30 lần giải cứu thành công người lên cầu tự tử
Trong suốt hơn 35 năm công tác trong ngành CSGT, Thượng tá Lê Đức Đoàn (Đội CSGT số 1, Công an Hà Nội ) đã giải cứu thành công hơn 30 vụ người dân lên cầu nhảy xuống sông Hồng để quyên sinh do bi quan, quẫn trí, nông nổi tự tìm đến cái chết.
“Mặc dù thời gian đã lâu và tham gia giải cứu cho nhiều người được sống về với gia đình nhưng nếu bây giờ gặp lại tôi vẫn nhận ra từng người một và nhớ được hoàn cảnh, nguyên nhân cùng quẫn tìm đến cái chết của mỗi người”, Thượng tá Đoàn nhấn mạnh.
Nhấp ngụm trà đặc, Thượng tá Đoàn trầm ngâm nhớ lại vụ đầu tiên anh tham gia giải cứu cách đây đã gần 20 năm. Đó là vào năm 1994, khi anh mới được phân công làm nhiệm vụ trên giữ gìn trật tự giao thông trên cầu Chương Dương. Người đi tìm cái chết là Đ.T.K. (SN 1975), nữ sinh trường CĐ Tài chính Hưng Yên.
Vào một buổi trưa tháng 6/1994, lúc đó trời rất nắng nóng, anh Đoàn nhận được thông tin của người dân có một cô gái dáng vẻ rất mệt mỏi, buồn bã đang đi bộ lên cầu. Anh chạy vội ra khu vực giữa cầu thì thấy một cô gái còn rất trẻ, đã trèo lên lan can cầu, tay vẫn còn bám vào thành ống nước sát với lan can.
Trung tá Lê Đức Đoàn đã vinh dự được Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu là Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2012 và anh đã hiến tặng tấm bằng danh hiệu này cho Bảo tàng Công an nhân dân Việt Nam.
“Thấy cô gái định nhảy xuống sông Hồng tự tử, lúc này tôi nhẹ nhàng đi đến nơi, vừa đi vừa khuyên can như lời khuyên của người cha dành cho con gái. Khi đến đến gần cô gái, tôi vội túm vào tay rồi đưa cô gái vào trong cầu. Lúc này cô gái òa khóc nức nở. Nguyên nhân đi tìm đến cái chết của cô gái là do bị người yêu bỏ”, Thượng tá Đoàn kể lại.
Sau khi cứu được cô gái, anh Đoàn đã ngồi tâm sự, để phân tích cho cô gái biết rõ đúng sai và không nên coi cái chết là giải thoát mà đó là sự ích kỷ, bi quan không đáng có, mọi cái đều có thể làm lại được nếu biết phấn đấu, cố gắng. Cô gái mạnh dạn xin tự mình về nhà và hứa sẽ gọi điện báo tin cho anh khi đã về nhà an toàn. Tin tưởng cố gái, anh Đoàn đã đưa cô ra bến và bắt xe cho cô gái trở về nhà, kèm theo đó là chút tiền để giúp cô làm lộ phí đường đi.
Gần đây nhất Thượng tá Đoàn đã giải cứu thành công một sinh viên năm thứ 3 của trường sư phạm Bắc Ninh, N.T.T. (SN 1992) khi cô gái đang trèo lên thành cầu để nhảy xuống sông tự tử.
Hôm đó vào khoảng 19h15, ngày 6/7 trời nhá nhem tối. Lúc đó do vừa hết ca trực khi đang trên đường về nhà thì anh Đoàn nhận được tin báo của người dân có cô gái đang trèo lên cầu Chương Dương định tự tử. Anh Đoàn vội vã quay xe trở lại cầu, khi đến nơi anh thấy cô gái đang trèo lên lan can cầu nhưng vì thành cầu cao, lại là con gái nên cô gái đã bị ngã xuống đường. Thấy vậy anh Đoàn lao đến túm được tay cô gái khi đang tiếp tục trèo lên lan can lần nữa. Khi tiếp xúc, tâm sự cô gái cho biết do bị quấy rối tình dục trên mạng xã hội liên tục nên chán chường và bị quan, cùng quẫn, định tử tử bằng cách nhảy cầu.
Sau khi phân tích về lẽ sống, rồi gia đình, người thân bạn bè và phải có nghị lực sống cho cô gái nghe, cô gái đã đồng ý để anh Đoàn gọi điện cho bố đến đón về và hứa sẽ sống tốt, không có những ý nghĩ dại dột như vậy nữa.
Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1 đang điều tiết giao thông trên cầu Chương Dương.
Một mình xông vào bắt toán cướp 10 tên có hung khí
Vết sẹo trên sống mũi tuy đã lành nhưng vẫn để lộ vẻ sần sùi trên khuôn mặt đen sạm vì nắng, Thượng tá Lê Đức Đoàn kể lại chuyện một mình anh dũng cảm lao vào toán cướp 10 tên có hung khí đang cướp giật túi xách của một phụ nữ xảy ra cách đây gần 10 năm trong một lần đi tuần tra giao thông.
Nắm chặt chén trà nóng trên tay, ngồi trầm ngâm hồi lâu, dường như câu chuyện một mình xông đến bắt toán cướp ngày nào lại ùa về, hiện nguyên trong tâm trí người Thượng tá CSGT bị thương vì lần bắt toán cướp này.
Thượng tá Đoàn nhớ lại, hôm đó, vào khoảng 0h15 ngày 19/5/2005, anh được tăng cường cùng đồng đội lên tuần tra giao thông tại huyện Sóc Sơn, khi đến địa phận thuộc xã Trung Giã, gần cầu Đa Phúc thì phát hiện một người phụ nữ khoảng 40 tuổi, đang đi xe máy Dream theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội kêu “cướp...cướp...”. Gần người phụ nữ là một nhóm khoảng 10 tên, cầm trên tay gậy và tuýp sắt, không chút chần chừ anh Đoàn vội vã bảo đồng đội dừng xe rồi lao vào toán cướp.
Khi xuống xe anh Đoàn đã lao đến quật ngã được ngay tên cướp đang cầm trên tay chiếc túi xách vừa cướp được của người phụ nữ. Thấy anh có một mình, cả nhóm cướp dùng gậy và tuýp sắt lao vào chống trả. Không một chút sợ hãi, một mình người CSGT tay không tấc sắt cương quyết chống lại 10 tên cướp. Khi quật ngã được tên cướp thứ 2 nằm gục xuống đất, bất ngờ anh dính một đòn vào mặt, trúng sống mũi. Tuy đã choáng váng và máu đã chảy tràn trên khuôn mặt nhưng anh Đoàn vẫn lao vào giữ chặt một tên cướp. Lúc này toán cướp thi nhau dùng gậy, tuýp sắt, gạch đánh vào người anh Đoàn hòng giải thoát cho tên cướp đang bị anh ôm chặt.
Đúng lúc tính mạng đạng ngàn cân treo sợi tóc, máu chảy ra khá nhiều, ướt đầm cả bộ quân phục đang mặc trên người thì người đồng đội và nhân dân hỗ trợ bắt giữ được 3 tên cướp, còn lại 7 tên đã chạy thoát.
Khi được đồng đội tiếp ứng, cũng là lúc người CSGT Lê Đức Đoàn bất tỉnh. Anh được đồng đội đưa đến bệnh viện 198, Bộ Công an cấp cứu. Và được các bác sĩ kết luận anh bị vỡ xương sọ mặt, gẫy mũi và phải điều trị suốt thời gian 3 tháng để chữa trị vết thương, hồi phục sức khỏe.
“Lúc đó biết trước toán cướp có vũ khí và đông hơn rất nhiều, nhưng tôi không hề nao núng, run sợ, không lo cho bản thân, mặc dù biết mình có thể hy sinh nhưng đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của người công an nhân dân vì nhân dân phục vụ quên mình”, anh Đoàn cho hay.
Để ghi nhận sự dũng cảm của anh trong khi làm nhiệm vụ, cuối năm 2005 anh Đoàn đã được nhà nước công nhận là thương binh hạng 3/4.
“Sau này tôi mới biết, toán cướp mà tôi tham gia bắt hôm đó thường xuyên gây ra các vụ cướp liên tỉnh như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... thời gian sau đã bị lực lượng công an triệt phá".
Anh Đoàn cho biết, nghề CSGT rất vất vả nhưng cũng rất tự hào vì được phục vụ cho nhân dân trên các tuyến đường được bình yên. Bên cạnh sự vất vả, nhọc nhằn của nghề, dầm mưa, dãi nắng, hít thở bằng bụi và khói xe, các anh còn tham gia làm nhiều việc vì nhân dân như tham gia bắt cướp, cứu người bi quan đi tìm cái chết.