Trong cuộc chiến ấy, có một Ibra đang tràn đầy khát khao ở tuổi 30. Dù thành tích cuối mùa của Milan ra sao, đây chắc chắn vẫn là mùa giải bùng nổ nhất của Ibra trong màu áo sọc đỏ-đen. Với phong độ cực kì đáng sợ, “gã Viking” hiện đang dẫn đầu ở gần như mọi thông số trong cuộc đua giữa những chân sút giỏi nhất. Anh có tổng số bàn thắng nhiều nhất (20 bàn), đạt hiệu suất ghi bàn cao nhất (0,91 bàn/trận) và có tỉ lệ sút thành bàn lớn nhất (77,3%). Kể từ sau trận thua Inter 0-1 hôm 15/1, Ibra đã ghi 8 bàn trong 10 trận, trong đó có một hat-trick kì diệu vào lưới Palermo chỉ trong 14 phút. Dù có tới 7 trong 20 bàn của Ibra là từ chấm 11m, thì đó cũng chỉ phản ánh sự đáng sợ của Ibra trong những cuộc chơi cân não mà anh chưa từng thất bại mùa này.
Ibra đang khao khát làm nên lịch sử.
Trong sự nghiệp kì lạ của mình, bên cạnh việc được thừa nhận là một trong số những cầu thủ lớn và dị biệt bậc nhất thế giới, Ibra vẫn luôn phải sống chung với những chỉ trích về cá tính phức tạp và cái dớp thất bại lạ lùng ở Champions League. Ở tuổi 30, anh hiểu, mình không còn nhiều thời gian để chứng tỏ. Ibra không những cần những danh hiệu quốc nội để tiếp tục là “ngài Scudetto”, cần một chiếc cúp Champions League để bịt miệng những kẻ đã chê cười, mà anh còn muốn có những danh hiệu cá nhân để khắc tên mình vào lịch sử. “Quả bóng vàng FIFA” có thể là xa xôi, nhưng trở thành cầu thủ đầu tiên giành Capocannoniere (“Vua phá lưới” Serie A) với 2 CLB khác nhau là điều hoàn toàn có thể. Ibra đã 1 lần có nó mùa 2008-09 cùng Inter (25 bàn), và cần nó một lần nữa với Milan, để làm được điều mà ngay cả những chân sút huyền thoại như Meazza, Nordahl, Platini, Pruzzo, Maradona, Van Basten hay Shevchenko cũng không làm được.
Điều đáng khen nhất ở Ibra trong mùa giải này không nằm ở số bàn thắng anh đã ghi, mà là cách anh thực hiện nó. Khác với sự lười biếng “đáng ghét” thường thấy, năm thứ 2 ở Milan, cầu thủ người Thụy Điển đã đóng góp rất tích cực vào lối chơi chung. Anh làm tất cả mọi thứ, từ ghi bàn, đá phạt, đến tranh bóng, chống phạt góc, chạy khắp mặt sân vì toàn đội. Trên sân bây giờ, không còn là một gã Ibra ích kỉ, chỉ biết có bản thân mình, khi ngoài 20 bàn thắng đã ghi, Ibra cũng đã kịp dành tặng các đồng đội 5 đường kiến tạo thành bàn (cao thứ 3 cả đội).
Mặc dù vậy, sự mệt mỏi vẫn là trở ngại lớn nhất cản bước anh đi vào lịch sử. Với 30 lần đá trọn 90 phút trong tổng số 32 trận đã chơi mùa này, anh hiện là 1 trong 4 cầu thủ ra sân nhiều nhất của Milan. Gã khổng lồ ấy là một kẻ lạ lùng. Cứ mỗi khi quá mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi, anh thường chọn cách… đánh ai đó. 5 trận treo giò khi còn khoác áo Inter và Juve, tổng cộng 10 trận bị cấm thi đấu từ khi chuyển sang Milan, mới nhất là cái tát Aronica của Napoli, là minh chứng. Vì lẽ đó, đối thủ lớn nhất của Ibra trong cuộc đua trở thành kẻ dội bom số một tại Serie A mùa này không phải Denis, không phải Di Natale hay Cavani, mà là chính anh. Ở tuổi 30, là chồng, là cha của một cậu nhóc kháu khỉnh, Ibra đang đứng trước một câu hỏi của chính bản thân mình: trưởng thành thực sự cả ở nhân cách và tài năng, hay tiếp tục phải hứng chịu những mỉa mai từ cá tính phức tạp và điên rồ của bản thân? Câu hỏi ấy, chỉ Ibra có thể giải đáp nó, bằng khát khao từ trái tim, và một cái đầu lạnh ở mọi thời điểm.
Con số
0 Chưa từng có chân sút nào giành danh hiệu “Vua phá lưới” với nhiều hơn một đội bóng trong lịch sử Serie A.
20 Ibrahimovic đã ghi được 20 bàn thắng sau 28 trận mùa này, nhiều nhất so với cùng kỳ các mùa giải trước đây. Sau 28 trận mùa trước, Ibra ghi 14 bàn. Mùa 2009-10 (ở Barca), 14 bàn. Mùa 2008-09 (Inter), 17 bàn. Mùa 2007-08 & 2006-07 (Inter), 15 bàn. Mùa 2005-06 (Juve), 6 bàn. Mùa 2004-05 (Juve), 10 bàn.
7 Có 7/20 bàn của Ibra đến từ chấm 11m. Mới chỉ có một lần anh ghi nhiều bàn penalty hơn thế sau 28 vòng đấu là ở mùa 2007-08, 8 bàn. Các mùa 2006-07 và 2008-09 thì Ibra không ghi bàn nào từ penalty sau 28 vòng.