Thiếu tướng Tuyên nói rằng, hình ảnh CSGT phải nhảy lên nắp capo hay phải bám lên cần gạt nước như vụ ở huyện Ba Vì (Hà Nội) ngày 9/4 là hình ảnh không đẹp. “Khi CSGT ra hiệu lệnh, đáng lẽ phải chấp hành, thế nhưng lái xe cố tình đâm vào người ta nên bắt buộc CSGT phải nhảy lên nóc capo, bấu vào gạt nước. Tôi cho rằng, những hành vi này cần phải xử lý nghiêm để hạn chế tình trạng gia tăng số vụ chống người thi hành công vụ trong thời gian qua”.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, ông Tuyên cũng cho rằng, khi làm nhiệm vụ, CSGT cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế để có biệp pháp, cách ứng xử phù hợp đối với trường hợp vi phạm hay có hành vi chống đối người thi hành công vụ.
“Chẳng hạn, trường hợp CSGT đang đứng quá sát ở đầu xe ô tô mà lái xe rồ ga thì buộc CSGT phải nhảy lên nắp capô hay bám cần gạt nước của xe nếu không thì nguy hiểm cho tính mạng. Còn trường hợp cách xa khoảng 3-4m mà cố tình không tránh thì cũng có lỗi đấy. Hay nhiều trường hợp cũng không cần phải liều mình và cũng nên xem trong trường hợp đấy, việc đảm bảo ANTTGT có đáng chưa?
Bản thân các CSGT khi làm nhiệm vụ cũng phải hiểu, trước mạng sống, tính mạng của mình, phải có hành động, xử sự cho chuẩn, nhiều khi nếu quá mức thì trở thành phức tạp”, ông Tuyên nói.
Trước một số ý kiến cho rằng, một số vụ CSGT bị hất lên nắp capô là do CSGT đứng sai vị trí, ông Tuyên nói rằng, vị trí đứng của CSGT khi làm nhiệm vụ phải tuân theo quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát vi phạm do Bộ Công an ban hành.
Công tác kiểm tra, kiểm soát giao thông đã được quy định hết sức chặt chẽ. Trong quá trình làm nhiệm vụ, CSGT phải chấp hành rất nghiêm túc. “Các vụ CSGT nhảy lên nóc capo thường là do hành vi cố tình của lái xe, còn bản thân một số CSGT khi thực thi nhiệm vụ cũng phải có thái độ ứng xử đúng mực”, ông Tuyên nói.