'Cuộc chiến' tin nhắn giữa cán bộ điều tra và tên giết người trong nhà nghỉ

Sau 23 giờ "giằng co", bằng hàng trăm tin nhắn và các cuộc điện thoại của điều tra viên hung thủ gây ra cái chết của nạn nhân Nguyễn Thị T. đã bị bắt.

Sau 23 giờ "giằng co", bằng hàng trăm tin nhắn và các cuộc điện thoại của điều tra viên, Đoàn Văn Phan (SN 1977), trú tại thôn Hoàng Kênh, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài chính là hung thủ gây ra cái chết của nạn nhân Nguyễn Thị T. đã bị bắt.

"Dụ cọp ra hang"

Trung tá Trần Viết Soái, Phó trưởng Công an huyện Lương Tài, người trực tiếp bắt đối tượng Phan và cũng là người trực tiếp liên hệ với đối tượng này qua tin nhắn kể lại: "Ngay sau khi xác định đối tượng Đoàn Văn Phan (SN 1977), trú tại thôn Hoàng Kênh, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài chính là hung thủ gây ra cái chết của nạn nhân Nguyễn Thị T., Ban giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành cuộc họp, lên phương án nhằm tiến hành truy bắt hung thủ. Qua xác minh tại nhà riêng, người thân của Phan cho biết, từ ngày 7/9 đến chiều ngày 10/9 (thời điểm cơ quan điều tra tiến hành xác định nhân thân đối tượng), Phan không có mặt ở nhà cũng như không có bất kỳ sự liên lạc nào với người thân".

Theo Trung tá Soái, trong quá trình thu thập thông tin về đối tượng, cơ quan điều tra (CQĐT) phát hiện: Trước đây, Phan từng là thủy thủ. Phan có học và lấy bằng thuyền trưởng, hành nghề lái tàu vận chuyển hàng hóa từ Bắc Ninh đi các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh... Ngay tại thời điểm hiện tại, Phan cũng có nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp, do vậy, khả năng Phan dựa vào các mối quan hệ để tìm nơi ẩn trốn là rất lớn.

Trung tá Trần Viết Soái, Phó trưởng Công an huyện Lương Tài.

Ngay lập tức, các tổ trinh sát được điều động tỏa đi nhiều nơi để xác minh các mối quan hệ của Phan. Tuy nhiên, thông tin về Phan vẫn hết sức mịt mù theo kiểu "bóng chim, tăm cá". CQĐT tiến hành gọi vào số điện thoại mà Phan thường dùng để liên hệ trước đây, nhưng mọi nỗ lực của các trinh sát cũng không đạt được kết quả khi thuê bao đó đã không thể liên lạc được.

Với quyết tâm phá án, sau khi họp bàn, Trung tá Soái quyết định tìm đến nhà vợ cũ Phan (ở thôn Hoàng Kênh) để thăm hỏi, chuyện trò. Tại đây, sau quá trình tiếp chuyện, Trung tá Soái có được một thông tin đặc biệt quan trọng, góp phần mấu chốt trong việc bắt thành công hung thủ. Đó chính là số điện thoại mới mà Phan dùng để liên lạc với người vợ cũ.

Khi có trong tay số điện thoại, Trung tá Soái lập tức gọi cho Phan. Nhưng do thấy số lạ gọi vào máy nên Phan không mở máy, hoặc để cho tiếng gió ù ù không thể nghe thấy được. Không còn cách nào khác, trung tá Soái đành phải dùng phương án cuối cùng là nhắn tin cho Phan với nội dung: "Anh là anh Soái, Phó trưởng Công an huyện Lương Tài. Em ở đâu thì về gặp anh" và hy vọng hắn trả lời lại. "Nói thật là lúc này chúng tôi xác định mình sẽ chơi bài ngửa với đối tượng để xem hắn có phản ứng như thế nào. Nhưng không ngờ phương án ấy lại thành công ngoài mong đợi", Trung tá Soái kể lại.

Ít phút sau, Trung tá Soái đã nhận được tin nhắn trả lời từ Phan: "Các anh không phải tìm em đâu. Mai em về đầu thú. Em xin xử bắn luôn chứ không cần xử đâu". Từ tin nhắn trên, ban chuyên án bước đầu xác định được tâm lý của Phan lúc này đã rất dao động, thậm chí hoảng loạn. Vì thế, công tác đấu tranh tư tưởng tiếp tục được thể hiện qua hàng loạt tin nhắn qua lại của trung tá Soái với hắn. Và điều quan trọng nhất mà CQĐT thu thập được trong quá trình trò chuyện với đối tượng bằng tin nhắn đó chính là Phan đã khai ra chỗ hắn đang lẩn trốn ở nhà nghỉ Đăng Khoa, đóng trên địa bàn xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Một trong những tin nhắn mà Phan nhắn qua lại với Trung tá Trần Viết Soái.

"Cuộc chiến" tin nhắn giữa cán bộ điều tra và tên sát thủ

Xác định được nơi lẩn trốn của Phan, tuy nhiên quá trình nhắn tin cho thấy, Phan rất ngoan cố và buông lời đe dọa sẽ kích mìn cho nổ tất cả nếu CQĐT không đáp ứng yêu cầu của hắn. Phan còn yêu cầu lực lượng công an phải đảm bảo an toàn cho mình trên đường về đám tang nạn nhân, thắp hương cho người xấu số mà hắn luôn miệng gọi là vợ. Nếu cơ quan công an không đáp ứng, hắn sẽ dùng mìn tự tạo tiếp tục gây án, sau đó sẽ tự tử bằng mìn.

Trước lời yêu cầu của Phan, CQĐT lập tức xác minh và được biết, trước đây ngoài đi tàu thì Phan còn có một thời gian đi làm tại một số mỏ đá ở Hải Dương và Hải Phòng. Do vậy nhiều khả năng, Phan biết chế tạo mìn. Không chỉ có thế, trong quá trình nhắn tin, Phan kể vanh vách từng bước làm mìn cũng như cách đặt kíp mìn như thế nào. Nguy hiểm hơn, trong đó, Phan còn "chốt" cách làm để mìn nổ gây sát thương một cách lớn nhất.

Phương án động viên, "nắn" tinh thần đối tượng tiếp tục được triển khai với mục đích làm Phan tỉnh ngộ, không chống đối cơ quan chức năng. Trung tá Soái cho biết: "Quả thật, khi nói chuyện với Phan, thấy hắn nói sẽ dùng mìn để tự vẫn, thậm chí sẽ ốp mìn vào nhà nạn nhân cũng như với các cán bộ công an nếu tiến hành vây bắt, chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều, bởi không ai có thể biết được trong người Phan lúc đó có thuốc nổ hay dây cháy chậm hay không. Vì thế, quá trình vây bắt đối tượng phải thận trọng hơn bao giờ hết nhằm đảm bảo an toàn cho những chiến sỹ tham gia trong chuyên án cũng như quần chúng nhân dân".

Cũng theo Trung tá Soái, sau rất nhiều tin nhắn, thấy Phan vẫn ngoan cố, cơ quan điều tra quyết định "chơi bài ngửa" với đối tượng: "Em mà kích mìn chết, hai đứa con của em bị giày vò bởi có người cha phạm tội giết người, cướp của. Nếu thấy vẫn còn danh dự thì em nên về". Từ tin nhắn này của cơ quan công an, Phan vẫn đáp lại một cách cụt lủn và vẫn yêu cầu phải cho hắn về thắp hương cho chị T., không thì sẽ có nhiều người bị thương vong với hắn.

Tiếp tục quá trình đấu tranh, cơ quan điều tra đã cho hai em ruột của Phan là anh Đoàn Văn P. và Đoàn Văn B. nói chuyện trực tiếp với đối tượng này. Trong lần nói chuyện này, Phan đã đồng ý cho anh P. đi cùng với cán bộ công an xuống nhà nghỉ Đăng Khoa để đưa hắn về nhà chị T.. Nhưng chỉ ít phút sau, Phan lại thay đổi. Hắn lại yêu cầu mình sẽ tự bắt một chiếc xe taxi đến thắp hương cho chị T., sau đó sẽ ra bên mộ của chị này giật mìn tự vẫn. Nếu trong quá trình này, cơ quan công an xuất hiện hắn sẽ lập tức "điểm hỏa". Không chỉ có thế hắn còn dọa: "Nếu các anh vẫn kiên quyết bắt em, em sẽ đến tận chỗ các anh để kích mìn...".

Cứ như thế, từ chiều ngày 10/9 cho đến 23h cùng ngày, hàng trăm tin nhắn liên tục qua lại giữa Trung tá Soái và đối tượng Phan. Nhưng thay vì ra đầu thú, Phan vẫn giữ nguyên "quan điểm" của mình. Trung tá Soái kể: "Cho đến 23h có lẽ do quá mệt mỏi nên Phan đã ngủ thiếp đi. Nhưng đến 5h30 ngày 11/9, Phan đã gọi tổng cộng 45 cuộc gọi nhỡ vào máy của tôi. Lúc này, tôi nhận định, có lẽ Phan đã rất mệt mỏi nên tiếp tục nhắn tin cho hắn. Trong các tin nhắn tiếp theo này, Phan vẫn muốn xuống thắp hương cho nạn nhân.

Tuy nhiên, khi thấy chúng tôi phân tích, đối tượng liền quay sang với mong muốn nhờ một người bạn xuống thắp hương trước linh cữu của chị T., sau đó mở điện thoại và bật loa ngoài để cho hắn nói những lời tạ tội với nạn nhân".

Sau cuộc nói chuyện này, công tác họp bàn tiếp tục được triển khai, lấy lý do gia đình nạn nhân chưa tổ chức phát tang, chưa thể viếng được nên Phan đành phải bằng lòng. Theo cảm nhận của các cán bộ điều tra, lúc này, Phan đã rất mệt mỏi nên tiếp tục vận động đối tượng ra đầu thú. Đến 12h ngày 11/9, sau rất nhiều tin nhắn và cuộc điện thoại đấu tranh tâm lý, Phan mới đồng ý đầu thú với điều kiện phải có em trai của hắn đi cùng tới cơ quan công an. Từ nguồn thông tin trên, lập tức, các phương án được triển khai ngay sau đó. Tại nhà nghỉ Đăng Khoa, sau khi Phan thực hiện đúng lời hứa với các cán bộ điều tra, đó chính là chỉ mặc một chiếc quần đùi và bước ra ngoài, đối tượng Phan đã bị các trinh sát hình sự bắt giữ.

Đối tượng chỉ đe dọa

Trung tá Trần Viết Soái cho biết: "Khi bị bắt, đối tượng Phan khai, hắn hoàn toàn không có mìn mà chỉ nói để dọa cơ quan công an cũng như người thân của nạn nhân. Còn việc chế tạo mìn như thế nào thì hắn có biết sơ qua trong quá trình tham gia làm việc ở mỏ đá trước đây. Tuy nhiên với yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sỹ cũng như quần chúng nhân dân nên ban chuyên án đã thận trọng trong từng bước".