Thị trấn mỏ La Rinconada nằm cách mặt nước biển hơn 5.000m.

Là đô thị nằm cao nhất thế giới, thị trấn mỏ La Rinconada có dân số khoảng 30.000 người. Tất cả mọi hoạt động của thị trấn đều nằm ở độ cao hơn 5 km so với mực nước biển. Không chỉ đương đầu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống ở La Rinconada còn thiếu thốn bộn bề và nằm gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.

Trên thực tế, 68% dân số tỉnh Puno, nơi thị trấn La Rinconada nằm chênh vênh, sống dưới mức nghèo khổ. Đàn ông lao mình kiếm tiền trong các hầm mỏ, phụ nữ bán hàng, đãi vàng cám hay chấp nhận bán mình để kiếm những đồng tiền nuôi sống bản thân. Mọi thứ ở La Rinconada đều phủ một màu ảm đạm và tuyệt đối không phải nơi dành cho trẻ em. 

Cuộc sống thường ngày ở La Rinconada.

Chính vì lẽ đó, cơ hội học hành cho những đứa trẻ như Senna không thực sự nhiều. Thế nhưng, ngay cả khi các trường học có sẵn, những đứa trẻ ở La Rinconada cũng không được tới trường bởi cha mẹ chúng cần nhân công lao động để kiếm thêm thu nhập. Việc học hành dường như là điều xa xỉ và vô dụng ở thị trấn mỏ này.

Trong một tác phẩm viết về cuộc sống ở La Rinconada, nhà văn Maria Arana mô tả: “Học hành là điều viển vông. Ở đây không có luật lệ, chẳng có cảnh sát và tuyệt nhiên không có hình ảnh của những đứa trẻ cắp sách tới trường”.

Trẻ em cắp cặp đi học là điều xa xỉ ở La Rinconada.

Trên thực tế, La Rinconada là nơi thu hút rất nhiều người lao động nghèo, với mong ước đổi đời tại các mỏ vàng ở nơi đây. Thế nhưng, giống với cơn sốt vàng ở miền Tây nước Mỹ trong những thế kỷ trước, thứ tài nguyên quý giá này không giúp cho cuộc sống của những phu vàng trở nên dễ chịu hơn mà ngược lại, nó càng đẩy họ chìm sâu xuống vũng bùn khốn khó, cơ cực.

Đa phần các thợ mỏ ở La Rinconada đều làm thuê theo cách rất bất công. Theo đó, các thợ mỏ phải làm việc không công trong suốt 30 ngày đầu tiên. Đến ngày thứ 31, họ được trả thù lao bằng số quặng có thể vác khỏi mỏ vàng. Việc không được sử dụng các thiết bị hỗ trợ khiến số quặng vàng các thợ mỏ mang ra không nhiều và có tồn tại vàng trong quặng hay không tùy thuộc hoàn toàn vào may mắn.

Trong khi đó, không có nước sạch, hệ thống xử lý nước thải và thoát nước ở La Rinconada. Nước thải ra từ quá trình khai thác vàng khiến đất và môi trường ở thị trấn này nhiễm độc thủy ngân khá cao. Dù không thể nhận thấy ngay lập tức tác hại với con người nhưng chúng đang giết dần giết mòn người dân ở La Rinconada.