Liệu bệnh dịch này có khả năng lây lan nhanh? Việc sử dụng thịt lợn có gây ra nguy cơ nào đối với sức khỏe? PGS-TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết:
- Từ tháng 8 - 12.2011, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) ghi nhận 12 trường hợp nhiễm virus mới ở 5 bang của Mỹ có nguồn gốc từ virus cúm A/H3N2 ở lợn là virus S-OtrH3N2. Gần đây virus mới này được Tổ chức Y tế thế giới gọi là virus A/H3N2v để phân biệt với A/H3N2 ở lợn và virus A/H3N2 mùa thông thường ở người. Tất cả đều mang gene M của virus cúm A/H1N1/pdm09 đại dịch ở người. 7 trong số 12 trường hợp này mắc bệnh cúm ở thể nhẹ, chỉ có 3 trường hợp phải nhập viện, nhưng đều khỏi bệnh sau đó. Có 6 bệnh nhân trước đó không tiếp xúc với lợn.
Ở Việt Nam, virus cúm mới A/H3N2v được phát hiện trong Chương trình giám sát cúm trọng điểm quốc gia ở một bệnh nhân 2 tuổi mắc hội chứng cúm mùa nhẹ và sau đó khỏi hoàn toàn ở một tỉnh phía nam, trong một gia đình có nuôi nhiều gà, vịt, lợn... Ngoài 13 ca nhiễm cúm A/H3N2v ở Hoa Kỳ và Việt Nam, chưa có thêm các ca bệnh khác và điều đó chứng tỏ là không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người thành dịch.
Làm thế nào để phân biệt đã nhiễm loại cúm này, thưa ông?
- Để phát hiện các chủng virus cúm mới, cần phải phát hiện sớm, lấy mẫu xét nghiệm và điều tra kỹ các ca bệnh có hội chứng cúm, đặc biệt các ca bệnh ở những người chăn nuôi lợn hay đã tiếp xúc với lợn, nhằm phát hiện lây truyền từ người sang người, từ đó hạn chế sự tiếp xúc với lợn nếu có nghi ngờ và được điều trị sớm bằng oseltamivir.
Điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, y tế thú y. Đó là một phần của việc phát hiện sớm và đáp ứng nhanh đối với các bệnh mới xuất hiện. Trong năm tới, vaccine phòng bệnh cúm phải bao gồm kháng nguyên của virus mới này.
Vậy nguy cơ nhiễm bệnh của người thường xuyên tiếp xúc với lợn ra sao, thưa ông?
- Để hạn chế nguy cơ tái tổ hợp giữa các loại virus ở người và động vật, những người chăn nuôi động vật và gia cầm cần tiêm vaccine phòng cúm mùa, thường xuyên sử dụng phương tiện phòng hộ trong chăn nuôi (đeo khẩu trang, găng tay...) và thường xuyên rửa tay bằng xàphòng. Tương tự như ở người, lợn nhiễm virus cúm có thể không có biểu hiện bệnh. Do đó, những người có biểu hiện hội chứng cúm một tuần trước đó có tiếp xúc với lợn cần phải đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
Virus cúm mới A/H3N2v đã đề kháng với thuốc amantadine và rimantadine. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn nhạy cảm với thuốc oseltamivir và zanamivir. Người bệnh cúm sau khi tiếp xúc với lợn cần phải được nghỉ ở nhà cho đến khi khỏi hẳn nhằm hạn chế tiếp xúc với người khác và lợn. Điều cần nói là: Đây là chủng virus cúm mới nên vaccine cúm mùa hiện nay không dự phòng hiệu quả được virus cúm mới A/H3N2.
Những người có nguy cơ mắc bệnh cúm và có nguy cơ có biến chứng cao của bệnh cúm: Trẻ em từ 6 - 23 tháng; những người từ 65 tuổi trở lên; những người bị bệnh tim hoặc phổi mạn tính, hen suyễn, bệnh thận mạn tính, phụ nữ có thai trong mùa bệnh cúm; những người tiếp xúc mật thiết với các bệnh nhân... cần đặc biệt lưu ý khi có các biểu hiện của hội chứng cúm, đặc biệt khi có khó thở, tím tái, ho có đờm đặc, ho ra máu, sốt cao trên 38,50C và kéo dài 3 ngày... phải đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
- Cảm ơn ông!